Tích hợp giáo dục địa phương vào bộ môn Ngữ văn: Hiệu quả qua dạy học dự án

GD&TĐ - Nhìn vào tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục địa phương là hoạt động quan trọng, bắt buộc, xuyên suốt trong các giai đoạn giáo dục.

Tài liệu GD địa phương môn Văn của Thái Nguyên. Ảnh: IT
Tài liệu GD địa phương môn Văn của Thái Nguyên. Ảnh: IT

Tích hợp chương trình giáo dục địa phương vào bộ môn Ngữ văn qua dạy học dự án là một hướng đi cần thiết để tạo nên cầu nối quan trọng, góp phần rèn luyện kỹ năng tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề của địa phương, khơi dậy cho học sinh nhiều hứng thú trong học tập môn Ngữ văn.

Hướng dẫn học sinh tạo ra sản phẩm học tập

Giáo viên có nhiệm vụ thực hiện các bước sau:

Bước 1: Mô tả bối cảnh chung

Nhận ra bối cảnh môi trường địa phương đặt ra những vấn đề bức thiết cần quan tâm, tìm hiểu, có thể đem lại những tác động tích cực về nhận thức và hành động. Đặc biệt chú ý bối cảnh tác động đến học sinh trong môi trường văn hóa, xã hội, lịch sử, kinh tế địa phương mà học sinh đang học tập, sinh sống.

Bước 2. Tìm và xác định vấn đề

- Xác định nội dung kiến thức có thể hình thành dự án

Tìm trong chương trình những bài dạy có nội dung liên quan đến các vấn đề đang diễn ra trong thực tế, có ý nghĩa thực tiễn tác động vào cuộc sống và môi trường xung quanh. Chẳng hạn, ở chương trình Ngữ văn lớp 10, các bài học rèn luyện kĩ năng nói và viết như: Văn thuyết minh, Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, Trình bày một vấn đề...; các bài học hướng tới nhận thức, tìm tòi và khám phá như:

Văn học dân gian với Ca dao than thân và yêu thương tình nghĩa, Văn học trung đại với Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Tựa “Trích diễm thi tập” (Hoàng Đức Lương), Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung)... Đó là những kiến thức bài học có thể vận dụng để kết nối với những vấn đề văn hóa, xã hội, lịch sử, giáo dục... của địa phương, giúp học sinh có cơ hội thể hiện suy nghĩ, quan điểm, bộc lộ những nhận thức và sáng tạo của bản thân.

- Đề xuất các giải pháp thực hiện

Các giải pháp đề xuất phải cụ thể, để định hướng nhiệm vụ và hành động trong và sau dự án cho học sinh. Về nhiệm vụ trong dự án, giáo viên yêu cầu học sinh tìm tòi, khám phá những đặc sắc của địa phương nơi mình sinh sống; tạo ra được những sản phẩm học tập để giới thiệu, trình bày. Sau dự án, giáo viên yêu cầu học sinh phải đưa sản phẩm ra cộng đồng để quảng bá, nhằm lan tỏa sâu rộng ý nghĩa của dự án.

Bước 3. Thiết lập dự án (xây dựng dự án sao cho phù hợp với nội dung, trình độ nhận thức, khả năng thực hiện của học sinh).

- Xác định mục tiêu của dự án về kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất.

- Xác định các phương pháp dạy học được sử dụng, ưu tiên sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề.

- Xác định đối tượng học sinh thuộc vùng, miền với những nét đặc trưng cụ thể.

- Đề ra các loại sản phẩm cần thực hiện gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương nơi học sinh đang sinh sống.

- Dự kiến tiến trình thực hiện dự án.

Bước 4: Triển khai dự án

- Giáo viên chia nhóm và giao sản phẩm cho từng nhóm. Sản phẩm nhóm phù hợp với đối tượng học sinh, có sự phân hóa theo năng lực, theo đặc điểm vùng miền mà các em sinh sống.

- Giáo viên dạy kiến thức bài học tích hợp và lồng ghép với các vấn đề thực tiễn ở địa phương được đặt ra.

