Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

GD&TĐ - Cũng như khu vực phía Nam, các tỉnh, thành ở miền Bắc bắt đầu ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh bùng phát chủ yếu ở khu vực đông dân cư, môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt, thời gian qua có một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết do D2 gây bệnh cảnh nặng.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Số mắc tăng 31%

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng 31% so với cùng kỳ 2014, với 21.000 ca mắc và được dự báo sẽ còn tăng trong các tháng tới. Số mắc cao tại một số địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa….

Tại Đồng Nai, cả tỉnh có gần 2.300 ca bệnh (tăng 116% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó có 2 ca tử vong. Theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 150 - 200 ca mới. 

Ổ bệnh tập trung ở khu vực đô thị, đông dân cư như khu công nghiệp, chiết xuất. Dịch SXH ở Sóc Trăng cũng đang tăng mạnh với hơn 957 trường hợp được chẩn đoán và theo dõi (tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 43 trường hợp mắc SXH nặng, không có trường hợp nào tử vong. 

Theo tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, bệnh bùng phát mạnh nhất là ở thị xã Vĩnh Châu với 567/957 trường hợp chẩn đoán và theo dõi mắc SXH. 90% bệnh nhân mắc SXH ở tỉnh này là trẻ em.

Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng bắt đầu ghi nhận trường hợp mắc SXH nặng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tháng 7 có 93 ca nhập viện do SXH, nhưng nửa đầu tháng 8 đã có 66 ca và khả năng số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Các bệnh viện Nhi Trung ương, Xanh pôn, Thanh Nhàn cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 900 ca mắc SXH. 

Bệnh chủ yếu ở người lớn, số mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%, tập trung chủ yếu ở các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện Thanh Trì. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số người mắc SXH nhập viện không nhiều nhưng đa phần bệnh nhân nhập viện muộn nên bệnh tình nặng. Nguyên nhân chủ yếu do người dân không biết mình mắc bệnh nên ở nhà tự điều trị.

Chuẩn bị đón đỉnh dịch

Điểm chung dễ nhận thấy ở các địa phương có nhiều người mắc SXH là mật độ dân số đông, ý thức vệ sinh môi trường của người dân kém. 

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, tình trạng nhiều hộ gia đình còn phản đối, không cho cán bộ y tế đến điều tra dịch tễ, phun hóa chất diệt muỗi, không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi trong gia đình có người mắc bệnh diễn ra thường xuyên. 

Bên cạnh đó, thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân (tích trữ nước nhưng không diệt bọ gậy, để lọ hoa lâu ngày không thay nước, vứt vỏ lon, chai nước ngoài vườn…) khiến tác nhân truyền bệnh SXH?có cơ hội phát triển và lây truyền bệnh. 

Lý giải tình trạng bùng phát dịch, bác sĩ Ngưỡng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến SXH bùng phát nhanh và có chiều hướng đi lên là do năm nay mưa nhiều và dày tạo điều kiện cho loài muỗi phát triển mạnh. Ngoài ra, dân ở quanh vùng bệnh còn thờ ơ với công tác dập dịch.

Theo dự báo của chuyên gia dịch tễ, cả nước đang bước vào mùa cao điểm của dịch SXH nên số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng. Do chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên khi bị sốt kéo dài người dân nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. 

“Người dân không nên tự điều trị ở nhà bằng kháng sinh bởi như vậy sẽ làm bệnh nặng thêm” - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Bộ Y tế vừa ghi nhận ca mắc SXH do D2, loại virus này thường gây bệnh cảnh nặng trong mùa dịch năm nay. Để phòng bệnh, người dân không nên chủ quan, nên mắc màn khi ngủ, đảm bảo môi trường sống trong và ngoài nhà luôn thông thoáng, không có chỗ cho muỗi trú ẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.