Công nghệ giáo dục là mảnh đất khởi nghiệp màu mỡ
Đầu tiên phải kể đến 2 dự án xếp thứ hai và thứ ba của hai nhà khởi nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Ân và Nguyễn Quỳnh Vân. Dự án CleverTube của Hữu Ân đạt giải thưởng 200 triệu đồng là một ứng dụng cung cấp các công cụ thông minh hỗ trợ người học tiếng Anh trên YouTube. Người dùng có thể sử dụng công cụ Video recorder và gương soi để so sánh khẩu hình miệng.
“CleverTube sử dụng trí thông minh nhân tạo cho phép người dùng học từ vựng bằng cách chỉ camera vào bất cứ từ tiếngAnh như trên biển báo hay văn bản tiếng Anh ngoài đời thực. CleverTube hoàn toàn sử dụng Machine Learning, Natural Language Processing để xây dựng data. CleverTube đã có trên hệ điều hành Android và sẽ phát triển cho hệ điều hành IOS”, Nguyễn Hữu Ân cho biết.
Dự án “Trang” - Educational video bank của Quỳnh Vân tập trung vào sản xuất và chia sẻ các video ngắn, dùng hình ảnh thật mô phỏng việc dạy và học các môn học tại trường như Toán và Lý, giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm thời gian, rút ngắn khoảng thời gian học tập một tiết kéo dài từ 45 phút giảm xuống còn 10 phút. Học sinh sẽ tiếp thu môn học nhanh hơn và giáo viên dễ dàng truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh. Hiện nay dự án đã sản xuất được hơn 200 video ngắn thuộc các chủ đề như Toán, Vật lý, Hóa, Sinh và Môi trường...
Gian hàng trưng bày sản phẩm của một startup |
Tinh thần khởi nghiệp lan tỏa trên nhiều lĩnh vực
Ngoài những dự án công nghệ hỗ trợ giáo dục, cuộc thi còn chứng kiến sự tham gia của các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới như Fintech, Edutech, Tự động hóa và Trí tuệ nhân tạo (AI)… Bên cạnh đó, các dự án nông nghiệp trở thành lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng vì những sản phẩm hữu cơ dễ dàng thương mại hóa với giá thành thấp.
Anh Trần Trung Kiên, nhà sáng lập và CEO của dự án Vision To Future, giới thiệu về dự án camera quan sát toàn cảnh cho ô tô. Dịch vụ này được cam kết cung cấp giải pháp giám sát hành trình rẻ hơn những dịch vụ tương tự sử dụng thiết bị nhập khẩu. “Hệ thống camera lắp đặt trên ô tô được điều khiển bằng phần mềm trên smartphone do công ty tự lập trình, có thể phát hiện những va chạm bất kỳ bằng cảm biến nhằm bảo vệ an toàn cho xe và người điều khiển”, anh Kiên cho biết.
Startup LaLas giới thiệu dự án hỗ trợ cộng đồng thông qua việc tạo ra một ứng dụng để những người có nhu cầu làm từ thiện có thể quyên góp tiền trực tiếp bằng việc xem quảng cáo. Anh Nguyễn Lê Thiện Nhân, trưởng nhóm phát triển ứng dụng LaLas, cho biết: “Khi người xem click vào quảng cáo chạy trên ứng dụng thì tiền từ nhà cung cấp quảng cáo Admob sẽ chuyển vào tài khoản của LaLas. LaLas hiện đang cộng tác với một số trường ĐH ở TPHCM để tìm kiếm những trường hợp cần hỗ trợ và giám sát trong suốt quá trình quyên góp”.
Bên cạnh đó, một số startup trẻ đem đến nhiều giải pháp hỗ trợ hữu ích, có tính thương mại hóa cao như ứng dụng BizHelp (vận hành quán trực tuyến), dịch vụ hỗ trợ rửa xe online, nước thảo mộc Golden Drinks, hệ thống nhận diện sinh trắc học,… Mặc dù không vào được vòng chung kết nhưng nhiều startup có triển vọng vẫn được các nhà đầu tư quan tâm và “đặt cọc” trực tiếp hàng chục triệu đồng.
Muốn khởi nghiệp phải có kiến thức, kỹ năng quản trị
Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch của Tri Tri Group, nhận định các startup hiện nay có những sản phẩm và dịch vụ rất sát nhu cầu của thị trường, có thể vận dụng tốt lợi thế công nghệ để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ông Chiến cũng lưu ý rằng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp mải mê với ý tưởng và sản phẩm mà chưa tìm ra những đối tác hợp tác nhằm bổ trợ khiếm khuyết và tự học hỏi để khắc phục hạn chế.
“Bản chất của việc kinh doanh ngoài tạo ra sản phẩm, dịch vụ thì cần phải có kiến thức, kỹ năng về quản trị mô hình kinh doanh và phát triển thị trường. Đây chính là điểm yếu của những startup trẻ”, ông Chiến cho biết.
Ông Lý Trường Chiến cũng cho rằng thị trường dành cho các startup đang ngày càng rộng mở, không chỉ giới hạn ở không gian của một quốc gia. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải có một hệ thống giáo dục khởi nghiệp chính quy để nuôi dưỡng tinh thần và định hướng chiến lược cho các bạn trẻ.