Chiến dịch được xem là một động thái có thể dẫn đến căng thẳng leo thang và gây ra Chiến tranh Lạnh.
Tác động thị trường tài chính ngắn hạn do cuộc chiến gây ra có lẽ đã rõ ràng. Đối mặt với cú sốc lạm phát đình trệ có rủi ro lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể tiếp tục “đỏ lửa”.
Trong khi đó, giá dầu và khí đốt tự nhiên được dự đoán sẽ tăng mạnh hơn nữa. Bởi, cả Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu nguyên liệu thô cũng như thực phẩm. Ngoài ra, đồng tiền trú ẩn an toàn như franc Thụy Sĩ sẽ mạnh lên và giá vàng cũng tiếp tục tăng.
Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu một loạt áp lực gồm lạm phát tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường chứng khoán ảm đạm. Ông Clay Lowery - Phó Chủ tịch điều hành Viện Tài chính quốc tế (Mỹ), cảnh báo, thế giới có thể sẽ chứng kiến những hậu quả không thể đoán trước được.
Theo hãng tin AP, Nga hiện là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại cực kỳ quan trọng. Giá những mặt hàng này tăng cao hơn chắc chắn sẽ gây thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới.
Châu Âu phụ thuộc vào Nga gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% sản lượng dầu nhập khẩu. Đối với cựu lục địa, chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine có thể khiến tình trạng lạm phát diễn ra nhanh và tồi tệ hơn.
Suy thoái kinh tế từ chiến tranh và hậu quả là cú sốc lạm phát đình trệ được dự đoán sẽ nghiêm trọng nhất ở Nga và Ukraine. Theo sau đó là Liên minh châu Âu - khu vực phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Song, Mỹ cũng sẽ không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này. Giá dầu toàn cầu tăng đột biến được nhận định là có thể ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thô của Mỹ. Trong khi một nhóm nhỏ các công ty năng lượng sẽ thu được lợi nhuận cao hơn, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ trải qua một cú sốc giá lớn.
Với những yếu tố này, ngay cả một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ cũng sẽ bị kìm hãm, nghiêng về phía suy thoái tăng trưởng lạm phát.
Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và hậu quả là ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư. Tương tự như vậy, các lệnh trừng phạt sắp tới đối với Nga chắc chắn sẽ gây tổn hại không chỉ cho Nga mà còn cả Mỹ, phương Tây cũng như những thị trường mới nổi.
Hơn nữa, không thể loại trừ khả năng Nga sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây bằng cách đối phó riêng. Đó là giảm mạnh sản lượng dầu để đẩy giá dầu toàn cầu lên cao hơn nữa.
Một cú sốc lạm phát sâu sắc được dự đoán là kịch bản “ác mộng” đối với các ngân hàng trung ương. Trong môi trường lạm phát tăng, thắt chặt chính sách chậm hơn có thể đẩy nhanh việc giảm kỳ vọng lạm phát, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát đình trệ. Tuy nhiên, nếu không đưa ra biện pháp như vậy, cuộc suy thoái tiềm tàng sẽ trở nên trầm trọng hơn.