Sự thật về quả bom nguyên tử bị mất tích của Mỹ

Sự thật về quả bom nguyên tử bị mất tích của Mỹ

Theo tường trình của những thành viên phi hành đoàn còn sống sót, quả bom này đã được thả và kích nổ trên không, trước khi máy bay rơi. Liệu đó có phải là sự thật?

Máy bay ném bom gặp nạn

Năm năm sau khi sử dụng vũ khí nguyên tử đầu tiên để buộc người Nhật đầu hàng trong Thế chiến thứ Hai, quân đội Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho kỷ nguyên chiến tranh hạt nhân với Liên Xô - kẻ thù của thời kỳ chiến tranh lạnh. Vào thời điểm đó, Không quân Mỹ đã sở hữu “người kiến tạo hòa bình” Convair B-36, loại máy bay ném bom liên lục địa có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Háo hức thử nghiệm loại máy bay mới với tải trọng thực, sau một thời gian vận động, Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược (SAC) được Ủy ban năng lượng nguyên tử cho mượn quả bom Mark IV không có lõi plutonium, chỉ chứa một khối lượng lớn uranium và các chất nổ thông thường, không thể gây nên một vụ nổ hạt nhân hủy diệt.

Vào ngày 13/2/1950, chiếc B-36 trong chuyến bay mang số hiệu 2075 cất cánh từ Căn cứ Không quân Eielson, gần Fairbanks, Alaska, với phi hành đoàn gồm 17 người. Đây là chuyến bay thử nghiệm, mô phỏng cuộc ném bom nguyên tử xuống một thành phố lớn của đối phương. Đường bay của nó được ấn định 8.850 km từ Alaska đến Montana, với mục tiêu ném bom giả định là San Francisco, cuối cùng đáp xuống Căn cứ Không quân Carswell ở Texas.

Tuy nhiên, không lâu sau khi cất cánh, thân máy bay bị đóng một lớp băng dày khiến trọng lượng gia tăng, dẫn đến các động cơ hoạt động quá mức, 3 trong số này bị cháy và ngưng hoạt động. Chỉ với 3 động cơ còn đủ chức năng, chiếc B-36 bắt đầu mất dần độ cao150m mỗi phút.

Phi công trưởng, Đại úy Harold Barry và phi hành đoàn của ông phải hành động nhanh chóng. Mệnh lệnh đầu tiên là thả quả bom theo các quy định của quân đội, để vũ khí nguyên tử hoặc bất cứ thành phần nào của nó không rơi vào tay đối phương. Nhưng khi phi công phụ ấn nút “salvo” để thả quả bom, không có gì xảy ra cả. Ông ta ấn lần thứ hai, cửa khoang chứa bom mới mở và quả bom Mark IV được thả xuống từ bầu trời Thái Bình Dương. Theo báo cáo của phi hành đoàn, các chất nổ thông thường của bom đã được kích hỏa và nó bị phá hủy hoàn toàn.

Sau đó, Barry đặt chế độ bay tự động cho chiếc máy bay đang bị trục trặc, hướng nó theo lộ trình ra đại dương, trong khi ông và phi hành đoàn nhảy dù ra bầu trời tối đen bên trên đảo Princess Royal, British Columbia. Chiếc máy bay B-36 không người điều khiển lướt đi một quãng 320km, ngược hướng đã định ban đầu và rơi xuống sườn núi tuyết Kologet, sâu trong hoang mạc Canada.

Sự thật về quả bom nguyên tử bị mất tích của Mỹ ảnh 1
Quả bom nguyên tử đầu tiên bị mất tích.

Số phận quả bom ra sao?

Ngay sau tai nạn, một lực lượng quân sự hỗn hợp Mỹ và Canada lập tức tiến hành cuộc tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn, với 40 chiếc máy bay lùng sục khắp bờ biển băng giá. Nhờ những nỗ lực của họ, 12 trong số 17 thành viên phi hành đoàn được cứu sống. Tuy nhiên, 5 thành viên còn lại, đáng kể là chuyên gia vũ khí, Đại úy Theodore Schreier, mất tích.

