Nói về nghề giáo, viết về nghề giáo người ta thường dùng những ngôn từ rất đẹp như “Nghề cao quý”; “Nghề trồng người” hay “Người lái đò thầm lặng”, rồi “Kỹ sư tâm hồn”... Vâng, xin cảm ơn xã hội đã tôn vinh nghề giáo, đã dành cho thầy cô một Ngày Nhà giáo hàng năm thật long trọng, ngập tràn hoa và lời chúc mừng, tri ân của học sinh và các bậc phụ huynh.
Một người thầy tốt, được cả một thế hệ
Đảng và Nhà nước ta luôn xem phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, và không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều lấy đó làm một trong những mục tiêu, chiến lược phát triển đất nước và đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp. Vì sao phát triển giáo dục lại được xem là quốc sách hàng đầu?
Theo quan điểm của nhiều quốc gia, không có sự đầu tư nào mang lại nhiều lợi ích như đầu tư cho giáo dục, bởi giáo dục là hoạt động mà qua đó hình thành nên nhân cách của công dân, đào tạo nên những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát triển giáo dục có tầm quan trọng chiến lược như thế. Và “nghề thầy” cũng được xã hội tôn vinh một cách cao quý đến vậy. Những người làm “Nghề thầy” chắc chắn phải đảm nhận một sứ mệnh, một trọng trách rất cao cả mà xã hội giao phó.
Cách đây gần 80 năm, cụ Hoàng Đạo Thúy - một nhà giáo dục và cũng là nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam đã từng diễn giải về mục đích cuối cùng của giáo dục một cách giản dị mà tha thiết: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể thay đổi hẳn tương lai của giống nòi. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được.
Chúng ta đã không quản ngại gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: Không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta ‘làm thầy’…”.
(Trích: “Nghề thầy”, Hoàng Đạo Thúy)
Từ thuở xa xưa, ông cha ta cũng đã từng nhắc nhở cháu con: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay người mẹ ru con sau lũy tre làng cũng đã từng ao ước:
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Ước muốn của người mẹ là con được sang bờ bên kia thoát khỏi dòng sông mênh mông của sự nghèo khổ. Đương nhiên, nếu muốn vượt được qua dòng sông ấy không thể thiếu vai trò của người lái đò - người thầy được nhắc đến trong câu ca dao. Ở hoàn cảnh khi ấy, người mẹ đang đặt hết niềm tin của mình vào người dạy dỗ con mình. Đó được xem như là sự tôn vinh người làm nghề giáo, vừa là lời gửi gắm, nhờ cậy.
Hình ảnh người thầy, người cô trong tâm hồn mỗi người Việt Nam vừa gần gũi cũng vừa cao quý. Họ có sứ mệnh giúp cho các thế hệ học trò hiểu được con chữ, có kiến thức sâu rộng, nhân cách đẹp, năng lực giúp ích cho đời cũng như trong câu ca dao là giúp cho người học trò ấy sang được bờ sông bên kia để thoát khỏi nghèo khổ. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như xưa, song thầy cô vẫn là người luôn được xã hội tôn trọng vì nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Vậy, chúng ta những người thầy, người cô phải lấy đó là một niềm tự hào, một niềm hãnh diện vì “tôi đã chọn nghề thầy”. Hãnh diện, tự hào ở đây không phải là để khoe khoang, vỗ ngực mà để ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh mà nghề nghiệp giao phó cho mình.
Chúng ta phải sống và làm việc làm sao để xứng đáng với sự vinh danh, tin tưởng của xã hội, của nhân dân gửi gắm cho mỗi chúng ta khi bước chân vào giáo giới. Người thầy phải không ngừng rèn đức, luyện tài để hoàn thành trọng trách vẻ vang mà xã hội tin tưởng trao gửi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”.
Cuốn sách Nghề thầy của người thầy nổi tiếng, nhà cách mạng, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994). Ảnh minh họa: ITN |
Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng
Thứ nhất về việc truyền thụ tri thức, người thầy đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt học sinh cập bao bến bờ tri thức trên nhiều môn học khác nhau. Tục ngữ đã có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Các bậc cha mẹ gửi gắm con em họ đến trường là để được đón nhận tri thức từ thầy cô, cho nên từ ngày xưa đã có chuyện “tầm sư học đạo” - tìm thầy giỏi để học.
