Liên lạc với xe tự hành Opportunity bị gián đoạn do một trận bão bụi khổng lồ trên sao Hỏa trong năm nay. Lần đầu tiên, trận bão được quan sát bởi tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO vào tháng Sáu. Trong hơn chục ngày, cơn bão bụi đã che phủ phần lớn diện tích hành tinh. Khu vực Meridiani Planum, nơi xe tự hành hoạt động, là một trong những khu vực cơn bão quần thảo mạnh nhất. Cơn bão bụi kéo dài cho đến tháng Chín năm 2018.
Từ ngày 6/6/2018, các tấm panel pin Mặt trời của xe tự hành Opportunity đã không thể sản xuất đủ điện năng cho nghiên cứu khoa học và cho việc di chuyển của xe. Từ ngày 12/6, các nhà khoa học của NASA không thể bắt liên lạc được với xe tự hành. Hệ thống ắc quy trên xe không thể cung cấp nổi 24V – giá trị tối thiểu để khởi động xe. Trong tình hình đó, tất cả các hệ thống của xe tự hành, trừ đồng hồ trên khoang, bị tắt đi (đồng hồ trên khoang được thiết kế để thỉnh thoảng thử “đánh thức” các hệ thống khác).
Xe tự hành im lặng suốt một vài tháng, khi cơn bão bụi hoành hành trên phần lớn diện tích sao Hỏa. Đến cuối tháng Tám, NASA thông báo rằng cường độ cơn bão đã giảm - điều đó có nghĩa là lượng ánh sáng Mặt trời chiếu vào các tấm panel của xe tăng lên. Như vậy, hệ thống ắc quy trên xe có thể bắt đầu nạp điện.
Sau khi cơn bão yếu đi, từ ngày 12/9, NASA khởi động giai đoạn kết nối liên lạc với xe tự hành. Giai đoạn này được lập kế hoạch kéo dài trong 45 ngày, nhưng sau đó đã kéo dài thêm nữa. Tuy nhiên, các thử nghiệm kết nối với xe tự hành trong tháng Chín và tháng Mười đều không mang lại kết quả - Xe tự hành Opportunity vẫn không trả lời.
Sau gần 1 tháng nữa, ngày 26/11, tàu đổ bộ InSight sẽ đổ bộ xuống sao Hỏa. NASA sẽ tập trung mọi chú ý vào sứ mệnh này. Có thể trước cuộc đổ bộ này, NASA sẽ chính thức tuyên bố kết thúc giai đoạn thử nghiệm bắt liên lạc với Opportunity.
Không ai trong số các nhà khoa học NASA có thể nghĩ rằng xe tự hành Opportunity (đổ bộ xuống sao Hỏa vào đầu năm 2004) lại có thể ở trong tình trạng tốt về mặt kỹ thuật lâu đến vậy. Tính đến tháng 2/2018, xe tự hành
Opportunity đã có hơn 5.000 “ngày sao Hỏa” (soli) hoạt động trên bề mặt hành tinh này.