- Giáo viên giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh. Khi thực hiện dự án, giáo viên yêu cầu học sinh lấy bối cảnh dự án, ghi chép số liệu, lưu hình ảnh minh họa từ môi trường địa phương để làm tài liệu.

Bước 5: Đánh giá và nghiệm thu sản phẩm

Giáo viên tổng kết, đánh giá bằng bảng đánh giá sản phẩm theo tiêu chí được thiết lập sẵn (các nhóm và giáo viên nhận xét, cho điểm). Khi đánh giá sản phẩm, giáo viên luôn chú ý đến sức tác động và lan tỏa của sản phẩm đối với cộng đồng.

Học sinh có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm tòi, tạo sản phẩm theo các bước:

Bước 1: Học sinh lập kế hoạch nhằm thực hiện những mục tiêu đã đề ra cho toàn dự án và mục tiêu cụ thể của từng nhóm.

- Thống nhất thời gian làm việc, phân công công việc cụ thể.

- Tìm kiếm những công cụ, phương pháp phù hợp tạo ra sản phẩm của nhóm.

Bước 2: Học sinh thực hiện hoạt động trải nghiệm, tìm kiếm môi trường thực tiễn, lấy hình ảnh, số liệu... từ địa phương, lập kế hoạch, ghi chép hoạt động trong Onenote.

Bước 3: Học sinh hoàn chỉnh sản phẩm, họp nhóm thảo luận chỉnh sửa sản phẩm, trao đổi với giáo viên để chỉnh sửa sản phẩm, giải quyết những nội dung còn vướng mắc.

Bước 4: Học sinh trình bày sản phẩm (các nhóm báo cáo kết quả, sản phẩm).

Bước 5: Học sinh đưa sản phẩm ra quảng bá và lan tỏa nhận thức và hành động.

Sản phẩm của học sinh không chỉ được công bố trong lớp học, trường học, mà thông qua mạng xã hội được sử dụng như một hình thức để quảng bá hình ảnh đẹp của địa phương, kích thích sự khám phá và trải nghiệm văn hóa trong cộng đồng, lan tỏa niềm tin về cuộc sống tốt, tạo dựng, khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc ngay tại quê hương.

Học sinh Trường THCS Âu Cơ (TP Nha Trang, Khánh Hoà) tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng. Ảnh nguồn: baokhanhhoa
Học sinh Trường THCS Âu Cơ (TP Nha Trang, Khánh Hoà) tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ ở xã Phước Đồng. Ảnh nguồn: baokhanhhoa

Giải quyết vấn đề từ môi trường thực tế

Để sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề từ thực tế địa phương trong dự án học tập, giáo viên có thể thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Xác định những vấn đề cần giải quyết từ thực tế địa phương.

Đó là những vấn đề gần gũi, có ý nghĩa thực tiễn. Trong quá trình dạy học, giáo viên tích hợp vào các bài học rèn luyện kĩ năng cũng như bài đọc hiểu văn bản để học sinh có cơ hội tìm hiểu và đưa ra cách nhận thức, nhìn nhận của bản thân trước những vấn đề thực tiễn đặt ra tại địa phương, từ đó biết cách phân tích để đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể.

Địa phương Nghệ An có nhiều vấn đề mang ý nghĩa thực tiễn, gần gũi với đời sống và rất đáng được giới trẻ quan tâm. Một số những vấn đề tại Nghệ An để giáo viên có thể đưa học sinh vào tình huống bộc lộ năng lực giải quyết vấn đề trong dự án học tập như:

Vấn đề Bảo tồn di tích lịch sử ở địa phương... tích hợp trong các tiết rèn luyện kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội. Vấn đề Dân ca ví dặm Nghệ An tích hợp vào chủ đề văn học dân gian. Vấn đề Phát triển văn hóa cộng đồng ở địa phương tích hợp với bài học Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, và các văn bản “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” (Trần Đình Hượu), “Một người Hà Nội” (Nguyễn Khải). Vấn đề Bạo lực gia đình tại địa phương tích hợp với văn bản “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), Văn nghị luận xã hội...

