Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học số trong Chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Tiết dạy môn Sinh học lớp 10 của cô giáo Vũ Thanh Nghĩa, Trường THPT Lương Thế Vinh được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng đánh giá cao.

Giờ dạy minh hoạ của cô Vũ Thanh Nghĩa, Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Lương Thế Vinh.
Giờ dạy minh hoạ của cô Vũ Thanh Nghĩa, Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Lương Thế Vinh.

Trò hào hứng với thiết bị dạy học thông minh

Nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong dạy học; xây dựng mô hình lớp học thông minh tại các cơ sở giáo dục và thực hiện tốt chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo Trường THPT Lương Thế Vinh thực hiện chuyên đề: "Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học số và thư viện điện tử vào phòng học thông minh".

Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng (áo xanh) tặng hoa chúc mừng.

Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng (áo xanh) tặng hoa chúc mừng.

Trong chuyên đề, tiết dạy minh hoạ của cô giáo Vũ Thanh Nghĩa với bài 8 "Cấu trúc của tế bào nhân thực" môn Sinh học lớp 10 đã ứng dụng các thiết bị dạy học thông minh như: kính thực tế ảo, máy chiếu vật thể, ti vi cảm ứng, máy tính bảng tạo nên một giờ dạy hiệu quả.

Chuyên đề nhận được sự quan tâm, tham dự của các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Chuyên đề nhận được sự quan tâm, tham dự của các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Để bài học thực hành sinh động, cô giáo đã sử dụng phương pháp dạy học theo dự án. Học sinh sẽ thực hành báo cáo phần chuẩn bị bài ở nhà mà cô đã giao trong tiết học trước, trải nghiệm kính thực tế ảo để quan sát tế bào động vật, thực vật, đồng thời các em được hướng dẫn viết báo cáo thực hành.

Qua bài dạy, bên cạnh các năng lực chuyên môn, cô Thanh Nghĩa đã giúp học sinh hình thành năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học khi các em được khơi gợi đam mê, tự tìm kiếm thông tin, quan sát tranh, mô hình về cấu trúc tế bào nhân; năng lực giao tiếp, hợp tác khi thảo luận, chia sẻ thông tin với các bạn trong nhóm; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo qua cách thức xử lí thông tin phát sinh. Đặc biệt, học sinh được hình thành năng lực công nghệ thông tin khi học tập trong môi trường số hoá.

Cô Thanh Nghĩa linh hoạt, mềm dẻo trong các bước chuyển giao nhiệm vụ học tập.

Cô Thanh Nghĩa linh hoạt, mềm dẻo trong các bước chuyển giao nhiệm vụ học tập.

Trong suốt quá trình học tập, học sinh được sử dụng máy tính bảng để trả lời câu hỏi trên phần mềm. Các em được rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề sáng tạo, kĩ năng thuyết trình khi trình bày dự án.

Cô Thanh Nghĩa linh hoạt, mềm dẻo trong các bước chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học trò, tạo cho các em sự hứng thú với bài học. Các nhóm được nghe, xem, nhận xét chéo lẫn nhau và trình bày quan điểm, thuận lợi khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Giờ học hấp dẫn hơn khi học trò được dùng kính thực tế ảo để quan sát tế bào nhân thực.

Giờ học hấp dẫn hơn khi học trò được dùng kính thực tế ảo để quan sát tế bào nhân thực.

Giờ học hấp dẫn hơn khi học trò được dùng kính thực tế ảo để quan sát tế bào nhân thực. Các em được quan sát tế bào thực vật, động vật; xác định được hình dạng và các thành phần trong tế bào. Qua đó giáo viên chốt lại kiến thức liên quan.

Học sinh được hướng dẫn viết báo cáo về nội dung thực nghiệm và cùng chơi trò chơi. Bài học kết thúc trong sự hào hứng.

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận xét, tiết dạy của cô Thanh Nghĩa rất thành công khi thực hiện phương pháp dạy học dự án để giao nhiệm vụ cho học trò. Các em học sinh tự tin tương tác và ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập thuần thục.

Cần lan toả phương pháp giáo dục hiện đại

Dự giờ tiết dạy, thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà, huyện Cát Hải chia sẻ, qua tiết dạy cho thấy học sinh rất hứng thú, giờ học đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, để đầu tư cơ sở vật chất như: máy tính bảng, kính thực tế ảo, máy chiếu vật thể, ti vi cảm ứng với các trường công lập, đặc biệt trường huyện đảo còn nhiều khó khăn.