Còn ngày nay thì các bố mẹ cũng luôn lựa chọn những ngôi trường tốt, tìm thầy cô giỏi chuyên môn và tâm huyết để trao gửi con đến học với hi vọng con mình có được một môi trường học tập tốt. Ai cũng mong cho con mình gặp được thầy hiền trí – mà đó cũng là một mong ước chính đáng thôi, bởi người xưa cũng đã từng đúc kết: Ba cái phước lớn nhất của đời người mà ai may mắn lắm mới có được, đó là: Gặp được thầy hiền trí, gặp được bạn tốt và đọc được những quyển sách hay.
Trong xã hội ngày nay, thầy cô tâm huyết với nghề là yêu nghề, yêu trẻ, giỏi chuyên môn, trọng danh dự nghề nghiệp, trọng cái danh xưng “thầy - cô”, đó chính là thầy hiền trí. Làm nghề giáo phải yêu kính nghề của mình thì mới thực sự đủ tư cách làm thầy, cô đúng nghĩa.
Mình có kính nghề thì mới trọn vẹn được từng bài giảng, mới đầu tư công sức, trí tuệ vào từng tiết dạy một cách sáng tạo để mong nhận được sự cộng hưởng từ phía học trò, đưa lại cho học trò những giờ học thật bổ ích và lý thú. Thầy hiền trí mới đào tạo ra được những bậc hiền tài, mới góp phần làm cho nguyên khí quốc gia cường thịnh.
Người thầy hiền trí không chỉ truyền thụ tri thức, mà là phải biết truyền cảm hứng cho học sinh, truyền cho các em những suy nghĩ tích cực và lối sống tích cực. Đó chính là hình thành lý tưởng sống cho các em ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chúng ta, chắc hẳn cũng đã từng nghe: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” (William A. Warrd). Và tôi biết, mình thật hạnh phúc và biết ơn khi được học những người thầy biết cách truyền cảm hứng đến học trò như thế.
Đó là vào những năm học trung học phổ thông tôi được học Văn với thầy Tạ Cẩn, một người thầy đáng kính đã truyền cảm hứng cho tôi trở thành cô giáo như hôm nay. Tôi vốn sinh ra ở một vùng quê nghèo ở miền Trung gió lào, cát trắng, bố mẹ suốt ngày lam lũ với ruộng đồng đâu còn thời gian để ý tới việc học hành của các con. Suốt những năm ở trung học cơ sở, tôi chỉ là một học sinh khá của ngôi trường làng nhỏ nơi vùng quê heo hút. Vào những năm 80, cái đói deo dắt đã choán ngợp hết tâm trí của chúng tôi.
Đa số lớp trẻ quê tôi thời đó cũng chỉ học hết bậc trung học cơ sở rồi đi làm công nhân lò gạch, lò ngói hay ở nhà làm ruộng. Thế nhưng, tôi thật may mắn khi thi trung học phổ thông tôi đậu vào lớp chuyên Văn, được học văn thầy Tạ Cẩn vào năm lớp 11, 12.
Thầy là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh, nhưng để về gần gia đình vợ con nên thầy chuyển về dạy cấp 3 trường huyện. Thầy thực sự là người truyền cảm hứng cho lũ học trò nghèo ở trường huyện quê tôi. Chúng tôi háo hức với những giờ văn của thầy.
Những giờ học của thầy, ngoài truyền thụ kiến thức thầy còn vẽ cho chúng tôi những ước mơ cao đẹp. Thầy bảo học để thoát nghèo, học để đổi đời các trò ạ, thầy bảo: “Mình không có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền chọn nơi mình đi đến”.
Thầy cho chúng tôi tham gia các kỳ thi cùng với học sinh ở thành phố Vinh. Lúc đầu chúng tôi còn e ngại vì sợ mình học ở trường làng làm sao chọi cùng các bạn thành phố. Nhưng thầy đã động viên, khích lệ chúng tôi, các em cứ mạnh dạn dự thi các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vì các em đã có thầy đồng hành.
Các em hãy tin thầy, mặc dù các em học trường làng nhưng kiến thức thầy truyền dạy cho các em không thua bất cứ điều gì với học sinh Trường Phan Bội Châu - ngôi trường chuyên nổi tiếng của Nghệ Tĩnh thời đó. Và chúng tôi cùng các thế hệ học trò sau này được học thầy đã rất thành công với các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi cấp quốc gia và kể cả kỳ thi đại học.
Một điều mà trước đó trường huyện chúng tôi chưa bao giờ có được. Và chúng tôi đã đổi đời thực sự nhờ những giọt mồ hôi của thầy rơi trên bục giảng trong những kỳ thi, chúng tôi đạt được ước mơ từ những lời động viên, khích lệ truyền cảm hứng của thầy.
