Trong số đó, có những nhà văn, chính khách, ca sĩ và vận động viên thể thao. Tất cả đều có chung một đặc điểm: Một lần ra đi không trở lại.
Ca sĩ Richey Edwards
Richey Edwards là nghệ sĩ guitar người Anh và tác giả các ca khúc của ban nhạc “Manic Street Preachers”. Ca sĩ trữ tình tài năng bị trầm cảm, nghiện ma túy và nổi tiếng bởi những hành động kỳ quặc. Có lần trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông đã dùng dao rạch chữ Real (đích thực) trên cánh tay để thể hiện quan điểm sáng tác của mình.
Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp tự hủy hoại bản thân của Richey. Đôi khi, trong cơn tuyệt vọng, ông không chịu ăn uống, tự sát thương và dụi thuốc lá lên da. Hai năm trước khi mất tích, ông được điều trị trong một bệnh viện tâm thần.
Ngày 1/2/1995, các đồng nghiệp của ca sĩ thông báo ông bị mất tích. Theo kế hoạch, Richey Edwards phải bay đến Mỹ để biểu diễn, nhưng ông đã không đến. Hộ chiếu và thẻ ngân hàng của Richey vẫn để trong căn hộ của ông.
Hai tuần sau, cảnh sát phát hiện chiếc ôtô của Richey gần cầu Severn, cách thành phố Bristol không xa. Cảnh sát dự đoán Richey đã tự sát. Nhưng thi thể ông vẫn không được tìm thấy. Ít lâu sau, có tin đồn Richey xuất hiện ở một số nơi trên thế giới nhưng không có hình ảnh chứng thực.
Cựu Thủ tướng Úc, Harold Holt
Thủ tướng thứ 17 của Úc đi vào lịch sử không những bằng các quyết định chính trị mà còn bằng vụ mất tích bí ẩn. Ngày 17/12/1967, Holt đi nghỉ cùng 4 người bạn trên bãi biển Cheviot ở bang Victoria. Bất chấp sóng to, gió lớn, Holt vẫn quyết định xuống biển.
Chính trị gia 59 tuổi là một vận động viên bơi lội cừ khôi, lại rất khỏe, nên mọi người cũng không khuyên can ông. Một lát sau, một làn sóng khổng lồ ập tới trùm lên người Holt, và ông biến mất vĩnh viễn.
Ngày hôm sau, có 50 thợ lặn, 340 quân nhân cùng với máy bay phản lực và máy bay trực thăng tìm kiếm Thủ tướng nhưng vô hiệu. 5 ngày sau khi Harold Holt mất tích, người ta tổ chức một lễ tưởng niệm ông, nhưng nhiều người không tin chính trị gia đã chết. Thậm chí có tin đồn rằng Holt giả chết và trốn trong một chiếc tàu ngầm.
Ca sĩ Connie Converse
Connie Converse (nữ ca sĩ và nghệ sĩ guitar người Mỹ) đến với âm nhạc vào những năm 50 của thế kỷ trước. Năm 2009, họa sĩ hoạt hình Jean Deitch, bạn trai của Connie Converse mới giới thiệu một số bài hát chưa công bố của bà.
Đĩa hát có tên “How Sad, How Lovely” (đây cũng là đĩa hát đầu tiên của Converse) và trở nên vô cùng nổi tiếng. Chỉ tiếc là bản thân nữ ca sĩ không được chứng kiến thành công muộn màng của mình - bà đã mất tích 35 năm trước.
Tuy nhiên, những người đương thời không biết đến tài năng của bà. Sự nghiệp của Converse không thể gọi là thành công. Nói chính xác hơn là thất bại. 10 năm liền nữ ca sĩ ra sức kiếm sống bằng âm nhạc, nhưng đến năm 1961, bà đã từ bỏ mọi nỗ lực.
Năm 1974, ở tuổi 50, Connie vẫn chưa nổi tiếng, bị trầm uất và bệnh tật. Đồng nghiệp và bạn bè tài trợ cho Connie một chuyến du lịch đến Anh 6 tháng để tìm cảm hứng, nhưng không có kết quả.
Tháng 8/1974, Connie Converse gửi cho bạn bè và người thân những bức thư kèm lời các bài hát của mình. Trong thư bà cũng viết rằng định bắt đầu lại cuộc sống ở một nơi khác. Tuy nhiên, sau đó có người thấy bà chất đồ đạc lên chiếc xe “Volkswagen Beetle” và phóng đi. Converse đi đâu, không ai biết?
