Là rốn nước đồng chiêm của vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, huyện Bình Lục (Hà Nam) được nhiều người biết đến nhờ truyền thống khoa bảng với những danh sĩ lưu lại tiếng thơm muôn đời.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thời phong kiến tỉnh Hà Nam có 94 người đỗ đại khoa. Trong đó, huyện Bình Lục có số người đỗ đạt nhiều nhất (31 vị), tiếp đến là Duy Tiên (22 vị), thành phố Phủ Lý (16 vị)… Đáng chú ý, nhiều vị đại khoa ở Bình Lục là những danh sĩ nổi tiếng, như: Nguyễn Tông Mại, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Khuyến…
Người hùng thời Lý
Nguyễn Khuyến là vị Tam nguyên duy nhất của Hà Nam. |
Theo giới nghiên cứu, khoa bảng ở Hà Nam chia theo thời kỳ lịch sử: Thời Lý 6 người, thời Trần 13 người, thời Hậu Lê 41 người, thời Mạc 7 người, thời Nguyễn 17 người, chưa rõ vào thời nào 10 người.
Chia theo địa phương, huyện Bình Lục có số người đỗ đạt nhiều nhất (31 người). Người đỗ đạt sớm nhất là hai anh em Đinh Độ, Đinh Thọ đỗ khoa Minh Kinh năm Ất Mão (1075) - khoa thi đầu tiên, đời vua Lý Nhân Tông. Người đỗ cuối cùng là Bùi Kỷ, đỗ Phó bảng khoa thi năm Canh Tuất (1919) đời vua Duy Tân.
Hà Nam là một trong những địa phương khá nổi bật về sự học thời phong kiến. Từ khi tái lập tỉnh, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hà Nam đã tập trung khảo sát các văn bia đề danh, các nguồn sử liệu đăng khoa lục… để thống kê tên tuổi các vị đại khoa.
Tuy các con số còn chưa có sự thống nhất, nhưng giới nghiên cứu đồng ý về truyền thống khoa bảng của tỉnh này.
Đáng chú ý, trong số các huyện thị của tỉnh Hà Nam, huyện Bình Lục được mệnh danh là vùng đồng chiêm trũng, cuộc sống vô cùng khó khăn do là vùng rốn nước hạ lưu châu thổ sông Hồng, nhưng truyền thống hiếu học và số người đề danh khoa bảng lại đứng đầu Hà Nam.
Nhà khoa bảng đầu tiên của Bình Lục được các nhà nghiên cứu xác định là Nguyễn Cương - người được ban quốc tính đổi cả họ tên thành Lý Công Bình. Ông sinh năm Tân Hợi (1071) tại làng Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá. Thân sinh của Nguyễn Cương là Nguyễn Khang, mẹ là Trương Thị Nguyệt đều có nghề làm ruộng.
Dù rất nghèo khó, nhưng ông bà tính tình hoà nhã, có đạo đức nhân cách hay thương người nên thường xuyên giúp đỡ người nghèo khổ. Khi Nguyễn Cương lên 7 tuổi, cha mẹ cho đi học thầy đồ tại quê nhà. Nguyễn Cương học tập chăm chỉ, lại thông minh nổi tiếng thần đồng.
Năm Mậu Tý (1128) Nguyễn Cương tới kinh đô dự khoa thi Minh kinh bác học và đỗ đạt. Vua Lý Thần Tông thấy ông văn võ kiêm toàn liền gả công chúa Lan Hoa. Tháng 2/1128, quân Khmer đã tiến đánh Nghệ An.
Quân Đại Việt ra sức phòng thủ đồng thời cấp báo tin về Kinh thành. Triều đình vội gọi phò mã cùng công chúa trở về bàn chuyện chống giặc. Vua phong cho Lý Công Bình làm Thái phó chỉ huy toàn quân Đại Việt chống giặc.
Chưa đầy 1 tháng Lý Công Bình đã đánh tan quân Khmer, bắt được hàng trăm quân cùng chủ tướng của giặc, tin vui được cấp báo về Kinh thành. Vua Lý Thần Tông phong cấp cho các tướng sĩ và cho ông thực ấp ở Bình Lục.
Được ít lâu thì công chúa Lan Hoa đột ngột qua đời khiến ai cũng thương tiếc. Lý Công Bình về làng Thanh Nghĩa lập đền thờ công chúa rồi tự tay viết bài vị (miếu thờ công chúa nay nằm trên đường 974, phía Tây Bắc đình làng Thanh Nghĩa).
Theo câu chuyện của dân làng Thanh Nghĩa, vào ngày 10 tháng 10 năm Tân Dậu (1141), Lý Công Bình cùng gia nhân đến ngắm cảnh trên đỉnh núi Lĩnh Sơn, trời bỗng nổi mưa to gió lớn, Lý Công Bình biến mất, gia nhân đi theo cho rằng ông hiển linh hóa Thánh, vội về bẩm báo với vua Lý Anh Tông.
Nhà Vua phong cho Lý Công Bình là “Thượng đẳng phúc thần”. Ông cũng trở thành Thành Hoàng của làng Thanh Nghĩa. Người dân tôn kính gọi là Thiên Cương Đại vương Lý Công Bình.
