Mới đây, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra nhà trọ của Đỗ Thị Thêm, 47 tuổi, trú tại phường Ngọc Thụy, phát hiện có khoảng 8 tạ găng tay y tế đã qua sử dụng được cơ sở này sơ chế lại chờ bán ra thị trường cùng nhiều nước tẩy rửa và bao bì phục vụ cho việc “đóng hộp”. Sự việc này khiến dư luận hoang mang về nguồn gốc và độ an toàn của các găng tay đang được bày bán tràn lan trên thị trường. PV đã mục sở thị và làm rõ thêm nguồn gốc của những đồ dùng khá phổ biến này.
Phát hoảng với công thức tự “chế”
4h sáng một ngày đầu tháng 10, PV có mặt tại chợ đầu mối Minh Khai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để làm rõ câu chuyện về những chiếc găng tay y tế. Ở góc phía chính tây của chợ, một phụ nữ gầy guộc, đen nhẻm đang loay hoay sắp xếp lại số găng tay đang đổ đống. Theo quan sát của PV, ở chợ đầu mối chỉ có hai phụ nữ chuyên bán mặt hàng này. Hầu như số găng tay ở đây đều để trần, không được bảo quản và đóng gói, sau đó được đổ thành đống lên một mảnh bạt cũ, xung quanh xen lẫn với những quầy hàng bán cá, thịt và hoa quả, trông rất mất vệ sinh.
Găng tay y tế tái chế lại được rao bán công khai ở nhiều nơi.
Ngỏ ý muốn mua với số lượng lớn để đổ mối cho các hiệu thuốc, người phụ nữ này không ngần ngại khẳng định với chúng tôi: “Cần số lượng bao nhiêu cũng có thể sẵn sàng cung cấp” và không quên quảng cáo: “Nếu em lấy số lượng lớn chị sẽ giảm giá để lấy chỗ đi lại, hàng chị lấy từ chỗ quen nên em không phải lo về chuyện giá cả”.
Qua tìm hiểu PV còn biết thêm, găng tay được người phụ nữ nhập về từ một cơ sở ở Quốc Oai (Hà Nội), còn cụ thể các cơ sở kia nhập lại từ đâu thì chị không rõ. Tuy nhiên, chị này cũng tiết lộ cho PV biết thêm một số mánh khóe để “độ” những chiếc găng tay y tế đã dùng 1 lần có thể dùng “được nhiều lần”. Theo chị, vấn đề quan trọng nhất là biến các găng tay này có thể trắng lại “y như mới”, việc này khá đơn giản, chỉ cần nhập các găng tay thô (găng tay mới dùng 1 lần -PV), mang về, dùng một số “chiêu” sẽ tạo ra các găng tay thành phẩm, khi tung ra thị trường thì sẽ có khả năng cạnh tranh về giá.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ có “thiện chí” để “học nghề”, chị này chỉ bảo khá tường tận. Theo đó, sau khi nhập hàng “thô” về, phải ngâm trong nước ấm khoảng 400C trong vòng 2 tiếng. Đặc biệt, chỉ được ngâm trong chậu nhôm hoặc nếu nhiều thì nên xây những thùng chứa bằng bê tông, tuyệt đối không được ngâm trong chậu nhựa.
Công đoạn quan trọng nhất và yêu cầu có “kinh nghiệm” mà người phụ nữ mách nước đó là tẩy trắng. Chị ta nhiệt tình nói, nhiều cơ sở lớn họ thường mua các loại nước tẩy rửa từ Trung Quốc về để làm trắng, còn với cơ sở nhỏ lẻ thì dùng nước Javen, trộn với bột giặt là có thể biến những đôi găng tay ấy trở lại y như mới.
