LTS: Vừa qua, một cụ ông đã bị xuất huyết dữ dội do nghi uống thuốc An cung ngưu hoàng hoàn để phòng đột quỵ. Trong thực tế, việc sử dụng loại thuốc này khá phổ biến và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Câu chuyện trên đây phản ánh một sai lầm rất phổ biến trong quan niệm hiện nay ở Việt Nam, là hễ “đột quỵ” (bất kể nguyên nhân nào) là có thể dùng An cung ngưu hoàng hoàn, coi nó là thần dược, có thể uống dự phòng tránh đột quỵ… Tất cả quan niệm đó rất nguy hiểm.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ đăng tải thông tin từ kênh uy tín nhất từ chính Trung Quốc – nơi xuất xứ của loại thuốc này, cảnh báo về những ngộ nhận, sai lầm liên quan đến An cung ngưu hoàng hoàn.
Bài viết nêu rõ, An cung ngưu hoàng hoàn là sản phẩm thuốc Đông y có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trấn kinh khai khiếu (giúp trấn tĩnh thần kinh và khai thông các mạch, lỗ) nhưng nếu không biết người bệnh có tiền sử bệnh tật như thế nào, cứ nghĩ rằng khi bị đột quỵ lập tức cho uống thuốc là khỏi – thì có lúc không những không có tác dụng, mà thậm chí nghiệm trọng có thể phản tác dụng, cướp đi tính mạng người bệnh.
Sau đây là 3 hiểu lầm phổ biến về An cung ngưu hoàng hoàn mà website này khuyến cáo tới người dân
Sai lầm thứ nhất: Hễ cứ đột quỵ là uống An cung ngưu hoàng hoàn là có thể cứu lấy mạng sống!
Các chuyên gia chỉ ra rằng, đột quỵ cũng có rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện khác nhau.
Theo quan niệm của Đông y, khi xảy ra đột quỵ, xuất hiện dấu hiệu mất ý thức đột ngột, lê liệt méo miệng, đồng thời kèm theo khó chịu, mặt đỏ thân nóng sốt, miệng hôi, táo bón, mặt lưỡi bị dính dớt mỡ màu vàng, theo kiểu nhiệt bên trong cơ thể bị bế tắc, thì là các triệu chứng phù hợp để sử dụng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn.
Nhưng ngược lại, nếu người bệnh có các dấu hiệu khác, ví dụ như đột quỵ không có triệu chứng rõ ràng, như ra mồ hôi, chân tay lạnh, tiểu không tự chủ, thì lại cần các loại thuốc có thể bổ nguyên khí, hồi dương, cấp cứu, dạng như nhân sâm.
Trong tình huống trái ngược như vậy, nếu dùng thuốc An cung thì sẽ nhận phải tác dụng ngược, không những không có hiệu quả điều trị bệnh, mà còn làm cho bệnh trở nên nặng hơn.
Sai lầm thứ hai: Hôn mê rồi mà vẫn cho ngậm An cung ngưu hoàng hoàn!
Khi một bệnh nhân bị hôn mê hoặc khó nuốt, người trong gia đình sẽ cho uống viên thuốc này, làm như vậy rất có thể gây ngạt thở và tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu chẳng may bị đột quỵ, việc đầu tiên là gia đình nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu (khái niệm “thời gian vàng cấp cứu đột quỵ” là trong vòng 6 giờ phải nhập viện can thiệp y tế), hãy chắc chắn nếu muốn sử dụng Anh cung ngưu hoàng hoàn thì phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng xanh xao nhợt nhạt, nằm mê mệt không tỉnh táo, lưỡi nhớt nhờn trắng, trường hợp này thuộc về kiểu bệnh mà Đông y gọi là hàn đàm âm khiếu. Tình huống này lại phải dùng thuốc Tô hợp hương hoàn và tuyệt đối cấm sử dụng An cung.
Nếu xuất hiện triệu chứng toát mồ hôi đầm đìa, tứ chi lạnh buốt, thì càng tuyệt đối tránh sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn.
Sai lầm thứ ba: Mỗi tháng uống 1 viên để phòng ngừa đột quỵ!
Thuốc An cung ngưu hoàng hoàn có thành phần chính là vị thuốc Đông y Ngưu hoàng. Ngoài ra còn có các thành phần khác là uất kim, sừng tê giác (đã thay thế bằng sừng trâu), hoàng liên, chu sa, băng phiến, xạ hương, trân châu, sơn chi, hùng hoàng, hoàng linh.
Bất kỳ là loại thuốc nào chứa các thành phần gồm Chu sa, Hùng hoàng, thì tuyệt đối không được dùng quá số lượng, đặc biệt là những người có chức năng gan thận kém thì phải nên cẩn thận khi sử dụng.
Trước đây, trong viên thuốc An cung có sử dụng thành phần sừng tê giác, nhưng hiện nay đã thay thế bằng sừng trâu. Có thể khẳng định rằng, An cung không hề có tác dụng phòng chống đột quỵ, chỉ có thể hỗ trợ làm giảm nhẹ các triệu chứng đột quỵ mà thôi.
Có những người cứ mỗi tháng lại uống 1 viên An cung để phòng ngừa đột quỵ, điều này là hoàn toàn không cần thiết.
Nếu muốn phòng ngừa đột quỵ, cách quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như cao huyết áp, mỡ máu cao, tim mạch và phải tiến hành điều trị tích cực.
Tóm lại, thuốc tốt không phải có thể dùng tùy tiện, thuốc tốt dùng sai có thể biến thành thuốc độc.