Học trò của thầy giờ đây có nhiều người thành đạt. Một đời làm nghề giáo như thầy tôi nhìn sự phương trưởng của các thế hệ học trò âu cũng mát lòng, mát ruột. Thầy tôi năm nay đã ngoài tuổi thất thập nhưng thầy vẫn còn dạy luyện thi đại học ở thành phố Vinh.
Năm ngoái tôi tới thăm thầy đúng vào giờ thầy đang dạy ôn luyện, tôi lặng lẽ nép mình ở góc lớp nhìn các học trò say sưa nghe thầy giảng, tôi thấy thầy đang vẽ lên trước mắt các em những hoài bão, những chân trời khát vọng… Và tôi, một người học trò cũng có chút tự hào là đã đem được cái lòng yêu trẻ, yêu nghề dành trọn một đời tâm huyết để dạy và truyền cảm hứng cho các lớp học trò như điều mà tôi đón nhận tâm nguyện từ thầy tôi.
Tôi kể chuyện thầy Tạ Cẩn - người thầy đáng kính của tôi như một lời tri ân gửi tới thầy nhưng cũng để gửi tới những người đồng nghiệp của tôi thấy sức mạnh của sự truyền cảm hứng tận tâm của nghề thầy. Cho nên, thật không quá lời khi có người đã từng ví: “Một người thầy giỏi giống như ngọn nến – nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác”.
Sứ mệnh lớn lao của nghề thầy
Để hoàn thành sứ mệnh ấy, thiết nghĩ, thầy cô phải có niềm tin. Niềm tin ấy có được khi ta có đủ lòng yêu trẻ, đủ lòng tin vào vận mệnh nước nhà, vào sự thông tuệ của thế hệ trẻ trong một thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Người thầy giờ đây không chỉ cứ dạy 1 phải biết 10 để rồi thao thao bất tuyệt đứng thuyết trình trên bục giảng, mà thầy cô phải là người lên kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh cách tiếp cận và khám phá kiến thức từng bài học.
Vì bây giờ các em có đủ tư liệu nghe, nhìn trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Các thầy cô cứ tin tưởng giao cho các em, hướng dẫn các em một cách bài bản, tận tình các em sẽ làm được, hãy cho các em cơ hội được khẳng định mình, hãy cho các em những lời cổ vũ, động viên khích lệ để các em nhận thức được giá trị bản thân thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức cho các em.
Để trở thành người giáo viên truyền cảm hứng thì chúng ta phải dạy trò bằng tất cả tình yêu thương và sáng tạo. Nếu tình yêu đủ lớn thì ta có thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả của nghề thầy mà xã hội giao phó. Tự bản thân tôi, tôi tin rằng mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có một sứ mệnh riêng, một lẽ sống riêng.
Tôi còn có một niềm tin tâm linh vào số mệnh đó là khi ta tự nguyện đăng ký đi theo một nghề nào đó, có nghĩa là ta đã chọn nghề, nhưng cũng có thể là nghề đã chọn ta. Vậy tại sao thỉnh thoảng đâu đó xung quanh ta có những bạn trẻ bước chân vào giáo giới nhưng vẫn còn lời ca thán chưa toại nguyện với nghề, hay lửa yêu nghề không có trong tâm. Khi mà tâm chưa nguyện thì hỏi làm sao có được lòng kính nghề, yêu nghiệp?
Từ ngàn xưa cha ông ta đã có một câu thành ngữ rất hay nói về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghề nghiệp: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “sinh nghề, tử nghiệp” để nói lên niềm đam mê, sống chết với nghề. Có đam mê, có cống hiến trọn vẹn sinh tử với nghề thì mới mong được vinh thân. Có như thế thì ta mới xứng đáng với sự vinh danh, xưng tụng của xã hội là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Sứ mệnh nghề thầy nó thiêng liêng bởi nó gắn với sự phát triển của con người, nó định hướng cho tương lai của đất nước, của giống nòi. Bởi nhà trường mãi mãi giữ cái thiên chức là cái nôi đào tạo những người công dân tốt cho xã hội. Một đất nước muốn phát triển thì trước hết phải cần những công dân tốt, sống tử tế, nhân ái, trung thực và sống có lý tưởng.
Một nhà nghiên cứu giáo dục Nhật Bản đã tổng kết: Quốc gia nào cũng vậy, người tài giỏi chỉ chiếm chưa đầy 1/1.000 dân số, còn lại đều là những người bình thường. Đối với 999 người còn lại chỉ cần họ là những người công dân tốt, sống có ý chí, nghị lực thì chắc chắn quốc gia đó sẽ phồn thịnh, hùng cường.
