Sự gặp gỡ, thống nhất về tư tưởng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng là tiền đề quan trọng dẫn đến sự thống nhất về đường lối tổ chức của Đảng ta. Nó không chỉ là ngọn nguồn sự sáng tạo cách mạng của hai nhà lãnh đạo, mà còn là nhân tố quan trọng để Đảng ta nhanh chóng vươn lên cầm quyền ở Việt Nam giữa những năm 40 của thế kỷ 20.
1.Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo là chính đảng theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, song hành với nhiệm vụ lãnh đạo dân tộc đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, Đảng luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, chính trị, tổ chức; vì đây là nhiệm vụ "then chốt" để thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và tăng cường sức chiến đấu.Trên thực tế, Đảng vừa ra sức lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp, vừa phải tiến hành cuộc đấu tranh trong Đảng để củng cố hệ thống tổ chức trước sự tấn công của kẻ thù và xây dựng xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với thực tiễn trong sự chi phối khá mạnh mẽ bởi quan điểm "hữu" khuynh và "tả" khuynh của Quốc tế Cộng sản. Trong bối cảnh Đảng còn ít trải nghiệm, để hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, trong suốt thập niên 30 (thế kỷ XX), Đảng đã ra sức thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đặc biệt ở cấp Trung ương. Vì vậy, trong hoàn cảnh hoạt động khó khăn, nhưng nhiều quan điểm của Đảng vẫn được trình bày trong Hội nghị Trung ương, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3 năm 1935), trên một số diễn đàn, báo chí. Không ít vấn đề liên quan đến đường lối chính trị, phương pháp đấu tranh được nhiều bài viết, tác phẩm ấn hành công khai và trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên báo chí của Đảng. Trong bối cảnh Đảng chưa cầm quyền, không phải mọi vấn đề đưa ra thảo luận, phê bình đều đạt được nhất trí. Song, chỉ thông qua tự phê bình, và phê bình, đường lối chính trị của Đảng mới trở nên sát hợp; tư tưởng, tổ chức của Đảng mới đi đến thống nhất.
Nét đặc sắc trong tiến trình cách mạng Việt Nam những năm 30 là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương - lớp chiến sĩ trung kiên thời dựng Đảng vẫn chiến đấu rất kiên cường và luôn coi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với tư tưởng, phương pháp tự phê bình và phê bình của Người như một nhân tố có vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng đường lối chính trị và củng cố tổ chức của Đảng. Liên tiếp 4 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương trong thập niên 30: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ, trong đó có đồng chí chưa một lần được trực tiếp gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc như Nguyễn Văn Cừ , nhưng tất cả đều chịu tác động tích cực của tư tưởng và phương pháp tự phê bình và phê bình của Người.
2. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh năm 1912, gia nhập Đông Dương Cộng sản đảng năm 1929, lúc 17 tuổi. Được cử làm Xứ uỷ Bắc Kỳ năm 1937, Uỷ viên Thường vụ Trung ương từ tháng 9 cùng năm. Tháng 3 năm 1938, tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm tổ chức tại làng Tân Thới Nhất, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, khi chưa đầy 26 tuổi.
Điểm khác biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Cừ là không được theo học một lớp học lý luận, một khoá huấn luyện nào và chưa một lần xuất dương, nhưng Nguyễn Văn Cừ nắm vững lý luận Mác-Lênin, có nhiều sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong những ngày tháng bị địch giam giữ tại nhà tù Hoả Lò và tiếp đó là 6 năm tại Côn Đảo "địa ngục trần gian" (cuối năm 1931 đến tháng 4 - 1936), Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí bạn tù như Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương, Đặng Châu Tuệ...tích cực tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi đọc, thảo luận tác phẩm văn học nổi tiếng của Víchto Huygô, R. Rôlăng, H. Bácbuýt..., nghiên cứu nhiều tác phẩm lý luận cách mạng. Hơn thế, Nguyễn Văn Cừ còn tham gia nhóm dịch một số tác phẩm lý luận, kinh điển sang tiếng Việt như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Chống Đuyrinh, Tư bản, Làm gì?, Hai sách lược của đảng Xã hội Dân chủ, Bệnh ấu trí tả khuynh trong phong trào cộng sản, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Nguyên lý của chủ nghĩa Lênin([1] ) để các bạn tù nâng cao lý luận cách mạng. Trong Hồi ký của Đặng Châu Tuệ - người bạn bị tù Côn Đảo đã ghi nhận:" Nguyễn Văn Cừ thường lật đi lật lại vấn đề, liên hệ với thực tế. Qua thảo luận, thấy các đồng chí đó vượt trội hẳn lên về nhận thức lý luận, thì tự nhiên tôi cảm thấy các đồng chí đó cũng là thày dạy của mình. Đồng chí Cừ giỏi nhất, đồng chí Duẩn giỏi thứ hai, đồng chí Mười Cúc( Nguyễn Văn Linh) cũng giỏi"([2] ). Không chỉ có vậy, tại nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ cùng một số đồng chí còn chủ trương ra báo: Ý kiến chung, Người tù đỏ. Nguyễn Văn Cừ chủ trì là cây bút chính của tờ Người tù đỏ.
Những hoạt động học tập lý luận và thực tiễn đấu tranh trên đây là cơ sở tạo cho Nguyễn Văn Cừ sớm hình thành những quan điểm lý luận - thực tiễn, rút đúc thành những kinh nghiệm đấu tranh, góp thành những sáng tạo cách mạng của một nhà cách mạng chuyên nghiệp của Đảng ta và cách mạng Việt Nam từ nửa sau của thập niên 30.
3. Khi đồng chí Lê Hồng Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về đến Sài Gòn cùng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, cũng là lúc cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố vừa kết thúc và đang chuẩn cuộc tuyển cử bầu Hội đồng quản hạt Nam Kỳ([3] ). Trước sự thay đổi mau lẹ tình hình quốc tế và trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra Chiến sách mới, chủ trương lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương để tập hợp đông đảo mọi lực lượng quần chúng trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ, tự do, cơm áo, hoà bình. Trong bối cảnh ấy, Đảng Cộng sản chủ trương cử đại biểu tham gia các Hội đồng này. Theo xu thế ấy, Nguyễn Văn Tạo cùng một số nhân vật trong nhóm "La Lutte" (Tranh Đấu) ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn nhân danh "Sổ Lao động" - mặt trận vô sản thống nhất cùng với Phan Văn Hùm, Dương Bạch Mai, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và đã đắc cử. Tuy nhiên, đến khi bầu Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (4-1939) thì đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương là Nguyễn Văn Tạo đã không thắng cử (?); còn đại biểu tơrốtkít như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch lại thắng cử với số phiếu cao. Sự kiện này đã "mở đường" cho kẻ địch tuyên truyền bôi nhọ đại biểu Cộng sản trong nhóm Dân chúng đã thất cử, đã "phơi áo"...
Về vấn đề này, ngay trong hàng ngũ của Đảng cũng còn nhiều cách đánh giá khác nhau. Cần có một cuộc trao đổi thẳng thắn, công khai nhằm thống nhất quan điểm trong Đảng, để từ đó thống nhất hành động; cần thông qua phê bình để tìm ra những bài học đấu tranh với kẻ thù.Trước tình hình đó, Lê Hồng Phong viết hàng loạt bài bài ký tên T.B. (Trí Bình), đăng trên báo Dân chúng([4] ) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ: Bài học trong kỳ tuyển cử hội đồng quản hạt, Chủ trương của Đảng Cộng sản đối với các đảng phái có mù mờ không?, Có phải chủ trương đánh đổ Đảng Lập hiến mà bọn tơrốtkít thắng thăm không?, Đảng cách mạng có nên phân biệt kẻ nguy hiểm nhiều với kẻ nguy hiểm ít không?., đặc biệt bài: Thảo luận với anh Nguyễn Văn Tạo về bài "Đảng Lập hiến có bị quần chúng đánh đổ không?...
Mục đích của những bài báo này là công khai tranh luận nhằm tìm ra cái đúng, sai và những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến sự thất cử của đại biểu nhóm Dân chúng trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.
Sau khi đọc những bài báo trên, Nguyễn Văn Cừ đã sớm nhìn ra những hạn chế cần phải "uốn nắn" phê bình để tạo sự thống nhất trong Đảng. Vì vậy dưới bút danh T.C.( Trí Cường) Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thấy "có trách nhiệm phải tham gia thảo luận với anh T.B. và anh Tạo"; thông qua những bài chính luận và nêu ra những vấn đề mang tính nguyên tắc thông qua tác phẩm "Tự chỉ trích" nhằm sớm đạt được sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng.
