Sóng thần bí ẩn trên bãi biển Odessa

GD&TĐ - Ngày 27/6/2014 là một ngày đẹp trời trên Biển Đen ở Odessa (Ukraine). Hàng chục người đang nằm phơi nắng trên bãi biển. Đột nhiên, một con sóng cao 3 mét ào tới, tiến sâu lên bờ vài chục mét và cuốn theo mọi thứ trên đường đi.

Sóng thần khí tượng ở Odessa (hình ảnh do camera bãi biển ghi lại
Sóng thần khí tượng ở Odessa (hình ảnh do camera bãi biển ghi lại

Sau đó nước rút đi và kéo xuống biển hơn chục người. Rất may là lực lượng cứu hộ đã cứu được tổng cộng 15 người, trong đó 4 trẻ em và 2 người lớn phải nhập viện vì bị chấn thương. Bãi biển lúc đó trông như một bãi chiến trường với ngổn ngang ghế nằm phơi nắng bị gãy hoặc bị xô nghiêng.

Hiện tượng nói trên trông giống như cú tấn công của sóng thần, nhưng trong thực tế không có sóng thần xuất hiện, bởi các trung tâm địa chấn địa phương không ghi nhận được bất kỳ tín hiệu động đất nào có thể là nguyên nhân làm xuất hiện các đợt sóng biển cao.
Vậy hiện tượng đó là gì? Sóng biển cũng có thể hình thành do thiên thạch rơi. Tuy nhiên, nếu có thiên thạch rơi xuống đáy Biển Đen lúc đó thì các máy đo địa chấn cũng phải ghi nhận được các chấn động. Nhưng không có!

Điều này cũng phủ nhận luôn khả năng có bom vùi dưới đáy biển từ thời Thế chiến II đột nhiên phát nổ. Những con sóng cao như vậy chỉ có thể được bom nguyên tử gây ra.

Các chuyên gia đưa ra hai cách giải thích. Thứ nhất, sóng đó là do dịch chuyển đất dưới đáy biển gây ra. Thứ hai, có thể xuất hiện hiện tượng gọi là meteotsunami (sóng thần khí tượng). Lần đầu tiên, vào tháng 11/2008, thế giới mới nhắc đến meteotsunami, cho dù trước đó người ta đã quan sát thấy nó nhiều lần.

Lần này, do thiệt hại lớn nên các nhà khoa học mới đặc biệt chú ý đến meteotsunami. Thực ra hiện tượng này chỉ khác hiện tượng sóng thần ở nguyên nhân hình thành. Sóng thần bình thường là hậu quả của động đất mạnh dưới đáy biển. 

Ngược lại, meteotsunami hình thành khi có trung tâm áp suất thấp di chuyển với tốc độ cao trên biển. Những đợt sóng cao xuất hiện, đập vào bờ với tần số đặc trưng, sau đó quay trở lại nguồn rồi tiếp tục tiến vào bờ. Hiện tượng này giống như chúng ta đẩy một bát nước đầy, lúc về bên này, lúc về bên kia. Các ngọn sóng lần lượt phản hồi từ hai bờ đại dương đồng thời tự làm tăng chiều cao. Meteotsunami có thể kéo dài vài ba phút, cũng như vài ba giờ. Điều đó phụ thuộc vào hệ thống áp thấp hoặc đám mây giông cùng vận tốc di chuyển của chúng.

Trong trường hợp meteotsunami ở Ukraine, nguyên nhân gây ra sóng cao có thể là đám mây vũ tích, phát triển ở phía Nam Odessa mang theo mưa giông và gió bão. Hiện tượng này chứng tỏ sóng thần có thể xuất hiện bất thình lình và là mối nguy hiểm lớn đối với chúng ta.


Theo GW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