Khẳng định đẳng cấp
Nghiên cứu của Tổ chức TRAFFIC cho thấy, nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tình trạng săn bắn trái phép tê giác tại châu Phi và đẩy nhiều loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng.
Thời gian qua, dù đã có những bước tiến dài trong nỗ lực ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã (quy định trong Luật Hình sự với các quy định tăng nặng mức hình phạt đối với các hành vi sở hữu và buôn bán) nhưng Việt Nam vẫn được xem là thị trường nóng trong việc trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác.
Để tìm hiểu rõ nhu cầu, mục đích và thói quen sử dụng sừng tê giác, năm 2012, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội và TPHCM với sự tham gia của 600 người. Kết quả cho thấy một số người dùng theo cảm tính, để thể hiện đẳng cấp, sự giàu có hoặc dùng làm quà tặng.
Những người còn lại sử dụng sừng tê giác vì tin rằng chúng có tác dụng thanh lọc cơ thể, chữa ung thư. Và gần đây sừng tê giác được nhiều người tin tưởng trong việc giải rượu, tăng sức mạnh đàn ông.
Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Cán bộ chương trình cao cấp (Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam) chia sẻ: Nhiều người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy yên tâm khi có sẵn sừng tê giác trong nhà để sử dụng khi cần. Do vậy, 5% số người được hỏi thừa nhận đã sử dụng và 16% có ý định sử dụng trong tương lai dù biết sừng tê giác rất khó mua và đã bị cấm. Con số này tiếp tục tăng, đến năm 2014 có 27,5% số người được khảo sát cho biết đã từng sử dụng ít nhất một lần trong năm.
Theo bà Trinh, tỷ lệ người tham gia khảo sát sử dụng sừng tê giác giảm đáng kể. Năm 2016 còn 6% người được hỏi cho biết đã sử dụng sừng tê giác ít nhất 1 lần trong năm và 7% (năm 2017).
Nhiều doanh nghiệp đã từ chối sản xuất đĩa mài sừng tê giác |
Rào cản từ phong tục tập quán
Bà Phạm Nguyên Cường (giảng viên của VCCI) chia sẻ: Nhiều năm trước, tôi từng tê tay vì mài sừng tê giác cho cháu hạ sốt nhưng nay thói quen này đã thay đổi vì thuốc hạ sốt vừa dễ mua, tác dụng nhanh. Cũng theo bà Cường, trước kia, nhà giàu thường dùng sừng tê giác (chế tác thành chén) để kiểm tra chất độc trong thực phẩm. Nhưng cũng chiếc chén này đựng đồ ăn cho gà, mèo thì chúng đều bỏ đi. Vậy tại sao gà hay mèo từ chối sử dụng mà con người lại ưa chuộng đến vậy. “Tất cả do thiếu thông tin chính thống, thiếu hiểu biết hoặc thích thể hiện đẳng cấp”, bà Cường nhấn mạnh.
Nói vậy để thấy rằng, tác dụng của sừng tê giác cho đến nay vẫn là lời đồn thổi. Việc sử dụng theo cảm tính và săn lùng đôi khi chỉ để thể hiện đẳng cấp. Hành động trên đã đẩy nhiều loài tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng.
Để bảo vệ những con tê giác còn sót lại, Trưởng nhóm truyền thông thay đổi hành vi xã hội (Chương trình Động vật hoang dã, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) –bà Eleanora De Guzman cho rằng: Không có nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
Tuy nhiên, trước đây do các chiến dịch mới tập trung vào việc bảo tồn, chưa chú trọng đến giảm tiêu thụ nên hiệu quả chưa như mong muốn. Do vậy, để không còn động vật hoang dã nào bị tổn thương bởi con người, các quốc gia trong khu vực cần có tiếng nói chung trong việc bảo vệ, bảo tồn cũng như cấm sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ hơn nữa và tăng tính thực thi pháp luật.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (VCCI) Lê Thị Thu Thủy khẳng định các chương trình truyền thông xã hội thay đổi hành vi hướng đến lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát huy tác dụng. “Đã có trên 20 ngàn doanh nhân được tiếp cận với chương trình trên. Việc hướng tới doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, du lịch và vận tải đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều đơn vị sản xuất gốm ở Bát Tràng (Hà Nội) đã trưng bày standy tuyên truyền không sử dụng sừng tê giác đến bạn hàng và du khách. Họ cũng không sản xuất các loại đĩa để mài sừng dù có đơn hàng…”, bà Thủy trao đổi.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngoài chương trình truyền thông xã hội nhằm thay đổi hành vi của nhóm người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, việc tác động đến học sinh, sinh viên, thanh niên cũng cần thiết bởi đây là lực lượng kế cận của nhóm người có nhu cầu tiêu thụ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong tương lai. Hình thức truyền thông không chỉ là poster mà có thể bằng hình ảnh cụ thể tại trường học, trên mạng xã hội…
Bảo vệ môi trường là mục tiêu, nội dung cơ bản để phát triển bền vững. Những năm qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo nâng cao nhận thức với báo cáo viên, lãnh đạo báo đài, tạp chí để họ hiểu sừng tê giác không có nhiều tác dụng như suy nghĩ của mọi người. Khi lãnh đạo một đơn vị, cơ quan hiểu thì việc truyền thông thay đổi hành vi trong toàn cơ quan sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
(Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó GĐ phụ trách Trung tâm Nghiên cứu khoa học nghiệp vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương)