Dưới đây là chia sẻ của ThS Trần Anh Quyền - Phó trưởng Khoa Ngoại ngữ và ThS Phạm Thanh Mai - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn) về việc sử dụng hội thoại trong giảng dạy tiếng Anh
Những loại hình giao tiếp
Có nhiều hình thức nói chuyện (talk) mà thầy, cô, cha mẹ và những người khác có thể thực hiện.
Những cuộc nói chuyện này được chia ra làm 5 thể loại chính gồm: kể chuyện (telling), đặt câu hỏi (questioning), đàm thoại (conversation), thảo luận (discussion) và hội thoại (dialogue).
Cụ thể: Telling- “I tell you”: Việc nói cho người học nội dung bài học một cách rõ ràng là thực sự cần thiết vì họ còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Ở đường hướng giảng dạy truyền thống, giáo viên nói còn học viên thì học thuộc lòng (rote - học vẹt).
Người giáo viên yêu cầu người học ghi nhớ, tiếp nhận những ý kiến, suy nghĩ, nguyên tắc và tiến trình thông qua hình thức nhắc lại một cách thường xuyên.
Như vậy, việc dạy học bằng cách thức thuyết trình, nếu thực hiện tốt, có thể là tiền đề để người đọc phải suy nghĩ, động não và tạo ra hội thoại.
Tuy nhiên, Fisher khuyên rằng nếu giáo viên lạm dụng quá hình thức thuyết trình (telling) sẽ không làm cho người học hiểu bài sâu sắc, họ sẽ thiếu sự tự tin khi giao tiếp và hạn chế khả năng tham gia vào các cuộc hội thoại.
Ngày nay, theo đường hướng dạy học hiện đại, nhiều giáo viên đã hạn chế hình thức kể mà đã nâng cấp hình thức này thông qua việc lồng ghép câu hỏi liên quan đến nội dung bài học. Questioning - “Can you tell me…?”:Hỏi- trả lời là kĩ thuật phổ biến để nắm được những gì mà người học biết nhằm tạo nên mức độ hiểu.
Những câu hỏi dạng: “What was it called?”, “What is the answer?”, “What do you know about...?”… được đưa ra nhằm thu hút sự chú ý, khai thác câu trả lời và kích thích người học gợi nhớ lại những kiến thức hoặc kinh nghiệm cũ.
Ở hình thức này giáo viên đưa ra gợi ý (cue) với mục đích khuyến khích người học nghĩ (think), thử- thực hành (try), nhớ (remember) - điều này giúp cải thiện vốn kiến thức ngôn ngữ cho người học.
Kỹ thuật hỏi – trả lời khuyến khích người học ý thức rằng việc học là nhằm đưa ra câu trả lời đúng chứ không phải nghĩ một cách qua loa đại khái.
Đó chính là những câu hỏi của người dạy nhằm khai thác kiến thức, chứ không phải của người học. Vì vậy những câu hỏi và trả lời như thế này không tạo ra được các cuộc hội thoại sáng tạo (creative dialogue).
Song việc đặt câu hỏi có thể được sử dụng để hình thành và đơn giản hóa các cuộc hội thoại. Conversation- “Let’s talk”: Đàm thoại (conversation) đơn giản chỉ là những cuộc nói chuyện phiếm, chuyện tầm phào (gossip) không mang tính chất trang trọng, không ngoài mục đích nói và nghe, không có động cơ, không cần sự kiểm soát.
Đàm thoại cũng có thể liên quan đến vấn đề sâu sắc hơn hay những mỗi quan tâm của con người nhưng thường thì nó đề cập đến những ý nghĩ phát sinh tình cờ.
Đó là lý do tại sao đơn thuần nói và nghe chưa đủ “chất” để tạo nên “hội thoại”, và nó cũng chưa thực sự đảm bảo cho việc học kiến thức.
Lựa chọn hội thoại trong giảng dạy tiếng Anh
Việc thiết kế, chọn lựa và ứng dụng hội thoại trong giảng dạy, đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh đóng một vai trò hết sức quan trọng. Các bài hội thoại không chỉ dừng lại ở những cuộc đàm thoại hay những câu chuyện tầm phào vô nghĩa, mà nó phải khai thác được trí tuệ, kiến thức; kích thích được suy nghĩ, sáng tạo và phát triển được kĩ năng, thái độ. Do đó:
Dạy và học hội thoại phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Có độ khó tương đối: Nguyên tắc này đòi hỏi các cuộc hội thoại phải khơi gợi suy nghĩ và sáng tạo, đòi hỏi người học phải thực sự tập trung và tâm huyết với nội dung và yêu cầu của bài học.
Có cấu trúc nội dung mang tính hội thoại: Ở nguyên tắc này, bài hội thoại phải đảm bảo cho người đọc hiểu được nội dung kiến thức thông qua hội thoại. Có nghĩa là thông qua việc tham gia hội thoại, người học phải hiểu được nội dung và khối lượng kiến thức của bài học.
Tạo ra môi trường và tiến trình an toàn cho người học (safety in the environment and the process) khi tham gia và thực hành hội thoại. Ở đây, chúng ta cần tạo ra ngữ cảnh cho người học, việc tạo ra ngữ cảnh định hướng người học hiểu nội dung của bài học và kích thích họ suy nghĩ theo đúng hướng.
Một yếu tố được cho là nguy hiểm, đó là khi thực hiện và tham gia hội thoại, người học phát biểu điều gì đó ở trong nhóm một cách bâng quơ, không có chủ định, thậm chí không nhận thức được những gì mình đã nói.
Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới sự an toàn của bài học, và tới mọi thành viên trong lớp. Vì vậy, khi lựa chọn hay thiết kế các bài hội thoại, người giáo viên cần chú ý tới việc tạo ra ngữ cảnh rõ ràng, cụ thể để tạo sự an toàn cho bài học.
Tạo ra được hành động và phản hồi (action and reflection) của người học. Nhiều giáo viên vẫn nghi ngờ rằng liệu thực hành có phải là cách mà người học học được khái niệm, kĩ năng và thái độ hay không.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu và trên thực tế, hành động và phản hồi hoàn toàn có thể được áp dụng để dạy kiến thức, kĩ năng và thái độ khi người học làm một điều gì đó liên quan đến kiến thức mới, thực hành kĩ năng và thái độ mới, thì sau đó họ sẽ nhìn nhận lại những gì họ đã làm có thể áp dụng để nó phù hợp và thích nghi với môi trường mới.
Kích thích được suy nghĩ và sáng tạo: Các hội thoại mang tính chất sáng tạo giúp người học chuyển suy nghĩ của họ thành từ ngữ. Nó có thể phát triển suy nghĩ của người học bằng việc tạo ra các ý tưởng mà họ không hề có trước đó.
Bình luận