Nội dung bao quát và ý nghĩa lớn lao của Tự chỉ trích chính là Vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng, đặc biệt ở những thời điểm phong trào đứng trước những khó khăn, thử thách mà sự thất cử của Nguyễn Văn Tạo trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ và những quan điểm khác nhau - những hệ lụy không đáng có của "sự kiện" ấy là ví dụ. Và, đây cũng là bối cảnh ra đời của tác phẩm Tự chỉ trích.
Bám sát chủ đề tham luận, ở đây tác giả không đi sâu vào các luận điểm khoa học của tác phẩm Tự chỉ trích , mà thông qua một vài vấn đề nêu trong tác phẩm để làm rõ hơn phương pháp tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và ý nghĩa to lớn của nó đối với công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh nửa cuối những năm 30.
Phê bình và tự phê bình là nguyên tắc, là qui luật xây dựng và phát triển của đảng mácxit. Về vấn đề này, Lênin đã từng viết: “Thái độ của một chính đảng trước những sai lầm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để xét xem đảng ấy có nghiêm túc không và có thực sự làm tròn nghĩa vụ của mình đối với giai cấp mình và đối với quần chúng lao động không. Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình, đó là giáo dục và huấn luyện giai cấp, rồi đến quần chúng([5] ).
Tuy nhiên phê bình và tự phê bình như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng lại là vấn đề phải thực hiện một cách khoa học. Nói một cách khác là phải thực hiện đúng lúc, đúng chỗ. Thực tiễn lịch sử cho thấy cuộc tranh luận trong nội bộ Đảng ta về thất bại trong cuộc vận động tranh cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (tháng 4-1939) chưa thực sự quán triệt nghiêm túc nguyên tắc này. Có ý kiến lầm lẫn coi khuyết điểm của một vài cá nhân cán bộ đảng viên là sai lầm của Đảng; có ý kiến phê bình thiên về công kích cá nhân. Điều nguy hiểm hơn là trước những sai lầm này, việc phê bình, tự phê bình trước hết phải được tiến hành trong nội bộ Đảng hoặc cao hơn là trong nội bộ Ban lãnh đạo Đảng, nhưng thực tế không như vậy. Một số đồng chí đã viết bài công khai tranh luận trên báo trong khi những người tơrốtkít và bọn phản động lợi dụng mọi cơ hội để bôi nhọ, phá hoại Đảng. Đây là vấn đề đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đề cập đến trong tác phẩm "Tự chỉ trích", trong đó chỉ rõ: “Tự chỉ trích không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên trên tất cả quyền lợi của Đảng, thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa là gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi([6] ). Trong một số bài báo in trên báo Dân chúng([7] và trong tác phẩm Tự chỉ trích Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đề cập tới một số khuyết điểm lớn trong tự phê bình và phê bình mà các đồng chí ta đã phạm phải. Khuyến khích, động viên tinh thần tự phê bình và phê bình, phê phán nghiêm khắc những khuyết điểm của các đồng chí ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ khẳng định rõ: "Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lẫn của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt động đấu thoả hiệp như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ. Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quần chúng thù, chửi rủa, hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng viên trong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương"([8] ).
Cách thức và tầm quan trọng của việc tự phê bình và phê bình trong Đảng trên đây của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ có thể dễ dàng tìm thấy trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947:"Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm nọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chuyên chính
Đảng phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng..."[9] . Về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự gặp gỡ, giao thoa và phát triển sáng tạo kỳ lạ, ảnh hưởng tích cực đến nhiệm vụ xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương
Vấn đề xuyên suốt 15 chủ đề của tác phẩm Tự chỉ trích là:"Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsêvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi, chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng"[10] .
Từ những vấn đề mang tính nguyên tắc trong vấn đề tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng nêu trên, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ ra những sai lầm và đòi hỏi sửa chữa sai lầm đối với đồng chí mình:" Anh Tạo và mấy anh chủ trương bộ biên tập Đông phương tạp chí, có lẽ đã dư biết điều này, tôi rất mong các anh thành thật nhận cái sai lầm về chỗ chỉ trích sai nguyên tắc ấy"[11] . Rõ ràng ở đây chứng minh rõ sự nhất quán giữa lý luận và thực tiễn trong con người và trong tác phẩm, trước tác của Nguyễn Văn Cừ.