Với sự trợ giúp của một thám tử tư, gia đình của Connie Converse đã cố gắng tìm kiếm, nhưng cuối cùng đành chấp nhận bà mất tích.
Ca sĩ Big Jim Sullivan
Jim Sullivan là ca sĩ nhạc rock Mỹ khá nổi tiếng của thập niên 1960 - 1970. Jim mất tích vào ngày 6/3/1975, khi đó ông mới 35 tuổi. Hôm đó, theo lộ trình ông sẽ lái ô tô từ Los Angeles đến Nashville, nhưng ca sĩ không đến thành phố. Chiếc xe của ông được tìm thấy ở sa mạc New Mexico. Còn ví, quần áo và cây đàn guitar của Sullivan được tìm thấy trong một phòng khách sạn gần đó.
Rõ ràng, ca sĩ không ngủ đêm tại khách sạn, ông nhận phòng, để lại đồ đạc và chìa khóa phòng, rồi lên xe đến sa mạc và ... biến mất. Một số người hâm mộ của ca sĩ cho rằng ông bị người ngoài hành tinh bắt cóc – bởi album nhạc đầu tay của Sullivan có tên là “UFO” (1969).
Cầu thủ bóng rổ Bison Dele
Sau khi hoàn thành sự nghiệp ở tuổi 30, Bison Dele đi du lịch rất nhiều nơi. Mùa hè năm 2002, ông cùng bạn gái và anh trai mình đi du lịch trên biển Thái Bình Dương. Trên du thuyền “Hakuna Matata” còn có một thuyền trưởng.
Tháng 9 năm đó, bên bờ biển Tahiti, người ta tìm thấy du thuyền với một số vết đạn, trên thuyền không có ai. Vài ngày sau, Miles Debord, anh trai của cầu thủ bóng rổ từng có mặt trên du thuyền, đã bị bắt giữ trong khi sử dụng hộ chiếu của em trai để rút tiền. Sau đó Miles Debord bị buộc tội giết 3 người: Bison Dele cùng bạn gái và thuyền trưởng.
Theo giả thuyết của các nhà điều tra, Debord đã bắn chết em trai mình vì đố kỵ và ném xác nạn nhân xuống biển. Mấy ngày sau khi bị bắt, Miles Debord đã uống thuốc độc tự tử.
Nhà văn Antoine de Saint-Exupery
Tác giả của kiệt tác văn học “Hoàng tử bé” là một phi công chuyên nghiệp của Pháp. Trước khi viết văn, Exupéry làm việc tại một công ty vận tải hàng không Pháp.
Khi những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông viết về ngành hàng không bắt đầu được xuất bản và nhận được giải thưởng, nhà văn vẫn chưa bỏ công việc chính của mình. Ông vẫn làm phi công cho một số hãng hàng không, tham gia lái máy bay thử nghiệm và tiếp tục viết sách.
Một ngày sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, tháng 9/1939, Antoine de Saint-Exupery nhập ngũ. Thời gian đầu, nhà văn làm nhiệm vụ chụp ảnh hàng không. Năm 1943, ông được bổ sung vào một đơn vị tác chiến. Chính trong thời kỳ này, ông viết tác phẩm “Hoàng tử bé”.
Ngày 31/7/1944, ông lái chiếc máy bay P-38 Lightning mang số hiệu F-5B-1-LO cất cánh từ một căn cứ trên đảo Corse với nhiệm vụ thu thập thông tin về quân Đức ở thung lũng sông Rhone. Tuy nhiên, sau đó Exupery không quay về căn cứ. Từ đó De Saint-Exupery được coi là mất tích.
Năm 1998, ở vùng biển gần Marseille, những người ngư dân tìm thấy chiếc vòng tay của Exupery (có khắc tên của ông và vợ). Năm 2003, các chuyên gia Pháp đã tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay do Exupery lái ở đáy biển vùng này.
Trong hơn 50 năm kể từ ngày Saint-Exupery mất tích, nguyên nhân tai nạn của chiếc máy bay vẫn chưa được làm rõ. Nhiều ý kiến cho rằng chiếc P-38, số hiệu F-5B-1-LO đã bị máy bay Đức bắn hạ hoặc gặp trục trặc kỹ thuật. Thậm chí, thợ lặn Luc Vanrell (người tìm thấy mảnh vỡ của chiếc P-38) cho rằng nhà văn đã tự sát.