Thầy Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cũng đồng quan điểm trên. Thầy Tuấn cho rằng, ngoài việc mua sắm cơ sở vật chất đầu tư công rất hạn chế thì việc nâng cao trình độ giáo viên để đáp ứng với chuyển đối số trong giáo dục còn khó khăn.

Cô trò tương tác tích cực trong giờ học.

Cô trò tương tác tích cực trong giờ học.

Chia sẻ về việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, cô Hồ Thị Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho hay, các nhà trường đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức như: huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng CSVC hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo đội ngũ có trình độ công nghệ thông tin, có khả năng ứng dụng tốt công nghệ vào giảng dạy là việc không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, không ít giáo viên do đặc điểm độ tuổi nên ngại đổi mới, ngại tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào dạy học cũng như quản lý. Vì thế, việc thực hiện chuyển đổi số trong các nhà trường rất cần sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ quản lý, mà trước tiên là vai trò, sự quyết tâm và truyền cảm hứng của người đứng đầu.

Học sinh dùng máy tính bảng để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Học sinh dùng máy tính bảng để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mặc dù đã lường trước được những khó khăn nói trên, nhưng vì thấy được xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong giáo dục, Trường THPT Lương Thế Vinh đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2021 – 2026):“Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành và triển khai chương trình GDPT 2018 theo định hướng giáo dục thông minh, hướng tới xây dựng trường học thông minh, trường học số.”

Năm học 2023 – 2024 là năm bản lề trong kế hoạch 5 năm thực hiện chuyển đổi số cả về chiều rộng và chiều sâu ở các lĩnh vực quản lý và dạy học của Trường THPT Lương Thế Vinh. Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực dạy học nhà trường đã thực hiện hai việc.

Thứ nhất, đầu tư CSVC trang bị hệ thống thông tin Internet, các phần mềm hỗ trợ dạy học và kiểm tra đánh giá; Xây dựng thí điểm ba phòng học thông minh và một phòng học STEM với các thiết bị dạy học hiện đại như Màn hình tương tác, máy soi vật thể, kính thực tế ảo, máy tính bảng, máy in 3D, robot tự hành và một số thiết bị phụ trợ khác.

Thứ hai, số hóa tài liệu giảng dạy và tư liệu học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Học sinh được thực hiện báo cáo dự án qua phần làm việc nhóm.

Học sinh được thực hiện báo cáo dự án qua phần làm việc nhóm.

Ngay từ đầu năm học 2023 – 2024 nhà trường đã phát động phong trào xây dựng thiết bị dạy học số và xây dựng thư viện điện tử.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giảng dạy mà một số bài giảng thông thường vốn trừu tượng khô khan đã trở nên trực quan, sinh động, hấp dẫn, kích thích được sự tò mò, trí tưởng tượng, khát vọng muốn chinh phục kiến thức của học sinh.

Nhiều ý kiến nhận xét, đóng góp tích cực cho chuyên đề.

Nhiều ý kiến nhận xét, đóng góp tích cực cho chuyên đề.

Việc sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học số và thư viện điện tử vào phòng học thông minh sẽ mang đến cho học sinh những trải nghiệm mới mẻ, thú vị. Từ đó giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Đồng thời giúp cho các em có cơ hội tiếp cận với những công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên để khai thác, ứng dụng hiệu quả thiết bị dạy học số trong giảng dạy, theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, các nhà trường cần có tư duy dám nghĩ, dám làm, nhận thức đúng về chuyển đổi số và cần chuẩn bị nhân lực, tập huấn chuyên môn để đáp ứng đổi mới dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Truyện ngắn: Quà Trung Thu cho con

GD&TĐ - Con bé Hiền len lén nhìn mẹ rồi rón rén đưa tay mân mê mấy cục bột trên bàn. Bỗng nó vội rụt ngay tay lại bởi bị mẹ phát hiện.

Minh họa/INT

Sốt và sốt kéo dài

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng sốt thì không tốt, sốt là bệnh. Nhưng thực ra, sốt cũng có những đặc điểm tích cực của nó.