Sau đó, quân đội Mỹ tiến hành thẩm vấn phi hành đoàn. Tất cả đều chứng thực báo cáo của cơ trưởng Barry rằng, Mark IV đã được kích nổ một cách an toàn trước khi máy bay rơi. Trong khi đó, cuộc tìm kiếm xác chiếc máy bay vẫn tiếp tục. Những mảnh vỡ của nó sẽ là bằng chứng cho thấy lời khai của những người sống sót này có thật hay không. Tuy nhiên, không dấu vết gì của chiếc máy bay rơi được phát hiện và Không quân Mỹ cho rằng nó đã đâm xuống Thái Bình Dương.

Thế nhưng ba năm sau đó, một hoạt động cứu nạn, trong khi tìm kiếm người thăm dò mỏ dầu bị mất tích, đã phát hiện các mảnh vỡ của máy bay trên đỉnh núi Kologet.

Không quân Mỹ lập tức điều ba toán thám hiểm đến vùng núi xa xôi này, nhưng dù đã nỗ lực hết sức, không toán nào đến được địa điểm trên, do thời tiết quá xấu và môi trường quá khắc nghiệt. Cuối cùng, vào năm 1954, một nhóm nhỏ chuyên làm nhiệm vụ phá hủy đã đến được nơi chiếc B-36 rơi, họ tháo các thiết bị được xem là bí mật, rồi phá hủy nó.

Báo cáo của toán phá hủy được xem là tối mật nên không chi tiết nào, dù nhỏ nhất, được tiết lộ về quả bom nguyên tử bị mất. Từ đó, nảy sinh nghi vấn: Liệu quả bom có thực sự được thả trước khi máy bay rơi hay không? Do không có bằng chứng cụ thể, những tin đồn bắt đầu lan ra, trong đó, số phận của Đại úy Schreider, chuyên gia vũ khí bị mất tích, được đề cập nhiều nhất.

Đầu tiên, có tin đồn về một thi thể được tìm thấy cùng với xác chiếc máy bay trên núi Kologet. Liệu có phải đây là Schreier? Là chuyên gia vũ khí và cựu phi công của một công ty hàng không dân dụng, ông ta có thể đã nỗ lực đưa chiếc máy bay quay lại Alaska, khi những người khác đã nhảy dù ra. Câu chuyện bắt đầu lan truyền rằng, quả bom chưa hề rời khỏi máy bay và Schreier đã chết trong khi cố gắng đưa chiếc B-36 chuyển hướng trở về căn cứ không quân.

Không tin đồn nào được quân đội khẳng định, tuy nhiên, nửa thế kỷ sau đó, những người thích phiêu lưu mạo hiểm và những nhà điều tra nghiệp dư đã tìm đến nơi chiếc máy bay B-36 rơi để xem có thể phát hiện và thu thập được những gì không.

Đó là vào năm 2003, một toán điều tra dẫn đầu bởi John Clearwater, chuyên gia thuộc chương trình vũ khí hạt nhân của Canada đã đến chỗ máy bay rơi để có đánh giá riêng. Chiếc máy bay gần như bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1954, nhưng cũng để lại những dấu vết đáng quan tâm. Clearwater nhận định, trong khi máy bay rơi, phần lớn thiết bị trong khoang chứa bom bị phá hủy nhưng vòng kẹp giữ cố định quả bom vẫn còn nguyên. Nếu quả bom rơi cùng với phần còn lại của máy bay và vòng kẹp vẫn trong tình trạng tốt thì nó phải nằm trong đống đổ nát. Nhưng không có dấu vết gì của nó cả.

Như vậy là số phận của quả bom nguyên tử bị mất tích đầu tiên đã rõ. Những mảnh vỡ của nó sau khi bị kích nổ đã nằm sâu dưới đáy đại dương.

TheoHistory

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