Vậy, ai là người đưa đường, chỉ lối cho những mầm non của đất nước thành những công dân tốt trong tương lai, có đủ đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Người đó chỉ có thể là thầy cô. Học trò như những tờ giấy trắng, ta vẽ gì lên trang giấy trắng đó để trang giấy đó làm đẹp cho đời? Muốn đưa được nét bút vẽ lên những hình ảnh đẹp trên trang giấy tâm hồn của trò thì bắt buộc mỗi thầy cô phải là những tấm gương mẫu mực, dành trọn tâm huyết với nghề.
Đây không phải là những lời nói giáo điều, khuôn mẫu mà đây phải được thể hiện ra bằng hành động. Nhà trường và thầy cô phải để tâm đến việc giáo dục học sinh một cách toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ. Đạo đức phải được đặt lên hàng đầu, như lời của các bậc tiền nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn” - trước tiên phải học lễ nghĩa, rồi mới đến học văn hóa. Trong tất cả các môn học, thầy cô phải lồng ghép được những bài học đạo đức như tính trung thực, lòng tự trọng, nhân ái, khoan dung, ý chí và nghị lực…
Có khi chỉ một câu chuyện hay lời nói mà học sinh khắc cốt ghi tâm. Lúc gặp phải tình huống tương tự, các em nhớ đến lời thầy cô dạy, nhớ đến những bài học đã học mà ngăn các em làm điều xấu, hướng các em đến điều thiện. Việc giáo dục một con người không phải ngày một, ngày hai mà là cả một hành trình. Nó được kết hợp bởi nhiều yếu tố, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó gia đình và nhà trường đóng vai trò chủ chốt đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội.
Nếu như tất cả những người làm nghề giáo đều ý thức được trách nhiệm “người gieo hạt” và đều tay vun trồng trí đức cho học trò ngay từ khi các em bước chân qua cánh cổng trường thì tôi tin rằng những mục tiêu mà ngành Giáo dục đặt ra sẽ đạt thành quả như mong đợi.
Là một người trong cuộc, tôi rất đồng tình với ý kiến của nhà giáo Nguyễn Quốc Vương - chuyên gia giáo dục hàng đầu đã có hơn mười năm nghiên cứu và trải nghiệm về giáo dục ở Nhật Bản đã viết:“Nếu bạn là giáo viên và chịu khó quan sát, có thể bạn sẽ thấy trong những năm gần đây, trong giáo giới nảy sinh và tồn tại hai hiện tượng song song rất kỳ lạ.
Một đằng là bệnh ‘thùng rỗng kêu to’, ngồi ở đâu, nói ở diễn đàn nào người ta cũng hô lên những khẩu hiệu lấp lánh cao siêu để ca ngợi nghề thầy với những mỹ từ như ‘cao quý’, ‘cao cả’, ‘cống hiến’, ‘kỹ sư tâm hồn’; đằng khác là một sự im lặng đến rùng mình khi người ta né tránh tự chất vấn mình và bàn luận với đồng nghiệp về sứ mệnh của người thầy, về bản chất, ý nghĩa của công việc mình làm trong mối quan hệ với sự tồn vong của quốc gia dân tộc và tương lai của những thế hệ tương lai đang nối tiếp. Nhiều thầy cô còn e ngại và ngượng ngùng hay họ lãng quên vì ‘miếng cơm, manh áo’ mà không dám nói về ý nghĩa, sứ mệnh của nghề mình…?”.
Tháng 11 về, trên khắp đất nước Việt Nam đều nhắc đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, có muôn vàn những bài học, những câu ca dao, tục ngữ đề cập đến bổn phận của người học với thầy cô giáo, với nhà trường. Chúng tôi, những giáo viên đang đứng trên bục giảng xin được trân trọng đón nhận tình cảm tri ân của các thế hệ học sinh và sự tôn vinh của xã hội.
Nhưng qua bài viết này tôi xin được nói về “bổn phận” của người thầy, của các cơ sở giáo dục đối với học sinh, phụ huynh và trọng trách “sứ mệnh nghề thầy” đối với Tổ quốc, nhân dân. Xin bạn đọc hãy xem như một lời tri ân của các thầy, cô giáo trước những tình cảm yêu mến, kính trọng và sự tôn vinh của xã hội dành cho những người đang theo nghiệp nghề thầy. Cũng mong các bạn đồng nghiệp sau khi đọc bài viết này sẽ luôn tự hào và ý thức được sứ mệnh nghề thầy trong công cuộc kiến thiết và xây dựng, phát triển đất nước.
Tôi xin kết thúc bài viết với lời nhắn nhủ của Mẹ Teresa: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại”.