Vui buồn nghề giáo

GD&TĐ - Nhiều kỉ niệm đẹp, thành tích đáng ghi nhận và cả những tâm sự thầm kín mang theo niềm trắc ẩn... để lại trăn trở, suy tư về nghề giáo.

Các tổ chức, cá nhân nhận khen thưởng của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Các tổ chức, cá nhân nhận khen thưởng của Chính phủ và Bộ GD&ĐT.

Tri ân "người lái đò"

Hình ảnh người giáo viên từng được ví như những người lái đò tri thức thầm lặng đưa "khách" qua sông. Để rồi mỗi chuyến đò ngang lại mang theo tâm tư, tình cảm của người thầy. Thầy cô không chỉ mang đến cho học trò kiến thức qua từng trang giấy, mà ở đó còn là cốt cách, nhân phẩm, đạo đức của người thầy. Dưới môi trường mô phạm, nhà trường, thầy cô góp phần đào tạo, giáo dục lên những thế hệ học trò vừa hồng, vừa chuyên.

"Đến hẹn lại lên", ngày 20/11 là ngày mà cả xã hội hướng về người thầy với sự tri ân sâu sắc nhất.

Tại quận Lê Chân, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống Ngày nhà giáo Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo; chặng đường phát triển của ngành Giáo dục quận, đồng thời ghi nhận những cống hiến, đóng góp của thế hệ nhà giáo đối với sự nghiệp “ trồng người”…

Bà Trần Thu Hương, Bí thư Quận uỷ Lê Chân biểu dương những đóng góp, cống hiến thầm lặng của đội ngũ nhà giáo với sự nghiệp giáo dục của quận. Đồng thời bày tỏ mong muốn, các nhà giáo luôn giữ trong mình ngọn lửa yêu nghề, không ngừng cố gắng, trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân, đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao của giáo dục hiện nay.

Nhiều thầy cô được vinh danh, khen thưởng tại Lễ kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam của quận Lê Chân.

Nhiều thầy cô được vinh danh, khen thưởng tại Lễ kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam của quận Lê Chân.

Trong niềm vui chung, ông Phạm Văn Hà, Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền bày tỏ: Năm học vừa qua là năm học tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 với các cấp học, ngành Giáo dục quận Ngô Quyền vẫn tiếp tục giữ vững vị trí tốp 3 đơn vị đứng đầu thành phố. Nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng nhân kỉ niệm ngày Nhà giáo là một niềm vui lớn.

Với sự quan tâm của các cấp ngành, Giáo dục Ngô Quyền ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Ngành Giáo dục quận tích cực tham mưu với UBND quận tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển năng lực nghề nghiệp. Đặc biệt, ngành Giáo dục quận tham mưu cho UBND quận tổ chức thành công Hội thảo và tham mưu Ban Thường vụ quận ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về Phát triển Giáo dục và Đào tạo Quận Ngô Quyền giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2045.

Giáo dục quận Ngô Quyền ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt.

Giáo dục quận Ngô Quyền ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt.

Chương trình Gặp mặt các thế hệ nhà giáo nhân kỉ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) của UBND TP Hải Phòng diễn ra gọn gàng, ấm áp vào chiều ngày 15/11. Đây là dịp thành phố Hải Phòng tri ân, biểu dương khen thưởng những đóng góp to lớn của cá nhân, tập thể giáo viên, nhà trường cho sự nghiệp giáo dục chung.

Tại chương trình, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận những đóng góp của cán bộ, giáo viên và những người công tác trong ngành GD&ĐT đối với sự nghiệp giáo dục thành phố.

Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, Hải Phòng là một địa phương rất quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục như: hỗ trợ học phí từ mầm non đến THPT; hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; biểu dương, khen thưởng giáo viên, học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế...

Chương trình gặp mặt kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam của UBND TP Hải Phòng.

Chương trình gặp mặt kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam của UBND TP Hải Phòng.

Hướng tới mục tiêu Hải Phòng là trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, ông Lê Khắc Nam cho rằng vai trò của nhà giáo là yếu tố then chốt. Do vậy, ngành giáo dục thành phố cần tập trung cao xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Lãnh đạo TP Hải Phòng biểu dương các đơn vị có thành tích xuất sắc.

Lãnh đạo TP Hải Phòng biểu dương các đơn vị có thành tích xuất sắc.

Nhân dịp gặp mặt 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, các trường: THPT Ngô Quyền, THPT Cát Bà vinh dự đón nhận Cờ thi đua Chính phủ; cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; UBND thành phố tặng Cờ thi đua Trường THPT Thăng Long, tặng bằng khen 5 tập thể, tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc 18 tập thể.

Thầm lặng những hi sinh

Tại chương trình Gặp mặt các thế hệ nhà giáo nhân kỉ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023) của UBND TP Hải Phòng, các nhà giáo cùng giao lưu, trao đổi, sẻ chia nhiều câu chuyện vui, kí ức đẹp và cả những nỗi niềm ẩn sâu bấy lâu của nhà giáo.

Theo như lời nhà giáo Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, đây là buổi gặp mặt các thế hệ nhà giáo, không phải mít tinh kỉ niệm. Và ở đó, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Sở sẽ không đọc diễn văn, không phát biểu dài mà lắng nghe thầy cô nói về mình, về nghề với những cảm xúc chân thực nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Và những kỉ niệm đẹp, tâm sự thầm kín mang theo niềm trắc ẩn qua từng câu chuyện kể đã để lại nhiều trăn trở, suy tư về nghề giáo.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, giáo viên trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm Thị Hải Phòng

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, giáo viên trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm Thị Hải Phòng

Bài thơ "Lớp học không bình thường" của cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Giáo viên trường Nuôi dạy Trẻ em Khiếm Thị Hải Phòng làm nghẹn lòng người nghe.

"Có lớp học không bình thường, chẳng bảng đen phấn trắng.

Thầy chào trò mỗi khi giờ vào lớp.

Trò nhận ra thầy qua giọng nói, tiếng bước chân.

Hết mùa đông sẽ tới mùa xuân.

Thầy ươm những ngọn nguồn ánh sáng.

Thương lắm tuổi học trò không biết màu mực tím.

Bút là " dùi", chữ chấm nổi mong manh.

Mặt trời thì hồng, cây lá thì xanh...

Mọi dòng sông đều xuôi về biển cả.

Bên các em thầy quản chi vất vả.

Thắp ngọn lửa hồng, khơi trí sáng tâm.

Dù bóng đêm, ánh sáng cách ngăn.

Em vẫn nhận ra bao sắc màu cuộc sống.

Tàn không phế, vượt lên trên số phận.

Chăm chỉ luyện rèn, biết sống để tin yêu.

Một bông hồng em dành tặng cô.

Một vần thơ kính dâng thầy ngày hội lớn

Là lòng em chan chứa vô bờ.

Dù chia xa trong tim em vẫn nhớ

Lớp học không bình thường, chẳng phấn trắng bảng đen."

Có nhiều tâm sự, sẻ chia của các nhà giáo nhưng tâm sự của cô Nguyễn Thị Thảo để lại nhiều xúc động với người nghe.

Cô Thảo kể về quãng thời gian 30 năm gắn bó với trường giáo dục chuyên biệt. Nơi ấy là những học trò khiếm thị, học sinh không bình thường về nhận thức. Dù tốt nghiệp chuyên ngành Văn, cô có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc khác, môi trường dạy học tốt hơn nhưng "duyên nghiệp" đã gắn bó cô với ngôi trường khiếm thị.

Lớp học tại Trường nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng.

Lớp học tại Trường nuôi dạy Trẻ em Khiếm thị Hải Phòng.

Cô Thảo cho hay: Những ngày đầu cô đến trường gặp trẻ em khiếm thị cô xúc động vô cùng, thậm chí cô bị ám ảnh, sang chấn tâm lý vì hình ảnh học trò. Bản năng thôi thúc cô phải làm gì đó cho các em, từ đó cô nguyện gắn bó cả thanh xuân với ngôi trường khiếm thị.

"Dạy các con, tôi được nhiều thứ. Tôi học cách sống chậm hơn, hiểu và thấu cảm được các em. Hơn hết, tôi học ở các em khát vọng, nghị lực sống, tinh thần ham học hỏi để chiếm lĩnh tri thức và nỗ lực vượt hoàn cảnh số phận" - cô Thảo nói.

Nỗi niềm người thầy tại ngôi trường chuyên biệt.

Nỗi niềm người thầy tại ngôi trường chuyên biệt.