Lễ hội đình làng Thanh Nghĩa - nơi thờ Tiến sĩ Lý Công Bình. |
Nơi sản sinh danh sĩ
Cũng theo thống kê của giới nghiên cứu, trong số 58 vị Tế tửu Quốc Tử Giám Thăng Long, có 4 vị người Hà Nam, là: Dương Bang Bản (Lê Tung), Nguyễn Mạo, Trương Công Giai và vị Tế tửu cuối cùng là Nguyễn Kỳ.
Nguyễn Kỳ người làng An Lão thuộc xã An Lão (Bình Lục). Ông sinh năm 1718, hiện chưa rõ năm mất. Nguyễn Kỳ mồ côi từ nhỏ, dù nghèo khó nhưng ham học khác thường.
Năm 31 tuổi (1748) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8 đời vua Lê Hiển Tông, ông tham gia dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu.
Giai thoại ở An Lão còn truyền lại rằng, do mồ côi từ nhỏ nên Nguyễn Kỳ ngày ngày phải mò cua bắt ốc kiếm ăn và học lỏm chữ thầy làng. Thấy vậy thầy đồ thương tình đã bỏ công dạy dỗ kèm cặp.
Ham học lại thông minh nên Nguyễn Kỳ học đâu hiểu đó, học một biết mười lại là người nhân nghĩa, có chí hướng nên sau khi đỗ đạt làm quan, ông trở thành một nhà giáo dục lỗi lạc, nhân từ, hết lòng vì học trò.
Bình Lục cũng nổi tiếng với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến - vị Tam Nguyên duy nhất của tỉnh Hà Nam. Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá (Ý Yên, Nam Định. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và) xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương (Bình Lục).
Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi, thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, làm nghề dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan, nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạc.
Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864 - 1865) ở trường Hoàng giáp cùng bạn học Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội.
Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên tu chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám và đổi tên từ Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa (chữ Thắng có chữ lực nhỏ, chữ Khuyến có chữ lực lớn hơn). Đến năm 1871, ông đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán.
Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa Thu năm 1884 và qua đời tại đây. Danh tiếng văn chương và đạo đức của ông được coi là tấm gương sáng - đặc biệt trong sự học và bền bỉ thi cử, khiến tiếng thơm lan mãi khắp vùng đồng chiêm Bình Lục xưa.
Nhà thờ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. |
Đất văn, đất võ Bình Lục
Rốn nước đồng chiêm Bình Lục còn nổi tiếng với Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiếu người làng Thanh Khê, xã Đồn Xá, đỗ khoa Minh kinh năm Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ. Ông từng được sai sứ sang nhà Minh, làm quan tới chức Hàn lâm viện trực, học sĩ Nhập thị kinh diên.
Cũng vào thời nhà Lê có nhà khoa bảng Trần Thế Vinh người làng Văn Ấp, xã Bồ Đề được thờ làm Thành hoàng làng. Tư liệu thần phả cho biết, Trần Thế Vinh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, niên hiệu Hồng Đức 5 (1475) đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497).
Phạm Phổ (có sách chép là Phạm Lực), sinh năm Mậu Ngọ (1438), tại thôn Mai Động, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lị Nhân, nay là thôn Mai Động xã Trung Lương (Bình Lục). Bố ông trước là người ở xã Lê Xá (Hải Dương) sang lánh nạn ở thôn Mai Động sau đó lấy vợ và sinh con cái ở đây.
Gia đình ông có 3 anh em là Phạm Hải, Phạm Phổ, và Phạm Hán. Khi còn bé ông học rất thông minh, đến năm Quang Thuận thứ 4 khoa Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau đó lại thi đỗ khoa Hoành từ (1467), được vua ban chức Thị giảng, chuyên giảng sách cho Thái tử, sau chuyển sang quan võ làm chỉ huy sứ.
Nguyễn Tông Mại (1708 - ?) người thôn Yên Đổ, xã An Đổ, 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông; Làm quan đến chức Hàn lâm viện Đãi chế.
Trần Huy Côn (1816 - ?) quê xã Vũ Bản; Năm 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849); Làm quan đến Thị giảng học sĩ.
Cổng 'Môn tử Môn' tại nhà thờ Nguyễn Khuyến. |
Nguyễn Hoan (1858 - 1908) con ruột của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884), đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889). Ông giữ chức Tri phủ Lý Nhân, sau làm Đốc học Hải Dương.
Không chỉ nổi danh với các nhà khoa bảng hay chữ, Bình Lục còn nổi tiếng là vùng đất thượng võ với các lò võ vang danh đương thời như: An Bài (Đồng Du), Cát Lại (Bình Nghĩa), Vũ Bị (Vũ Bản). Thời phong kiến, Bình Lục cũng có người ghi danh ngạch võ học.
Võ khoa dưới thời phong kiến có 2 kỳ thi là thi Hương gọi là “Sở cử” và thi Hội gọi là “Bác cử”. Đỗ Sở cử gọi là Tạo toát, đỗ Bác cử gọi là Tạo sĩ. Năm 1724 mới có khoa thi Bác cử đầu tiên và Bình Lục có người đỗ ở khoa thi này là Tạo sĩ Trần Ngọc Cấp (1684 - 1748) người thôn Phù Tải xã An Đổ. Sau khi đỗ võ khoa, ông được bổ chức Chi thụ chánh đội trưởng, lập nhiều chiến tích.