- Giáo viên có thể đặt các câu hỏi chính cần nghiên cứu hoặc tổ chức thảo luận để học sinh tự tìm kiếm những câu hỏi có vấn đề đặt ra để giải quyết. Ngoài trải nghiệm thực tế, giáo viên có thể hướng dẫn các nguồn tài liệu có thể tham khảo trên các trang báo địa phương hoặc trang mạng xã hội uy tín.

Bước 2: Giải quyết vấn đề

- Giáo viên tổ chức lớp học để nghiên cứu vấn đề: Chia nhóm, giao vấn đề, thống nhất các quy định về thời gian, phân công, trình bày, đánh giá.

- Các nhóm tổ chức nghiên cứu, thảo luận, kết hợp với hình thức trải nghiệm sáng tạo, tìm kiếm tư liệu, bối cảnh từ địa phương để giải quyết vấn đề và tiến hành xây dựng thành sản phẩm học tập trong mục tiêu đề ra.

- Các nhóm lựa chọn sử dụng hình thức phỏng vấn nhanh hoặc chậm, thu thập, tìm kiếm thông tin trong thực tiễn tại địa phương để giải quyết vấn đề; sử dụng sơ đồ tư duy hoặc cây tư duy, PowerPoint, Brochure... để trình bày vấn đề.

Bước 3: Đánh giá, tổng kết

Giáo viên đánh giá sản phẩm của các nhóm thực hiện dựa án dựa trên mức độ nhận thức và giải quyết vấn đề, đồng thời chú ý đến các giải pháp có ý nghĩa thực tiễn mang lại hiệu quả tác động của sản phẩm nghiên cứu với cộng đồng.

Chẳng hạn khi tổ chức dự án “Nét Nghệ”, giáo viên nêu vấn đề Dân ca ví dặm Nghệ An để một nhóm học sinh giải quyết. Nhóm học sinh sẽ tìm tòi, khám phá và giải quyết các vấn đề sau:

- Tìm hiểu nét độc đáo của Dân ca ví dặm Nghệ An.

- Tìm hiểu giá trị của Dân ca ví dặm

- Tìm hiểu thực trạng: Sự lãng quên và thờ ơ của giới trẻ Nghệ An đối với Dân ca ví dặm.

- Đưa ra giải pháp: Làm thế nào để bảo tồn và phát huy Dân ca ví dặm, nuôi dưỡng tình yêu của giới trẻ Nghệ An đối với tiếng hát của quê hương?

Nhóm học tập có thể sử dụng kĩ thuật phỏng vấn chậm, gặp mặt nghệ sĩ Nguyễn Thị Vân, một nghệ sĩ ví dặm ở Thanh Ngọc, Thanh Chương, ghi hình cuộc gặp gỡ và trao đổi với nghệ sĩ để giải quyết nhiệm vụ thứ nhất; sử dụng kĩ thuật sơ đồ tư duy để trình bày giá trị của dân ca ví dặm và đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy dân ca ví dặm; sử dụng kĩ thuật phỏng vấn nhanh, đối tượng là các học sinh trong trường học để khái quát thực trạng thái độ của giới trẻ Nghệ An đối với dân ca ví dặm. Sau khi đã giải quyết được những vấn đề trên, nhóm học tập sẽ thiết kế sản phẩm để trình bày trong buổi tổng kết, đánh giá dự án.

Trải nghiệm sáng tạo, mở rộng môi trường học tập

Khi tổ chức dự án học tập và sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề, một hình thức không thể thiếu để tăng tính kết nối với môi trường địa phương là trải nghiệm sáng tạo. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng môi trường văn hóa, lịch sử... ở địa phương để làm bối cảnh trải nghiệm; sử dụng tư liệu, hình ảnh, số liệu địa phương để làm dẫn chứng minh họa cho sản phẩm của nhóm.

Biện pháp thực hiện:

- Khi tiến hành dự án, giáo viên hướng dẫn học sinh hình thành các nhóm trải nghiệm, bao gồm: Nhóm hoạt động thực tiễn, nhóm nghiên cứu khoa học, nhóm hình thức nghệ thuật, nhóm diễn đàn.

