Sự phục hồi lạc quan

GD&TĐ - Từ 15/3, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài, làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh kinh tế trên toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau gần 3 năm thực hiện chính sách zero-Covid và đóng cửa với thế giới, từ 15/3, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài, làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh kinh tế trên toàn cầu.

Theo quyết định Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố hôm 14/3, Trung Quốc tiếp tục cấp tất cả các loại thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh nước này.

Người nước ngoài có thị thực được cấp trước ngày 28/3/2020 và vẫn còn hiệu lực sẽ được phép nhập cảnh vào nước này. Các chính sách miễn thị thực sẽ được nối lại để nhập cảnh vào tỉnh đảo phía Nam Hải Nam và các nhóm tàu du lịch trên biển tại các cảng Thượng Hải.

Ngoài ra, việc miễn thị thực nhập cảnh vào tỉnh Quảng Đông ở phía Nam sẽ được khôi phục đối với các nhóm du lịch của người nước ngoài đến từ các đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao, từ các quốc gia thành viên của ASEAN đến Quế Lâm ở khu tự trị Choang Quảng Tây.

Ren Yuanzhe, Giáo sư khoa Ngoại giao và Quản lý đối ngoại tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết, các chính sách thị thực của nước này đã trở lại như trước khi xảy ra đại dịch và cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mở cửa hơn nữa.

“Đó là một sự khích lệ lớn đối với người nước ngoài quay trở lại Trung Quốc”, ông Ren nói. Ông cho rằng những thay đổi này cũng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đồng thời cho biết việc khôi phục trao đổi và thương mại xuyên biên giới là cần thiết để nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Chính sách thị thực mới sẽ tạo điều kiện cho du lịch nối lại và phục hồi việc đi lại quốc tế và du học nước ngoài, các hãng hàng không dự kiến sẽ tăng các chuyến bay quốc tế.

Liang Nan, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cho biết, nếu thị trường phục hồi tốt, số lượng chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vào cuối năm dự kiến sẽ đạt khoảng 80% so với mức trước đại dịch, với khoảng 7.300 chuyến bay mỗi tuần.

Năm 2022, Trung Quốc có 115 triệu chuyến đi xuyên biên giới, thấp hơn nhiều so với mức 670 triệu chuyến năm 2019. Người nước ngoài chiếm 97,7 triệu trong số các chuyến đi đó vào năm 2019 - con số này đã giảm xuống chỉ còn 4,47 triệu vào năm ngoái.

Các dữ liệu cho thấy mọi thứ phục hồi nhanh hơn dự kiến. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong cả năm 2022 - tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1976. Tuy nhiên, Capital Economics, một công ty tư vấn, hiện kỳ vọng Trung Quốc sẽ báo cáo mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay.

Không chỉ tác động tốt với kinh tế Trung Quốc, người ta chờ đợi việc mở cửa đi lại và kinh tế sẽ tác động lớn đến sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Các hoạt động kinh doanh giao dịch, việc quản lý điều hành sẽ được nối lại suôn sẻ khi người nước ngoài quay lại Trung Quốc. Sự hồi sinh trong hoạt động đầu tư và tiêu dùng bị dồn nén của Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhu cầu toàn cầu.

Các nhà xuất khẩu hàng hóa và các điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Đông Á, sẽ được hưởng lợi. Lượng đặt phòng tăng đột biến trên các trang web du lịch cho thấy tiềm năng phục hồi chi tiêu toàn cầu của khách du lịch Trung Quốc, con số này vào năm 2019 lên tới 255 tỷ USD.

Là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, sự phục hồi của Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các nhà xuất khẩu kim loại và năng lượng. Và bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ hơn, do Trung Quốc cung cấp 15% hàng hóa xuất khẩu của thế giới, áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ giảm bớt hơn nữa.

Tuy nhiên, nhu cầu cao hơn có thể làm tăng áp lực giá toàn cầu, nhất là giá dầu, và có thể khiến châu Âu rơi vào tình trạng thiếu hụt vào mùa Đông tới. Cũng có những lo ngại rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là không chắc chắn. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn ở Mỹ và châu Âu, xuất khẩu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.

Dù sao, hy vọng vẫn nhiều hơn bi quan khi mà tác động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến toàn cầu ngày càng sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