Một nội dung không kém phần quan trọng mà Tự chỉ trích đề cập đến là vấn đề Đảng phải nhìn nhận và có thái độ đối với các đảng phái chính trị như thế nào trong Mặt trận dân chúng. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Cần phải căn cứ vào hành động để xét đoán, phân biệt người cách mạng với cải lương,cần phân biệt bọn phản động với bọn cô độc hèn nhát để kéo kẻ có thể đồng minh, phân biệt kẻ nguy hiểm ít với nguy hiểm nhiều, cần nói rõ cho quần chúng hiểu địa vị và năng lực các đảng Cải lương, Lập hiến ...Xuất phát từ mục tiêu đại doàn kết các thành phần, lực lượng vì mục đích chung, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu chủ trương:" Đảng Cộng sản chủ trương liên hiệp các đảng phái, các lớp nhân dân để gây một lực lượng thống nhất, mạnh mẽ, tranh đấu chống chế độ thuộc địa dã man, đòi các quyền tự do dân chủ và cải thiện sinh hoạt cho các lớp nhân dân, song, sự liên hiệp phải có nguyên tắc, chứ không phải liên hiệp với cả bọn phản động, bọn khiêu khích tờrốtkít tay chân của phát xít"([12] ).
4. Mặc dù Nguyễn Văn Cừ chưa một lần được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chưa tham gia lớp huấn luyện lý luận nào do Người tổ chức, nhưng từ giữa những năm 20, Nguyễn Văn Cừ đã tìm thấy luồng sinh khí mới trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp", " Đường cách mệnh". Đây là nhân tố quan trọng góp phần định hướng lý tưởng chiến đấu của Nguyễn Văn Cừ trong tương lai.
Thời gian đồng chí Nguyễn Văn Cừ giữ cương vị Tổng Bí thư đảng Cộng sản Đông Dương gần như trùng hợp với thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc để bắt liên lạc với Trung ương, trên đường về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời gian này (1938 - 1940), Nguyễn Ái Quốc vừa hoạt động trong hàng ngũ Bát lộ quân (Trung Quốc), vừa theo dõi tình hình trong nước và hoạt động của các đảng phái chính trị ở Đông Dương. Trên cương vị của mình, Nguyễn Ái Quốc vừa góp phần chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, vừa gắn nối cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Thông qua những chỉ thị của Quốc tế Cộng sản mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền đạt, Đảng ta đã vạch ra phương hướng hoạt động phù hợp với Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản.
Nghiên cứu gần 10 bức thư của Nguyễn ái Quốc ký tên P.C.Lin dưới tiêu đề Thư từ Trung Quốc gửi về nước (phần lớn đăng trên các báo Đảng Notre Voix, Tin tức, Đời nay (Bắc Kỳ) và Dân Chúng (Nam Kỳ), một vài tài liệu Nguyễn Ái Quốc gửi BCHTƯ và đặc biệt tài liệu" Những chỉ thị mà tôi nhớ và truyền đạt" và những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đặc biệt là tác phẩm Tự chỉ trích, chúng tôi thấy rõ sự gặp gỡ, thống nhất kỳ thú giữa hai nhà lãnh đạo trên mặt trận tư tưởng, lý luận, mà trước hết là vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm thống nhất hành động chống kẻ thù của cách mạng.
Biểu hiện rõ nhất của sự gặp gỡ về tư tưởng ở hai nhà lãnh đạo Đảng ta là sự thống nhất về những luận điểm được trình bày trong các bài báo, bài viết về sách lược của Đảng ta trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, về nguy cơ Nhật xâm chiếm Đông Dương, về nạn tờrốtkít (ở Đông Dương và Trung Quốc), về cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc... được đăng trên báo Notre Voix, Dân chúng trong những năm 1938 - 1939.
Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã lên án cuộc chiến tranh do Nhật gây ra ở Trung Quốc, đồng thời cảnh báo âm mưu Nhật xâm chiếm Đông Dương, hướng dẫn cho những người cộng sản Đông Dương sớm thấy rõ bản chất xấu xa và nguy cơ nạn tờrốtkít để ngăn chặn. Trong những năm 1938 - 1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi bài báo trên tờ Noitre Voix như: Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật; Về chủ nghĩa tờrốtkít; Hoạt động của bọn tờrốtkít Trung Quốc([13] ),... Nghiên cứu kỹ những bài viết của Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Văn Cừ về vấn đề này, chúng ta thấy có nhiều điểm thống nhất, trùng hợp thú vị.
Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã công khai vạch mặt bọn tơrốtkít âm mưu khiêu khích, hoạt đầu (cơ hội), phá hoại việc xây dựng Mặt trận dân chủ thống nhất rộng rãi; vạch trần bản chất phản động của chúng "chỉ là bè lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật","Bọn tơrốtkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che giấu công việc kẻ cướp bẩn thỉu của chúng","Bọn tơrốtkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa Cộng sản mà còn là kẻ thù của nền dân chủ tiến bộ. Đó là bọn phản động tồi tệ nhất..."[14] .
Trên quan điểm ấy, Người đã chỉ thị cho những người cộng sản trong nước phải có thái độ dứt khoát với bọn tờrốtkít ở Đông Dương: "Đối với bọn tờrốtkít, không thể có thoả hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về mặt chính trị([15] ).
Cũng trong thời gian này, ở trong nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, dưới bút danh Trí Thành đã viết bài "Mặt trận dân chủ với Mặt trận công nông trong vụ tuyển cử Hội đồng quản hạt" (Nam Kỳ)([16] ), công khai vạch mặt bọn tờrốtkít âm mưu khiêu khích, hoạt đầu (cơ hội), phá hoại việc xây dựng Mặt trận dân chủ thống nhất rộng rãi của Đảng. Đồng thời chỉ rõ âm mưu chia rẽ, tay sai của chúng trong âm mưu xây dựng "Mặt trận công nông", "Mặt trận vô sản". Đồng chí chỉ rõ giọng lưỡi cách mạng giả của chúng. "Một lần nữa, chúng tôi tuyên bố rằng: bọn tờrốtkít ở các nước, cũng như ở đây, họ hô hào cách mạng ở đầu miệng mà sự thực hành thì họ đã mật thiết liên lạc với bọn phản động phát xít ăn tiền phụ cấp, do thám cho chúng. Chúng tôi không chủ trương liên hiệp với những phần tử tư bản, địa chủ, phản động, cũng như không thoả hiệp với bọn giả cách mạng tờrốtkít, chúng tôi không ghen ghét một cá nhân nào, một đảng phái nào, chúng tôi chỉ ghét bọn phản động, chúng tôi thân thiết với hết thảy các lực lượng tiến bộ"
Đến tác phẩm "Tự chỉ trích", thì Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cảnh báo những người cộng sản cần thấy rõ hơn nữa bản chất phản động, lừa gạt ẩn nấp sau "những câu cách mạng cực tả" của bọn tờrốtkít. Đồng chí chỉ rõ: "Bọn tờrốtkít xét đến cốt tuỷ của chúng, thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mạng, chia rẽ và phá hoại phong trào của chúng ta", đồng chí nhắc nhở mọi người: Hãy "đừng khinh thường nạn tờrốtkít", cần phải "đấu tranh để tẩy trừ con sâu tờrốtkít" ([17] ).
Những tài liệu, văn kiện lịch sử Đảng ngày nay cho phép chúng ta còn có thể tìm thấy nhiều hơn nữa sự gặp gỡ, thống nhất về tư tưởng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Sự thống nhất tư tưởng là tiền đề quan trọng dẫn đến sự thống nhất về đường lối tổ chức của Đảng ta. Nó không chỉ là ngọn nguồn sự sáng tạo cách mạng của hai nhà lãnh đạo, mà còn là nhân tố quan trọng để Đảng ta nhanh chóng vươn lên cầm quyền ở Việt Nam giữa những năm 40 (thế kỷ XX).
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày nay, để tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo toàn dân tộc như đã ghi rõ trong Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam[18] , thì Đảng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trong đó vấn đề tự phê bình và phê bình cần phải tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để, nghiêm túc, từ trên xuống, không hình thức...như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong Nghị quyết Trung ương 4( khoá XI) vừa qua.
