Vẫn nóng ở nhiều nơi
Giao mùa cũng là lúc nhiều dịch bệnh mùa thu đông tái xuất. Nếu như SXH chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở các điểm nóng và đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương thì tay chân miệng, viêm phổi, viêm não do virus bắt đầu xuất hiện với số mắc tăng từng ngày.
Số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, số bệnh nhân mắc SXH giảm khoảng 18% so với những tuần cao điểm. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, kết quả trên không bền vững bởi qua giám sát, muỗi truyền bệnh cũng như ổ bọ gậy vẫn tồn tại ở nhà dân. Khảo sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, có 30% đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả.
Tại những nơi đã phun hóa chất diệt muỗi như phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), trước phun hóa chất chỉ số muỗi là 0,23 con/nhà, sau phun chỉ số này trở về 0 nhưng sau 7 ngày thì chỉ số muỗi lại tăng lên 0,2 con/nhà. Chỉ số bọ gậy cũng ở trong tình trạng tương tự. Điều này chứng tỏ SXH mới tạm… hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại nếu không tích cực diệt muỗi và loại trừ bọ gậy để cắt đường lây truyền dịch.
Tại các địa phương khác, SXH có diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai ghi nhận trên 3.000 ca SXH nhưng có tới 3 trường hợp tử vong. Bệnh nhân chết vì nốt muỗi đốt gần đây nhất là công nhân 47 tuổi, được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai trong tình trạng sốt li bì, mệt mỏi, xuất huyết chân răng, nôn ra máu. Bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối.
Hải Phòng, Thanh Hóa cũng là địa phương có số người mắc SXH gia tăng. Hiện trên địa bàn Hải Phòng đã ghi nhận hơn 400 ca mắc, tăng gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước. SXH đã lan rộng tại 14/15 quận, huyện trên địa bàn. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cũng mới công bố ổ dịch SXH tại huyện Hoằng Hóa. Ổ dịch này xuất hiện sau ổ dịch thứ nhất tại huyện Tĩnh Gia vài ngày, có chung đặc điểm là bệnh nhân từ Hà Nội vê quê và mang theo mầm bệnh làm lây lan ra cộng đồng. Mặc dù được khoanh vùng nhưng công tác diệt muỗi, bọ gậy gặp khó khăn bởi tập quán và nghề chế biến nước mắm của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch
Ý thức người dân chưa cao, tập quán trong sinh hoạt và cả điều kiện sống ở khu nhà trọ của công nhân, sinh viên thấp… là yếu tố giúp muỗi truyền bệnh có nơi đẻ trứng, sinh trưởng thành muỗi. Theo khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dù số người mắc SXH có giảm nhưng các địa phương không thể chủ quan. Ra quân vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, đọng và khoanh vùng dập dịch cần được triển khai thường xuyên, liên tục.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang xem xét phương án đưa muỗi vằn Wolbachia hiện đang nuôi thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa) vào đất liền để tiêu diệt muỗi truyền bệnh SXH. Muỗi vằn Wolbachia được nước Úc cấy thành công vi khuẩn Wolbachia. Khi thả hoà vào tự nhiên, muỗi Wolbachia sẽ cặp đôi với muỗi SXH, từ đó truyền vi khuẩn Wolbachia cho muỗi bệnh, giúp hạn chế lây truyền SXH. Sau Úc, các nước Brazil, Trung Quốc và Việt Nam cũng đang thử nghiệm công nghệ này.
Ở nước ta, muỗi vằn Wolbachia được nuôi tại đảo Trí Nguyên và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc thả về đất liền cần được tính toán kỹ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Hiện Bộ đã cử chuyên gia về côn trùng học, lâm sàng và ký sinh trùng cùng chuyên gia y tế quốc tế đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội và một số điểm nóng về dịch bệnh, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể.
Tính đến đầu tháng 9, cả nước có trên 108.000 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Hà Nội ghi nhận trên 22.000 ca, 7 trường hợp tử vong.
Hiện số người mắc SXH tại Hà Nội có dấu hiệu chững lại nhưng các ổ bọ gậy lại có xu hướng gia tăng trở lại sau 1 tuần phun thuốc diệt muỗi, tổng vệ sinh môi trường. Điều này cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát trở lại nếu lơ là công tác phòng chống.