Sự tử tế vào đề thi Ngữ văn lớp 10 ở Đắk Lắk

GD&TĐ - Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 môn Ngữ văn của tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là hay, vừa sức và có tính thời sự.

Em Bùi Trần Diễm Quỳnh tự tin sau khi kết thúc làm bài môn Ngữ văn. (Ảnh: TT)
Em Bùi Trần Diễm Quỳnh tự tin sau khi kết thúc làm bài môn Ngữ văn. (Ảnh: TT)

Sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều học sinh, giáo viên đánh giá đề thi hay, vừa sức, đặc biệt là có tính thời sự. Từ đó giúp học sinh có hứng thú, cảm xúc thể hiện năng lực trong bài viết.

Thí sinh trước giờ làm bài thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Du. (Ảnh: TT)

Thí sinh trước giờ làm bài thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Du. (Ảnh: TT)

Hay và tiếp cận chương trình mới

Em Bùi Trần Diễm Quỳnh (Trường THCS Trần Quang Diệu, TP Buôn Ma Thuột) dự thi vào chuyên Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Du cho rằng, đề Ngữ văn năm vừa hay vừa có sự đổi mới rõ ràng.

Đề thi vào lớp 10, môn Ngữ văn của tỉnh Đắk Lắk.

Đề thi vào lớp 10, môn Ngữ văn của tỉnh Đắk Lắk.

"Đề đã tiếp cận được Chương trình mới. Như ở câu 3, yêu cầu cảm nhận 1 đoạn trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Nhà thơ Thanh Hải, em không đánh giá về độ khó nhưng thấy phù hợp năng lực đa số học sinh. Em đánh giá hay ở câu Nghị luận xã hội, vì đã đặt ra tình huống mang tính thời sự đó là "Việc tử tế".

Đây là vấn đề cần thiết để mỗi học sinh tiếp cận, bàn luận qua 1 câu chuyện có thật là vụ cháy ngôi nhà trên phố Trung Kính (Hà Nội) và hành động dũng cảm, không quản ngại hy sinh của 4 thanh niên khi leo thang dây, đập tường cứu người", Diễm Quỳnh nói, đồng thời cho biết thêm: "Em lấy dẫn chứng ngay trong đề bài, từ đó liên hệ đến những tấm gương các bạn trẻ thực hiện trên các nền tảng xã hội khi cung cấp các dịch vụ: phát cơm từ thiện, hỗ trợ người nghèo... Em nghĩ, đó là những content bổ ích cho mỗi chúng ta trong cuộc sống, học tập".

Chung quan điểm, em Phạm Thanh Mai (Trường THCS Đoàn Thị Điểm, TP Buôn Ma Thuột), thi vào chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Du khẳng định: "Câu nghị luận rất hay và ý nghĩa, vì câu chuyện vừa diễn ra nên học sinh tiếp cận nhiều chiều. Em yêu thích sự tử tế, nó giúp mỗi người ý thức được trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó sống tốt hơn".

Em Nguyễn Cao Gia Bảo đánh giá đề thi môn Ngữ văn vừa sức. (Ảnh: San)

Em Nguyễn Cao Gia Bảo đánh giá đề thi môn Ngữ văn vừa sức. (Ảnh: San)

Em Nguyễn Cao Gia Bảo (THCS Buôn Trấp, huyện Krông Ana) dự thi vào Trường THPT Krông Ana cũng đánh giá: "Đề thi môn ngữ văn vừa sức với lực học của bản thân. Câu Nghị luận xã hội hay, nhưng em tâm đắc câu cảm nhận đoạn thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ".

Bảo đảm sự phân hóa

Theo cô Nguyễn Ngọc Thúy (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột), đề Văn năm nay vừa có tính thời sự, vừa có tính giáo dục đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.

"Đề thi không đánh đố, nhẹ nhàng, phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh làm bài với từng mức độ năng lực của mình, nghĩa là vẫn có độ phân hoá rõ ràng", cô Thúy đánh giá.

Cũng theo cô Thúy, học sinh lấy điểm đại trà không quá khó. Nhưng để đạt được điểm tối đa thì cần thêm hiểu biết vấn đề thời sự, đời sống xã hội. Đặc biệt, cần có tư duy lập luận, logic chặt chẽ, khả năng tích hợp liên hệ và có sự đánh giá cảm nhận, sâu sắc tích cực ở câu Nghị luận xã hội.

Nhiều em tự tin vì "trúng tủ" bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. (Ảnh: TT)

Nhiều em tự tin vì "trúng tủ" bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. (Ảnh: TT)

Chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Thúy Loan (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) cho rằng, đề thi vừa sức, không khó, mang tính thực tế. Nếu học sinh có quan tâm đến những vấn đề thời sự xã hội sẽ viết rất tốt.

"Phần đọc hiểu, câu 1a, học sinh chỉ cần bám văn bản là trả lời được. Câu 1b là dạng bài mà kiểm tra thường xuyên bao giờ cũng có. Câu 1c có tính phân hoá, bởi học sinh trả lời theo ý mình và phải đưa lí do thuyết phục. Câu 2 nghị luận xã hội dễ, nhưng cần có dẫn chứng và lập luận thuyết phục. Còn câu 3, cần có cảm thụ sâu sắc thôi chứ nằm ngay trong chương trình đã học", cô Thúy Loan phân tích.

Chung nhận định, em Bùi Trần Diễm Quỳnh đánh giá cao độ phân hóa rõ ràng của đề thi: "Nếu học lực trung bình khá trở xuống thì đạt điểm 5-6 không quá khó, nhưng để đến 7 thì rất khó. Còn điểm 8 trở lên đòi hỏi học sinh vừa có kiến thức Ngữ văn, hiểu biết xã hội vừa phải có kỹ năng làm bài tốt. Đây là kinh nghiệm mà em đã rút ra được trong học tập và các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh vừa qua".

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, môn Ngữ văn (sáng 7/6) tại 12 điểm thi có 7.658/7.870 thí sinh dự thi, vắng 212. Không có thí sinh nào vi phạm Quy chế thi.

Chiều 7/6, các thí sinh sẽ dự thi môn Ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.