Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021 – 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các Sở GD&ĐT được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng.
Thanh tra "bắt bệnh" và "kê toa"
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ thanh tra đã đóng góp vào thành tích của ngành giáo dục để có một năm học 2021 – 2022 nhiều thành công.
“Mặc dù trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có lúc các cơ sở giáo dục không thể dạy – học trực tiếp, nhưng khi học sinh đến trường trở lại thì hoạt động về thanh tra, kiểm tra, từ hoạt động thường xuyên cho đến chuyên đề, các kỳ kiểm tra, thanh tra thi được thực hiện bài bản, nề nếp để góp phần làm nên một năm học thành công, với kết quả hết sức đáng mừng” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc tại hội nghị |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng rất mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc diễn ra ở cơ sở trong trình thanh tra, kiểm tra cùng những giải pháp, đề xuất. “Điều chúng ta mong muốn không phải là ở những số liệu, bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra. Cái cần rút ra là sau mỗi cuộc thanh tra đấy, chúng ta nhận được những bài học gì, những đề xuất gì cho người lãnh đạo, quản lý, giải pháp gì cho cơ sở giáo dục, giúp cho các đối tượng thanh tra” – Thứ trưởng gợi ý.
Thực tế, đội ngũ thanh tra giáo dục chủ yếu là các thầy cô làm công tác giáo dục chuyển sang chỉ đạo rồi kiểm tra, thanh tra công tác chuyên môn. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nội dung thanh tra thì không gói gọn ở chuyên môn mà cả về tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy… Vì vậy, nền tảng tốt nhất cho cán bộ thanh tra là phải được tăng cường về pháp luật để nâng cao năng lực và xử lý những mâu thuẫn trong công tác phối hợp. “Ai cũng hiểu là chức năng của thanh tra là giúp cho lãnh đạo, phục vụ công tác quản lý, điều hành, không thanh tra là buông lỏng quản lý, nhưng để thực hiện đúng như vậy thì phải đổi mới cách nhìn, đổi mới ngay từ trong nội bộ thanh tra, đổi mới từ những người chỉ đạo công tác thanh tra” – Thứ trưởng nhận định.
Cần bảo đảm đủ nhân sự và kinh phí
Tính đến tháng 8/2022, tổng số công chức Thanh tra các Sở GD&ĐT là 293 người. Trong đó có 244/293 người được bổ nhiệm ngạch thanh tra. Số lượng công chức Thanh tra Sở của 29 Sở GD&ĐT tương đối ổn định. Các Sở còn lại chưa đảm bảo quy định, chỉ có từ 3-4 người, cá biệt Thanh tra Sở GD&ĐT Đà Nẵng có 2 người. Các Sở GD&ĐT đã thực hiện việc công nhận cộng tác viên thanh tra giáo dục với tổng số là 17.466 người trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 phù hợp tình hình thực tế, được các địa phương và các cơ sở giáo dục phối hợp, đánh giá cao. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các Đoàn đã kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị khắc phục các thiếu sót trong việc chuẩn bị hồ sơ thí sinh, cơ sở vật chất và các công tác chuẩn bị cho kỳ thi, công tác coi thi, chấm thi, góp phần đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế”.
Thanh tra thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/ INT |
Tại Hội nghị, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng nêu thực trạng “ít người, nhiều việc” của Thanh tra Sở. “Thanh tra Sở chỉ có 2 cán bộ công chức và phải trưng tập một giáo viên từ trường THPT để hỗ trợ các nhiệm vụ về thanh tra, kiểm tra với công chức Thanh tra Sở. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra chuyên trách lại rất mỏng”. Ông Linh kiến nghị cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của công tác thanh tra, về lực lượng làm công tác thanh tra chuyên trách tại Sở GD&ĐT để đề xuất các cơ quan thẩm quyền quy định cụ thể về số lượng công chức tại Thanh tra Sở.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hệ thống các trường học thuộc Phòng GD&ĐT quận, huyện quản lý rất nhiều nhưng quy mô nhân sự của các đơn vị này ngày càng ít. Đây là lực lượng cộng tác viên thanh tra giáo dục tại các cơ sở để giúp phát hiện các vấn đề từ khi mới phát sinh để xử lý kịp thời. Vì vậy, cần có cơ chế xác định quy mô dân số để có biên chế nhân sự cho Phòng GD&ĐT các địa phương phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An đã nêu một số giải pháp trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Việc triển khai dạy học các môn mới có tính chất liên môn như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên thì tùy theo tình hình đội ngũ, mỗi trường sẽ có cách để triển khai phù hợp và không có một biểu chung cho tất cả. Vì vậy, trong thanh tra, kiểm tra không nên cứng nhắc” – bà Hà nêu vấn đề.
Nghệ An đã xây dựng và ban hành hướng dẫn về công tác kiểm tra nội bộ trường học để làm cơ sở cho các trường tự tổ chức kiểm tra từ cấp tổ/nhóm chuyên môn, cấp trường, gắn liền với công tác kiểm tra với việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục.
Một kiến nghị từ Thanh tra Sở GD&ĐT Đà Nẵng là kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Lực lượng nòng cốt tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ yếu là cộng tác viên thanh tra giáo dục. Tuy nhiên, kinh phí cho hoạt động thanh tra chưa bảo đảm để chi trả chế độ cho cộng tác viên.
Đây cũng là một trong những kiến nghị, đề xuất của Thanh tra Bộ GD&ĐT để đảm bảo kinh phí, phương tiện làm việc cho hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất.
Ngoài ra, cần kiện toàn tổ chức, đội ngũ, nâng cao chất lượng cán bộ Thanh tra Sở GD&ĐT, cộng tác viên thanh tra giáo dục. “Các Sở GD&ĐT cần phối hợp, tham mưu UBND tỉnh, thành phố kiện toàn tổ chức Thanh tra Sở GD&ĐT, bố trí đủ lực lượng Thanh tra Sở theo quy định. Thực hiện bổ nhiệm Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra Sở theo quy định. Rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên thanh tra giáo dục…, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý đơn kiến nghị và phòng, chống tham nhũng cho công chức Thanh tra Sở và cộng tác viên thanh tra giáo dục” – ông Nguyễn Đức Cường – Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết.