Sự thật phũ phàng châu Âu phải đối mặt khi quan hệ Nga – Mỹ đổi thay

GD&TĐ - Khi quan hệ giữa Nga và Mỹ thay đổi, châu Âu phải chấp nhận một sự thật phũ phàng liên quan đến Ukraine và Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà kinh tế học người Pháp Jacques Sapir, đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại Trường Khoa học Xã hội Cao cấp có trụ sở tại Paris đưa ra nhận định trên với TASS.

Ông Jacques Sapir đã bình luận trước tuyên bố của các quan chức châu Âu về việc Washington cần phối hợp các nỗ lực ngoại giao liên quan đến Ukraine và quyết tâm của chính họ trong việc tiếp tục hỗ trợ Kiev.

"Các nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng giống người thường làm khi vặn nhầm vòi nước trong phòng tắm, đó là la hét. Và họ sẽ tiếp tục la hét và rên rỉ trong những tuần tới. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu không đủ khả năng duy trì xung đột ở Ukraine nếu không có Mỹ" - ông chỉ ra.

Nhà phân tích lưu ý Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine và nếu Washington từ chối tiếp tục hỗ trợ Kiev, châu Âu sẽ phải thừa nhận thực tế mà "họ quay lưng từ tháng 2/2022".

Theo ông Sapir, sau khi nhận ra sự vô ích của việc tiếp tục ủng hộ Kiev, các nước lớn ở châu Âu như Đức, Ý và Pháp sẽ thấy mình kẹt giữa một bên là chính sách thương mại của ông Trump và một bên là giá năng lượng tăng cao.

Họ sẽ không thể chống lại chính sách của Washington nếu không tiếp tục mua dầu khí Nga; "Nếu không mua dầu khí Nga, họ sẽ thấy các tập đoàn lớn của mình rời khỏi châu Âu, nơi năng lượng rất đắt đỏ, và chuyển đến Mỹ, ông Sapir nhận định.

Như vậy, sự lựa chọn sẽ là việc chấp nhận thuế quan của ông Trump và phớt lờ chúng, điều này sẽ sớm dẫn đến việc phi công nghiệp hóa EU, và giảm đáng kể giá năng lượng, khôi phục quan hệ với Nga và sửa chữa đường ống dẫn khí đốt.

“Trên thực tế, sự lựa chọn trên rất đơn giản đối với bất kỳ ai suy nghĩ rõ ràng, nhưng lại khá khó khăn đối với những người có tư duy mù quáng. Sau nhiều năm phủ nhận và tự lừa dối, sự thay đổi trong bối cảnh chính trị, cả về mặt lãnh đạo và chính sách, sẽ rất đáng kể", ông Sapir kết luận.

Đàm phán Nga-Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm ngày 12/2, đặc biệt thảo luận về triển vọng giải quyết xung đột ở Ukraine. Theo Điện Kremlin, ông Trump kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự càng sớm càng tốt và giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình.

Ngược lại, ông Putin nhấn mạnh đến nhu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Ông cũng nhất trí với nhà lãnh đạo Mỹ rằng có thể đạt được giải pháp lâu dài thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