Tuy nhiên, làm thế nào để đường lối của Đảng và những nghị quyết mang hơi thở cuộc sống như Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đi vào cuộc sống, ngăn chặn và đẩy lùi sự thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên trên thực tế, lấy lại được niềm tin của mỗi con người và toàn xã hội vào từng đảng viên, các cấp Đảng và chính quyền là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần tính Đảng, phải đối diện với chính mình, phải thật thà, thẳng thắn với chính mình, với đồng chí, người thân của mình. Đặc biệt tấm gương tự phê bình và phê bình của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt luôn luôn là tấm gương sáng, mở đầu thắng lợi, lấy lại niềm tin và là cơ sở đảm bảo cho sự thắng của Nghị quyết này trên thực tế.
Đây là vấn đề quan hệ đến vai trò cầm quyền của Đảng và sự tồn vong của Nhà nước, chế độ ta hiện nay. Và, để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trọng đại đang đặt ra trước Đảng và nhân dân ta, tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình trên tinh thần Cộng sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nhiều giá trị./.
PGS, TS. Lê Văn Tích
(theo ĐCSVN)
([1]). Xem Nguyễn Văn Cừ, Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 88-89.
([2]). Đặng Châu Tuệ, Hồi ký bản viết tay, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
([3]). Hội đồng quản hạt Nam Kỳ gồm một số uỷ viên người Pháp và người Việt. Các uỷ viên này được lựa chọn qua bầu cử Hội đồng địa phương (cấp dưới). Từ 1 - 1882 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định: chỉ những người Việt biết tiếng Pháp mới được bầu chọn vào Hội đồng. Số uỷ viên Hội đồng 12 người vừa do bầu cử, vừa cho chỉ định. Hội đồng bầu cử ra Ban Thường trực từ 3 đến 5 người (trong đó có 1 người Việt)
([4]). Báo Dân Chúng xuất bản công khai ở Sài Gòn từ tháng 7-1938. Mặc dầu Dân chúng chỉ ghi là: "cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương" nhưng trên thực tế, tờ báo là tiếng nói của Đảng Cộng sản Đông Dương. Dân chúng có số lượng phát hành lớn (trung bình 6000 bản) và là tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Đông Dương. Dân chúng đã góp phần tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, hướng dẫn đảng viên và quần chúng đấu tranh cuối những năm 1930. Dân chúng cũng là một trong hai tờ báo được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi bài viết về. Dân chúng luôn luôn bị chính quyền thuộc địa tìm cách cấm đoán. Nhiều lần báo bị khủng bố, thay người quản lý, toà soạn... Số cuối cùng của Dân chúng (số 80), xuất bản ngày 30-8-1939; Sau đó tự đình bản vì chiến tranh thế giới II bùng nổ và vì địch khủng bố ác liệt các hoạt động cộng sản, báo chí cộng sản...
([5]) V.I. Lênin, Toàn tập, N.X.B Tiến bộ, H.1997, tiếng Việt, t.41,tr.51
([6]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 6, tr. 622,624
([7]) . Với bút danh: Dân chúng, D.C, T, T.H, Trí Thành... ,Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ còn viết nhiều bải lý luận như: "Mặt trận Dân chủ với Mặt trận công nông trong vụ tuyển cử Hội đồng quản hạt" (Nam Kỳ), "Chung quanh vấn đề Nhật chiếm Hải Nam"..., đăng trên báo Dân chúng và một số tạp chí khác.
([8]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 6, tr..622,624
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG,H.1995, t.5,tr.261
[10] Nguyễn Văn Cừ, Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb.CTQG, H.2002,tr.638
[11] Nguyễn Văn Cừ, Nhà lãnh đạo...Sdd,tr.638
([12]). Báo Dân chúng, số 42, ngày 7-1-1939.
([13]). Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 99-134.
[14] Hồ Chí Minh , Toàn tập, Sdd, t.3,tr.138,126
([15]. Hồ Chí Minh, Toàn tập Sdd, tập 3, tr. 138.
([16]). Báo Dân chúng, số 52, ngày 7-3-1939.
([17]). Nguyễn Văn Cừ, Tự chỉ trích, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 25-26.
[18] . Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1980 và 1992 đã khẳng định rõ: Đảng CSVN, đội tiên phong của GCCNVN, NDLĐ và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.