Sông Mã hồn tôi

GD&TĐ - Không nhớ hết tôi đã viết bao nhiêu truyện, bao nhiêu bài thơ về dòng sông mang tên con Ngựa thần linh thiêng (sông Mã) nữa.

Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) bắc qua sông Mã. Ảnh tư liệu chụp năm 1905
Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) bắc qua sông Mã. Ảnh tư liệu chụp năm 1905

Không nhớ hết tôi đã viết bao nhiêu truyện, bao nhiêu bài thơ về dòng sông mang tên con Ngựa thần linh thiêng (sông Mã) nữa. Có thể kể “Huyền thoại sông Mã”, một truyện vừa dành cho thiếu nhi; trường ca “Bầu trời màu hoa gạo”, “Trường ca Ký ức phù sa cổ”.

Rồi một loạt bài thơ: “Sông Mã”; “Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta”; “Khi nào buồn ta lại ra sông”; “Bức tranh”; “Tự phá ra để chảy”; “Người đàn bà vùng sông Mã hát”… Về bút ký có: “Sông cháy”; “Một phía hoàn lưu bão”; “Ngã Ba Bông - Không gian mở một vùng văn hóa”…

Gần đây nhất là trường ca “Mạch đất hồn trống đồng”. Đó là những bài thơ, bài ký, trường ca viết trực tiếp về sông Mã. Còn những bài có nói về sông Mã, hoặc được lấy cảm hứng từ sông Mã thì không tính hết.

Quê tôi nằm ngay bên bờ sông Mã huyền thoại. Cái mênh mang, dào dạt, dữ dội, mãnh liệt, thơ mộng, hùng vĩ huyền bí của sông thấm đẫm vào hồn người quê tôi. Phù sa và nước mắt. Phù sa và máu. Làng quê và đất nước. Văn hóa và văn hiến. Truyền thuyết và lịch sử. Hào hùng và bi tráng. