Cho dù vẫn còn có nhiều nhận định, đánh giá khác nhau, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là Cách mạng tháng Mười đã khiến lịch sử nhân loại bước sang một trang mới. Bởi Cách mạng tháng Mười Nga là chỗ dựa cho những dân tộc bị áp bức trên thế giới và nếu không có Cách mạng tháng Mười, thế giới không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do.
Tuy 96 năm đã trôi qua, thế giới có biết bao đổi thay, nhưng Cách mạng tháng Mười vẫn trường tồn và nước Nga đang chứng kiến sự “lên ngôi” của Tổng thống Putin không chỉ ở xứ sở Bạch dương, mà trên cả thế giới.
Với thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Mười, CNXH ra đời và được nhân loại biết đến không chỉ là học thuyết lý luận, mà còn là một chế độ xã hội hiện thực – chế độ xã hội XHCN. Đó là cuộc cách mạng XHCN đầu tiên, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử.
Để đánh giá ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười cần nhìn nhận nó trong tiến trình lịch sử mới có thể tránh sự phiến diện, nhất là sau khi Liên Xô giải thể. Nhưng có một thực tế không thể đảo ngược – Cách mạng tháng Mười Nga đã mang lại những bài học vô giá cho nhân loại.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ giá trị chân thực của Cách mạng tháng Mười, hơn lúc nào hết chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc hơn ý nghĩa mang tính thời đại và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng tháng Mười đối với thắng lợi và tiến trình phát triển của Cách mạng Việt Nam suốt thời gian qua.
Một trong những di sản quan trọng mà Cách mạng tháng Mười để lại là nguyên tắc “chung sống hòa bình”, do Lênin đề xướng. Chung sống hòa bình có thể được coi là nguyên tắc ứng xử hữu hiệu nhất trong bối cảnh đối đầu hai cực. Ngoài ra, kiên định đi theo con đường và phát huy bài học sáng tạo của Cách mạng tháng Mười Nga, CNXH cũng chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển…
Nhận thức sâu sắc được nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm, khẳng định bản lĩnh cách mạng, kiên định con đường độc lập dân tộc và CNXH, nắm vững và tận dụng cơ hội, nỗ lực vượt qua thách thức, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong xây dựng CNXH, từ cuối thập niên 1980 đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước…
Đối với Cách mạng Việt Nam, Cách mạng tháng Mười cho chúng ta thấy: muốn cách mạng thành công, phải lấy công nông làm gốc, phải có Đảng lãnh đạo, phải bền gan – hy sinh, phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: đối với cách mạng thế giới, Cách mạng tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, phá tan cơ sở của nó và giáng cho nó một đòn chí mạng; Cách mạng tháng Mười như tiếng sét đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mơ hàng thế kỷ nay…
Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa lớn và sâu xa như thế. Tầm vóc của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga là vô cùng vĩ đại và những gì nó đem lại thực sự vẫn chưa được giải mã hết và đó là sự thật không thể phủ nhận.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế phải đảm bảo giữ vững định hướng XHCN, giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, đảm bảo an ninh quốc gia, từng bước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Và mối quan hệ Việt Nam – Nga đã và đang được củng cố, phát triển, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Putin chuẩn bị có chuyến thăm chính thức Việt Nam (12/11/2013). Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Tổng thống Putin được coi là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước – mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, lên tầm cao mới.
Trước đó, quan hệ song phương Việt – Nga đã được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện bằng Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (27/7/2012). Hơn 12 năm trước (1/3/2001), Việt Nam và Nga đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Gần nửa năm trước (từ ngày 12 - 15/5/2013), nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Liên bang Nga. Đây là lần thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Liên bang Nga (2007 và 2009) nhằm khẳng định sự coi trọng và mong muốn của Việt Nam không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước, thông báo cho nhau về tình hình chính trị-kinh tế, chính sách đối ngoại của mỗi nước, cũng như trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Đến nay, quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước phát triển năng động với kim ngạch hai chiều năm 2012 đạt gần 2,45 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011. Nga hiện đứng thứ 18/101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 93 dự án và tổng số vốn đăng ký 2,07 tỷ USD. Còn Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại…
Cách đây không lâu (31/10), trang mạng Ekhoplanet.ru của Nga đã đăng bài phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (của hãng thông tấn Itar-Tass), trong đó khẳng định: Việt Nam và Nga là mối quan hệ đối tác dựa trên nền tảng vững chắc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng, điểm đặc biệt trong quan hệ truyền thống với Nga là sự tin tưởng ở mức cao, đồng thời quan hệ này có rất nhiều tiềm năng hứa hẹn. Hai nước đã nâng mối quan hệ lên mức chiến lược toàn diện, từ nông nghiệp và công nghệ cao, tới trao đổi văn hóa và khoa học.
Có thể nói, quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước