Sử dụng công nghệ storymaps: Phát triển năng lực học sinh từ môn Ngữ văn

GD&TĐ - Sử dụng công nghệ trong dạy học nói chung, dạy học Ngữ văn nói riêng đang là nhu cầu cấp thiết.

Giờ học Ngữ văn. Ảnh minh họa: IT
Giờ học Ngữ văn. Ảnh minh họa: IT

Hiện nay, Storymaps được sử dụng trên thế giới với tư cách là một dạng đặc biệt của hình thức dạy học sử dụng Internet. Sử dụng công nghệ Storymaps vào dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh đem lại nhiều hiệu quả.

1.

Storymaps là một công nghệ dạy học hiện đại, dựa trên nền tảng xây dựng bản đồ bằng cách đăng tải và trình bày thông tin bao gồm cả hình ảnh, video về các địa điểm. Storymaps là một phần mềm công nghệ có hình thức thiết kế đơn giản để tạo lập “câu chuyện” liên quan đến bản đồ, địa điểm hoặc địa lí, để người sử dụng dễ khai thác tính ưu việt của bản đồ để “kể chuyện”. Với chức năng kết hợp đa phương tiện: Văn bản, video, hình ảnh, các web trên Internet, phần mềm này trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong việc thiết kế bài học để thu hút sự chú ý của học sinh.

Ứng dụng của Storymaps có thể cung cấp, biên tập, chia sẻ, tìm kiếm cho tới bình luận, bình chọn thông tin. Học sinh và giáo viên chỉ cần đăng nhập qua Facebook hoặc Google, có thể liên kết những sự kiện, hoặc chuỗi sự kiện diễn ra tại nhiều thời điểm để chúng thể hiện trên bản đồ Storymaps. Ngoài ra Storymaps cho phép giáo viên và học sinh tự kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố để biến các trải nghiệm, thông tin của mình thành những câu chuyện hấp dẫn.

Để thiết kế một Storymaps gồm các  bước cơ bản:

- Bước 1: Tạo Storymaps

Để tạo được một Storymaps, chỉ cần truy cập vào trang: https://storymaps. arcgis.com/en/ sử dụng email cá nhân của mình để đăng kí, đăng nhập, sau đó sử dụng các tính năng trên thanh công cụ có sẵn để thiết lập một Storymaps theo nhu cầu sử dụng của mình. Các thiết lập sẽ bao gồm như: Dạng định dạng, tiêu đề, mô tả, biểu tượng, hình nền, phông chữ.

- Bước 2: Đưa nội dung lên Storymaps

Sau khi đã tạo được một Storymaps, giáo viên có thể đưa những nội dung cần thiết lên trang của mình (video, ảnh, tài liệu, đường link…) bằng cách kích đúp chuột vào bất kì chỗ nào trên trang và tiến hành upload nội dung cần chia sẻ.

- Bước 3: Chia sẻ Storymaps

Storymaps có nhiều cách chia sẻ khác nhau như chia sẻ qua đường link, qua Facebook, mã QR, Google classroom… Giáo viên có thể chọn bất kì cách nào để chia sẻ trang Storymaps của mình đến học sinh. Thông thường tôi chọn cách chia sẻ đường link cho học sinh vào các nhóm học tập có sẵn như Facebook, Zalo. Học sinh truy cập vào đường link mà giáo viên gửi để tiếp cận và tham khảo và tìm hiểu thông tin do giáo viên cung cấp hoặc thực hiện các nhiệm vụ được giao và gửi sản phẩm của mình lên Storymaps theo yêu cầu của giáo viên.

Dựa trên các bước cơ bản đó, chúng ta có thể hình dung về quy trình sử dụng công nghệ Storymaps trong dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực học sinh như sau: Giáo viên thiết kế một bài học trên phần mềm Storymap và cung cấp đường link cho học sinh, yêu cầu học sinh truy cập đường link để thực hiện nhiệm vụ của bài học. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng các trang mạng xã hội, những công cụ tìm kiếm khác để thu thập, trao đổi thông tin như Facebook, YouTube, Google, Messenger... nhằm hoàn thiện các nhiệm vụ học tập.

Với học sinh khá giỏi, giáo viên có thể hướng dẫn thêm các công cụ, phần mềm công nghệ để thiết kế bài học như Powtool, Prezi, Thinglink… để học sinh có thể ứng dụng khi thiết kế các bài học khác nhau trong quá trình học tập. Học sinh tự thực hiện trong nhóm một nhiệm vụ về một chủ đề gắn với tình huống thực tiễn. Những thông tin cơ bản về chủ đề được truy cập từ những trang liên kết (Internetlink) do giáo viên chọn lọc từ trước. Việc học tập theo định hướng nghiên cứu và khám phá, kết quả học tập được học sinh trình bày và đánh giá. 

Sử dụng Storymaps vào dạy học văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông?” giúp phát triển năng lực học sinh. Ảnh minh họa: IT
Sử dụng Storymaps vào dạy học văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông?” giúp phát triển năng lực học sinh. Ảnh minh họa: IT

2.

Sử dụng công nghệ Storymaps vào dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh đem lại nhiều hiệu quả: Kiến thức được mở rộng, phong phú hơn; gắn với thực tế và có tính liên môn. Có thể lí giải điều này qua sơ đồ về tỉ lệ tiếp thu trung bình; Phát triển kĩ năng tự học, tự định hướng và xử lý các vấn đề phức tạp; rèn các kĩ năng thu thập và xử lí thông tin; công nghệ thông tin và làm việc nhóm; phát triển tư duy sáng tạo; giải quyết vấn đề và kĩ năng thuyết trình; Tạo ra bầu không khí học tập cởi mở, thoải mái và dân chủ.

Với tính năng là một công cụ hỗ trợ tích cực cho việc giảng dạy và học tập, Storymaps có thể tạo ra những bản đồ động cho giáo viên sử dụng. Nội dung bài học của giáo viên sẽ sinh động; học sinh cũng dễ tưởng tượng về bối cảnh lúc đó theo chiều không gian hơn. Bên cạnh đó, Storymaps có phần tạo bài trình chiếu giống như PowerPoint, Pezi, Emaze… hỗ trợ trình chiếu bài giảng, nhất là những bài giảng liên quan đến không gian địa lí.

Ngay trên phần tạo bản đồ của Storymaps đã có phần tạo bài thuyết trình, người dùng có thể tạo các slide nhờ phần tạo bài thuyết trình. Trong ứng dụng còn có thể chèn thêm tiêu đề, văn bản, hình ảnh, video, âm thanh, đường link và cách chuyển giữa các slide rất sinh động, hấp dẫn.

Storymaps là một phần mềm công nghệ khá dễ sử dụng, lại có nhiều tính năng nổi trội, phù hợp với việc dạy học phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, Storymaps có nhiều ưu thế trong việc thiết kế hình ảnh, tích hợp với sử dụng bản đồ nên rất phù hợp trong dạy học các bài đọc hiểu văn bản nghệ thuật về các địa danh tại Việt Nam.

Phù hợp nhất là khi dạy đọc hiểu kí qua văn bản Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ngoài ra, có thể sử dụng vào dạy học thể loại khác như Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, thơ trữ tình như Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tây Tiến của Quang Dũng, Việt Bắc của Tố Hữu ...

3.

Trong nội dung giáo dục cụ thể, ở phần kiến thức văn học thuộc Chương trình môn Ngữ văn 2018, các thể loại văn học là một trong bốn nội dung quan trọng được giảng dạy, gồm: Truyện và tiểu thuyết, thơ trữ tình, ký tự sự. Như vậy, ký vẫn được khẳng định là thể loại chính trong nội dung chương trình và sách giáo khoa sắp tới. Bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn được giữ lại.

Dưới đây là thiết kế tổ chức các hoạt động dạy học sử dụng Storymaps vào dạy học văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Giai đoạn 1: Tổ chức cho học sinh tự nghiên cứu (ở nhà) với các gợi ý tìm hiểu về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?, về thể loại kí, về sông Hương. Ở bước này, giáo viên kết hợp giới thiệu các trang web và đường link để học sinh tìm kiếm và xử lí thông tin: Google để tìm kiếm hình ảnh, thông tin liên quan đến tác phẩm; YouTube để tìm kiếm các video liên quan đến tác phẩm; Websize: Wikipedia, Tapchisonghuong.com.vn; Bản đồ du lịch thành phố Huế, Google Map. Google, YouTube, Ask...; các trang mạng xã hội để thảo luận, trao đổi thông tin như Facebook, Zalo, Instagram, Skyper...

Định hướng: Tìm kiếm thông tin thực hiện nhiệm vụ học tập bằng cách truy cập vào các đường link để thu thập thông tin về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường ở những phương diện sau: Quê hương; vai trò vị trí và phong cách nghệ thuật.

Thông thường những nội dung này sẽ được học sinh đọc trước ở nhà và lên lớp giáo viên yêu cầu học sinh tái hiện lại các thông tin. Tuy nhiên, khi sử dụng phần mềm Storymaps, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đọc các thông tin này trong bài học ở sách giáo khoa, xem và trải nghiệm các thông tin này trên phần mềm Storymaps (đã tích hợp hình ảnh, video, bản đồ vê thông tin tác giả, tác phẩm, thể loại...) và không dạy lại trên lớp. Thời gian trên lớp sẽ tập trung vào phát triển các mục tiêu bậc cao như năng lực khái quát, năng lực đánh giá, sáng tạo ở học sinh.

Giai đoạn 2: Tổ chức cho học sinh thực hiện trên lớp.

Giáo viên nêu tình huống để giao nhiệm vụ: Các em sẽ vào vai nhà nghiên cứu văn hóa đi khám phá vẻ đẹp của sông Hương từ đời thực (qua màn ảnh) đến văn chương. Hãy chỉ ra sự khác biệt của dòng sông qua vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ. Bài học của chúng ta sẽ sử dụng bản đồ Storymaps để kể chuyện về vẻ đẹp của một dòng sông. Từ tình huống, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu các nội dung cụ thể để thực hiện nhiệm vụ học tập và chiếm lĩnh nội dung bài học.

Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm và giao nhiệm vụ cụ thể  cho cả hai nhóm.

Nhiệm vụ 1: Giáo viên giao nhiệm vụ chung cho hai nhóm: Nghiên cứu về vẻ đẹp sông Hương ở góc nhìn địa lí: Kể tên những địa danh mà sông Hương chảy qua trên địa bàn thành phố Huế được đánh dấu trên bản đồ Storymaps; Sưu tầm những thông tin, hình ảnh, video về các địa danh sông Hương chảy qua; Lí giải tại sao dòng chảy của sông Hương có sự thay đổi khi đi qua các địa hình đồi núi, đồng bằng, biển.

Định hướng 1: So sánh sông Hương dưới góc độ Địa lí trong tự nhiên và sông Hương trong tác phẩm có điểm gì giống và khác?

Định hướng 2: So sánh sông Hương trong điện ảnh và sông Hương trong tác phẩm có điểm gì giống và khác?

Giáo viên sử dụng phiếu học tập cho học sinh làm việc trên phiếu.

Nhiệm vụ 2: Giáo viên giao nhiệm vụ riêng cho hai nhóm:

Nhóm 1: Nghiên cứu về vẻ đẹp sông Hương ở góc nhìn lịch sử: Tìm những thông tin, câu chuyện về lịch sử sông Hương; Sưu tầm những hình ảnh, video về lịch sử sông Hương; Chỉ ra những địa điểm được chọn để phản công trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại Huế trên bản đồ Storymaps và thuyết trình về chiến lược chuẩn bị cho trận Mậu Thân năm 1968. Sưu tầm những hình ảnh Huế, sông Hương bị tàn phá trong trận chiến đó.