Chị này còn cho hay: “Việc nắm bắt được tâm lý của khách hàng, đặc biệt là chủ hiệu thuốc họ chỉ thích nhập hàng giá rẻ thôi, việc sử dụng là của người mua. Nhìn vào găng tay loại này có khác gì so với găng tay còn “zin” đâu. Chị bán ra chỉ có 2.000 đồng/đôi, trong khi loại mới giá 5.000 đồng, đến tay người sử dụng, giá đẩy lên 10.000 đồng, tội gì người buôn không chọn loại của chị”.
Nguồn hàng được tái chế từ rác thải bệnh viện?
8h sáng, PV có mặt tại đầu mối khác là các cơ sở bán bao tay y tế trên địa bàn chợ Đồng Xuân và phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Dừng lại tại một cửa hàng trong chợ Đồng Xuân, khi chúng tôi đề cập chuyện muốn mua với số lượng lớn nhưng cần phải biết được nguồn gốc rõ ràng, bà chủ quán dáng mập mạp, bước đi khệnh khạng, lúc đầu có vẻ hồ nghi, nhưng sau một hồi bắt chuyện và đã thực sự “kết” thì người này mới thú nhận: “Găng tay này trong bệnh viện họ chỉ dùng mới 1 lần, về mình tái chế lại để tiết kiệm, dùng cho đỡ... phí”.
Bốc một nắm găng tay đổ đống trong một góc cửa hàng, PV lân la hỏi liệu số hàng này có phải rác thải y tế tuồn ra từ bệnh viện hay không, bà chủ hàng chắc nịch: “Rác thải hay không chỉ cần giặt tẩy bằng hóa chất để dùng thì có sao. Khách hàng vừa muốn rẻ nhưng lại muốn tốt, không dùng hàng này thì đào đâu ra hàng gì nữa mà đáp ứng. Cả phố này bán từ bao năm qua đã thấy ai bị bệnh tật gì đâu. Các em cứ mua thử một ít về mà dùng, loại này được chị nhập từ các cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên, khi chúng tôi có ý định muốn liên hệ với các đầu mối thu gom từ trong bệnh viện để về tự chế lại thành găng tay mới thì người này khoát tay, không cung cấp.
Tiếp tục sang phố Hàng Khoai, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của các mặt hàng bảo hộ lao động, từ găng tay y tế đến bao tay vải, da đều có đủ. PV thử hỏi mua găng tay y tế tại một số cửa hàng với số lượng lớn, các chủ hàng đều đon đả giới thiệu.
Được biết, “hàng” đã qua sử dụng nhưng được nhập từ nước ngoài về thì có giá 35.000 – 40.000 đồng/tá (12 đôi), còn “hàng” trong nước đã qua sử dụng thì chỉ 20.000 đồng/tá. Lý giải về “hàng nhập” và “hàng nội” bà chủ cửa hàng khẳng định: “Hàng nhập là của các trung tâm thí nghiệm, bệnh viện nước ngoài họ sử dụng một lần rồi thải ra, sau đó có “đường dây” đưa về nước ta. Còn “hàng nội” thì được thu mua lại của đầu nậu lấy ra từ một số bệnh viện trong nước, sau đó tái chế rồi mang đến đổ lại cho cửa hàng”.
Điều đáng lo ngại là rất nhiều người khi mua găng tay về để sử dụng hoàn toàn không biết sản phẩm đó đã bị “độ” hay chưa. Không ít những đôi găng tay “bẩn” này được mua về để chế biến thực phẩm, dùng trong lò mổ gia súc, gia cầm, thậm chí kể cả việc chữa bệnh. Nếu họ ham rẻ mà dùng “nhầm” những sản phẩm như thế này thì hậu quả của nó thật khó lường.
Trao đổi về vấn đề này trên VTV, ông Trần Anh Tuấn – Phó trưởng phòng Cảnh sát tội phạm môi trường, Công an Hà Nội cho biết: “Đầu tiên là xuất phát từ nhu cầu người dùng, vì ham rẻ nên họ chọn mua những sản phẩm được tái sử dụng. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên sử dụng những găng tay cao su mỏng đã qua sử dụng và không rõ nguồn gốc. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng”. |