Sự kiện giáo dục đáng chú ý trong tuần đầu năm học mới

GD&TĐ - Sự kiện giáo dục đáng chú ý: Khai giảng; bổ nhiệm lại Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; tổng kết công tác thanh tra, quản lý chất lượng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Khai giảng năm học mới 2022-2023

Một trong những sự kiện giáo dục nổi bật nhất trong tuần vừa qua là khai giảng năm học mới 2022-2023 được tổ chức đồng loạt trên cả nước vào ngày 5/9. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, học sinh đã được đến trường dự khai giảng trực tiếp, không phải khai giảng trực tuyến, qua truyền hình như năm học trước.

Dịp này, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành rất nhiều sự quan tâm, tình cảm, đến thăm, động viên và dự lễ khai giảng trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Điều đó tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã về dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trước đó, sáng 3/9, trước thềm năm học mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về thăm, động viên học sinh, giáo viên tỉnh Phú Thọ. Tại đây, Thủ tướng đã đến Trường Tiểu học Thị trấn Yên Lập, Trường THPT Yên Lập và Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên trên cả nước. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã có thông điệp tới toàn ngành nhân dịp năm học mới 2022-2023.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Hoàng Văn Hùng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Hoàng Văn Hùng.

Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, trao Quyết định công nhận Giám đốc ĐH Thái Nguyên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1062/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Nguyễn Văn Phúc giữ chức Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo Quyết định này, thời hạn bổ nhiệm lại Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tính từ ngày 22/9/2022.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc hiện phụ trách các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ và môi trường; hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến pháp luật; giáo dục quốc phòng và an ninh; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực được phân công.

Bên cạnh đó, ông phụ trách các đơn vị: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Cục Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam; Trung tâm khu vực về học tập suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam; Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; phụ trách các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Sáng 10/9, Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định về việc công nhận Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhiệm kỳ 2022-2027 cho PGS.TS. Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai.

Ngay sau lễ trao Quyết định, Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với Đại học Thái Nguyên về các định hướng phát triển trong thời gian sắp tới.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương. Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở GD&ĐT.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở GD&ĐT.

Tổng kết công tác thanh tra, quản lý chất lượng

Trong 2 ngày (7, 8/9), Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở GD&ĐT được tổ chức tại Bắc Ninh.

Tại phiên thứ nhất diễn ra chiều 7/9, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo 63 sở GD&ĐT tập trung đánh giá về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Mong mỏi của xã hội là mỗi năm nhìn thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự gia tăng về chất lượng, đổi mới về cách thức. Do đó, đòi hỏi với kỳ thi ngày càng cao.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT ý thức rất rõ điều này, nên luôn coi công tác tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm là một trong những công việc quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Tại Hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT, các Bộ, ngành tham dự tập trung trao đổi khẳng định những việc đúng, việc đã làm tốt, những vấn đề cần làm để kỳ thi năm sau tốt hơn, đổi mới hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn.

Ngày 8/9, tiếp tục phiên thứ hai, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Hội nghị tập trung các nội dung về công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic quốc tế; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý thực hiện Quy chế công khai năm học 2021-2022; triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra khối các sở GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra khối các sở GD&ĐT.

Ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra khối các sở GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ thanh tra đã đóng góp vào thành tích của ngành Giáo dục để có một năm học 2021 - 2022 nhiều thành công. Tại hội nghị, các ý kiến chia sẻ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai; đồng thời đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực hiện công tác này tốt hơn trong thời gian tới.

Nhiều địa phương công bố chính sách học phí

Ngày 9/9, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ VII, thông qua 12 nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình quy định không thu học phí học kỳ I năm học 2022-2023 đối với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn. Với học kỳ II thì điều chỉnh tăng ở mức sàn theo quy định của Chính phủ.

Quyết định trên nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh do tác động của dịch Covid-19.

Tại Ninh Bình, Sở GD&ĐT ban hành công văn số 1248 hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm học 2022-2023. Theo đó, trước mắt, các đơn vị tạm thời chưa triển khai thực hiện thu học phí năm học 2022-2023 đối với tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập: Danh mục các khoản thu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 39;

Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí và giá các dịch vụ do mình quyết định.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 9/9, thông tin từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội, vào ngày 12/9 tới, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Hai nội dung quan trọng liên quan đến giáo dục dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp gồm: Quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.

Về mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023, HĐND thành phố sẽ thảo luận và quyết định trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố.

Đặc biệt trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, thành phố tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Dự kiến tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, trường hợp Chính phủ quyết định giữ nguyên hoặc miễn giảm mức học phí năm học 2022-2023 thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