Nhóm 2: Nghiên cứu về vẻ đẹp sông Hương ở góc nhìn văn hóa: Sưu tầm những hình ảnh, video giới thiệu về văn hóa đặc sắc của Huế gắn với sông Hương (thi ca và âm nhạc); Tìm những biện pháp để bảo tồn giá trị văn hóa tại Huế.

Lập bảng thông tin KWL (Know - Want – Learn) về sông Hương.

Yêu cầu học sinh truy cập vào đường link để xem bài học trên phần mềm Storymaps, thực hiện các nhiệm vụ học tập.

Học sinh thực hiện nhiệm vụ qua các công cụ tìm kiếm như Facebook, YouTube, Google. Học sinh chủ động lựa chọn hình thức trình bày sản phẩm của nhóm theo các hình thức sáng tạo như hướng dẫn viên du lịch, phỏng vấn, đóng kịch, chuyên gia.

Hai nhóm lần lượt cử đại diện báo cáo kết quả học tập. Sau đó các nhóm tiến hành trao đổi, thảo luận, nhận xét, phản biện về kết quả và phần trình bày của nhau.

Cuối cùng, giáo viên khái quát và chốt kiến thức thông qua bản đồ trình chiếu trên Storymaps Cascade để định hướng kiến thức cần đạt về thủy trình, vai trò lịch sử, văn hóa của sông Hương đối với Huế. Giáo viên trình chiếu bản đồ Storymaps https://www.arcgis.com/apps/Cascade/index.html?appid=e2ae5597236c43e4a89025ea25ac85c3 và kết hợp thuyết trình.

Về góc độ Địa lí: Thủy trình của sông Hương: Từ vùng thượng nguồn đến ngoại vi thành phố sau đó đến giữa thành phố Huế và trước khi từ biệt Huế.

Về góc độ Lịch sử: Sông Hương mang vẻ đẹp của một bản hùng ca ghi dấu bao chiến công oanh liệt của dân tộc.

Về góc độ Văn hóa: Sông Hương có khả năng khơi gợi nguồn cảm hứng mới cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà thơ.

Có thể nhận thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp cận và miêu tả dòng sông từ nhiều không gian và thời gian khác nhau. Ở mỗi góc độ nhà văn đều thể hiện một cảm nghĩ sâu sắc và khá mới mẻ. Đó là kết quả của một tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết, một niềm tự hào và thái độ trân trọng của nhà văn đối với những vẻ đẹp tự nhiên và đậm màu sắc văn hóa của dòng sông quê hương.

Khi sử dụng công nghệ Storymaps vào dạy học văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường học sinh đã bước đầu hình thành các hiểu biết về đặc trưng của thể loại ký trong việc phản ánh hình tượng. Qua việc sử dụng công nghệ Storymaps vào dạy học văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng  sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo hướng phát triển năng lực các em đã tự hình thành cho mình các năng lực chung và năng lực thẩm mĩ cơ bản cho quá trình chiếm lĩnh kiến thức và phát triển năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và tìm kiếm, khai thác thông tin mạng Internet.

Khi sử dụng công nghệ Storymaps trong dạy học, giáo viên cần phải xây dựng tiêu chí đánh giá Storymaps theo năng lực. Một Storymaps thành công được đánh giá trên các tiêu chí. Riêng đối với dạy học ký ở trường THPT theo định hướng phát triển năng lực, mọi tiêu chí đánh giá đều phải hướng đến việc hình thành các năng lực chung và năng lực thẩm mĩ đặc thù cho học sinh. Trong hệ thống các năng lực chung, cần chú ý bổ sung năng lực ứng dụng công nghệ thông tin như một điều kiện căn bản trong sử dụng Internet. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