Sốt xuất huyết: Điểm nóng của dịch bệnh mùa mưa lũ

GD&TĐ - Theo chu kỳ, năm nay, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ quay trở lại. Tuy chưa đến thời kỳ cao điểm nhất nhưng với diễn biến như hiện nay, dịch sốt xuất huyết được nhận định có bất thường, đòi hỏi cả cộng đồng, chính quyền vào cuộc quyết liệt thông qua hành động cụ thể.

Sốt xuất huyết: Điểm nóng của dịch bệnh mùa mưa lũ

Điểm nóng mới

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc, có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 (44.859/14), số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng ba trường hợp. Số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Hiện dịch có mặt tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó 26 địa phương có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Cà Mau... Cũng theo ông Trần Đắc Phu, điểm bất thường của vụ dịch năm nay là điểm nóng của dịch bệnh không nằm ở các tỉnh phía Nam mà di chuyển ra phía Bắc với tốc độ gia tăng nhanh đến chóng mặt.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: Ghi nhận trong 10 năm trở lại đây dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 tử vong. Năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 đến 6.000 trường hợp mắc. Như vậy, tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 3 cả nước (sau TPHCM và Đà Nẵng). Tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội là 57,2 trường hợp/100.000 dân, đứng thứ 19 trong cả nước (đứng đầu là Đà Nẵng sau đó đến Bình Dương, Khánh Hòa và TPHCM…).

Bệnh nhân nhập viện tăng… chóng mặt

Tính đến thời điểm này, Hà Nội ghi nhận trên 6,6 ngàn ca mắc, 3 trường hợp tử vong. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có ca mắc. Sốt xuất huyết tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân. 40% số người mắc bệnh là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ.

So với cả nước, số mắc tại Hà Nội không nhiều nhưng tỷ lệ bệnh nhân vào viện và tử vong lại cao. Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận trung bình mỗi ngày 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và tỷ lệ mắc bệnh nặng phải nằm điều trị khoảng 20%. Do bệnh nhân nhập viện liên tục nên dù bệnh nặng, sốt cao nhưng nhiều người vẫn phải nằm chung giường.

Sốt xuất huyết tăng chóng mặt từng ngày cũng diễn ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khoảng 2 tuần trở lại đây số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh, với hơn 200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, tỷ lệ nhập viện trung bình 10 – 20%.

So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng 4 lần và nhiều ca diễn biến nặng nên dù đã tận dụng mọi chỗ để kê thêm giường nhưng vẫn không tránh được cảnh 2 - 3 bệnh nhân/giường. “Quan điểm của bệnh viện là ca nhẹ có thể hướng dẫn điều trị tại nhà, nặng hơn chút chuyển về tuyến dưới nhưng nhiều bệnh nhân nhất quyết xin nằm viện điều trị, chấp nhận nằm ghép. Thậm chí có bệnh nhân còn dọa cả bác sĩ vì không được nhập viện”, bác sĩ Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sở dĩ miền Bắc có số lượng bệnh nhân tăng nhanh do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Mặt khác, người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế…

Dự báo dịch bệnh tiếp tục tăng và kéo dài đến đầu năm 2018, do vậy, bên cạnh việc phòng chống thì công tác điều trị cũng rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc người dân đổ về tuyến trên chứng tỏ chưa tin tưởng tuyến dưới. Điều này đòi hỏi Sở Y tế các tỉnh phải phối hợp với bệnh viện tuyến cuối tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Với các bệnh viện tuyến trên cần phân loại bệnh nhân, tránh tình trạng biến bệnh viện thành ổ dịch như vụ sởi vài năm trước.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.