30 năm gắn bó với trường, nhiều cảm xúc đọng lại trong cô. Kỉ niệm nhớ nhất là dịp 20/11 có 1 học sinh với gương mặt rất buồn đến gặp cô. Sau khi trò chuyện, tâm tình, cô học trò thổ lộ: "Em buồn vì không có quà tặng cô". Bằng tình yêu chân thành với "người mẹ hiền thứ 2", cô bé đã nỗ lực làm tăm bán lấy tiền để mua tặng cô giáo một bông hoa hồng. Món quà đã khiến cô Thảo xúc động, rưng rưng nước mắt.

"Ngày 20/11, nhà cô giáo hàng xóm lúc nào cũng đông vui, tấp nập, người ra người vào chúc mừng. Nhưng nhà tôi thì cửa đóng, then cài. Tôi có chút chạnh lòng, tủi thân. Nhưng vì tình yêu ngôi trường chuyên biệt, yêu những đứa trẻ không bình thường, tôi vẫn nỗ lực miệt mài trên bục giảng, chăm chỉ dìu dắt, dạy dỗ học trò" - cô tâm sự.

Cô Thảo luôn thầm nhủ, dạy học ở môi trường đặc thù, bản thân người giáo viên chịu nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp ở các trường phổ thông. Nhưng khi đặt mình vào hoàn cảnh trò, thử nhắm mắt lại để tưởng tượng thế giới xung quanh cô càng hiểu và thấu cảm trò hơn. Những lúc đó cô tự nhủ hãy sống chậm lại để lại để đồng hành cùng các con trên con đường đi tìm tri thức.

Nhân dịp ngày 20/11, cô Nguyễn Thị Nhung, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Vĩnh Bảo được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Chia sẻ cảm xúc về nghề, cô Nhung bày tỏ: Tài sản vô giá của người thầy là sự thành đạt của học sinh. Cô may mắn công tác tại ngôi trường có truyền thống học sinh hiếu học ngoan ngoãn và nhiều em trưởng thành, ngôi trường từng có học sinh thủ khoa toàn quốc.

Quá trình dạy dỗ học trò, cô Nhung luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực đổi mới phương pháp mang lại những bài giảng thú vị cho học trò. Cô được học sinh yêu mến, phụ huynh tin yêu. Cô Nhung cho rằng, kinh nghiệm nhiều năm công tác cô nhận ra rằng "chỉ có tình cảm xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim". Thầy cô phải thực sự là người mẹ, người cha thứ 2 để thấu hiểu cảm xúc, tâm tư của trò.

Còn đó nhiều suy tư

Cô Đỗ Thị Huần, Hiệu trưởng Trường mầm non An Đồng 1, huyện An Dương bày tỏ: Đặc thù ở bậc học mầm non thời gian lao động của thầy cô nhiều hơn. Môi trường giáo dục không chỉ là dạy còn dỗ dành, chăm sóc, vì thế các cô giáo phải thực sự yêu nghề, mến trẻ mới tâm huyết sớm tối ở trường.

Bên cạnh đó, bắt nhịp với những đổi mới trong giáo dục, các cô giáo của Trường mầm non An Đồng 1 luôn nỗ lực cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cùng trao đổi, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, ứng dụng công nghệ thông tin đem lại cho học sinh tri thức, kĩ năng cơ bản là hành trang bước vào đời.

Bản thân cô Huần luôn tâm huyết gần gũi học sinh, giáo viên để động viên đội ngũ tự nguyện cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện và của thành phố.

Ngành Giáo dục huyện An Lão với các hoạt động STEM.

Ngành Giáo dục huyện An Lão với các hoạt động STEM.

NGƯT Phạm Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, huyện An Lão chia sẻ về vai trò vai trò phụ huynh và giáo viên trong công tác giáo dục nhà trường.

Cô An cho rằng, phụ huynh có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ và đóng góp nguồn lực cho sự phát triển của nhà trường. Thực tế, qua nhiều năm, phụ huynh nhà trường đã song hành, phối hợp chặt chẽ để mang lại chất lượng giáo dục tốt.

Tuy nhiên, gần đây với sự phát triển nền tảng công nghệ thông tin và mạng xã hội, nhiều phụ huynh còn có hiểu biết chưa đầy đủ, phiến diện về nghề giáo, có những bình luận đánh giá không đúng, làm nhà giáo tổn thương, áp lực và chán nản.

Vì thế, để môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình, phụ huynh cần nhìn nhận khách quan, nhiều chiều và tránh những ác cảm không đáng có về nghề giáo, để thầy cô có động lực, an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...