Trong dự án “Dân ca ví dặm - tiếng hát quê hương”, tác giả đã chia học sinh thành các nhóm hoạt động như sau:

Nhóm hoạt động thực tiễn thực hiện một buổi gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ hát ví dặm. Nhiệm vụ của nhóm là soạn sẵn một số câu hỏi, đến ghi hình, chụp ảnh, đặt câu hỏi, tích lũy, ghi chép, viết báo cáo thu hoạch về những tri thức ghi nhận được từ buổi giao lưu.

Nhóm nghiên cứu khoa học sẽ thực hiện phiếu điều tra lấy số liệu cụ thể về mối quan tâm của giới trẻ hiện nay với Dân ca ví dặm trong trường học để khái quát thực trạng vấn đề.

Nhóm hình thức nghệ thuật sẽ tham gia nhiệm vụ biểu diễn một tiết mục dân ca ví dặm trong môi trường diễn xướng đặc trưng.

Nhóm diễn đàn sẽ tổ chức trực tiếp một diễn dàn thảo luận với chủ đề Làm thế nào để bảo tồn và phát huy Dân ca ví dặm? để tìm giải pháp cho vấn đề đặt ra.

Khi chia nhóm, giáo viên nên phân hóa học sinh theo năng lực của cá nhân để có được những hoạt động phù hợp với sở trường của các em.

- Tổ chức các buổi ngoại khóa, dã ngoại tham quan các địa chỉ văn hóa, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cũng là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo đạt được nhiều hiệu quả trong hoạt động dạy học theo dự án. Thông qua các buổi thực tế tại địa phương, những tình cảm tự hào, khát vọng sống tốt đẹp để tiếp nối truyền thống lịch sử của địa phương, quê hương của các em được bồi đắp và phát triển. Với những thu hoạch từ buổi ngoại khóa, học sinh sẽ có được nhiều bối cảnh, tư liệu để thực hiện sản phẩm của dự án.

- Kết hợp dự án học tập với các buổi Hoạt động ngoài giờ lên lớp để tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong môi trường học tập về ý thức và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Giáo viên có thể sử dụng một vài ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Ngữ văn, góp phần tích hợp hiệu quả chương trình địa phương trong dự án học tập như sau:

Microsoft office:

- Soạn kế hoạch dự án và tiêu chí chấm điểm các sản phẩm.

- Soạn bài giảng kết nối với các chủ đề của dự án.

- Soạn tài liệu tham khảo cho học sinh.

Gmail:

- Trao đổi công việc giữa giáo viên và học sinh.

- Gửi tài liệu cho học sinh tham khảo.

Google drive:

- Làm việc nhóm giữa giáo viên hướng dẫn và học sinh.

- Chấm điểm sản phẩm.

Facebook:

- Cập nhật thông tin và hình ảnh dự án.

- Đăng các sản phẩm của dự án.

- Thông báo kết quả.

Zoom: Tổ chức, hướng dẫn kết nối các nhóm.

Onenote: Hướng dẫn học sinh cách sử dụng Onenote để ghi nhật ký hoạt động của nhóm.

Brochure: Hướng dẫn học sinhcách làm Brochure để quảng bá sản phẩm của nhóm.

Photoshop, PhotoScape: Biên tập hình ảnh, thiết kế trong PowerPoint, Brochure...

Minmap: Lập sơ đồ tư duy, cây tư duy để khái quát, tổng kết.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản hướng tới thực hiện hoạt động tích hợp Chương trình giáo dục địa phương vào dạy học bộ môn Ngữ văn. Trên thực tế, các giải pháp có thể được kết hợp linh hoạt với nhau để hướng tới giải quyết một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn nảy sinh trong quá trình giáo dục.

Như vậy, tích hợp là một xu thế dạy học tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đổi mới giáo dục hiện nay, tạo nên mối liên hệ liên môn, liên ngành, xâu chuỗi những kiến thức bài học với kiến thức đa dạng trong cuộc sống. Trong dạy học tích hợp, để gắn lý thuyết với thực tiễn, tăng khả năng thực hành và ứng dụng, dạy học theo dự án trở thành một hình thức phát huy được nhiều ưu thế,  giáo viên cần đầu tư thời gian và tâm huyết để đem đến những trải nghiệm thú vị, kích thích sự chủ động và sáng tạo cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.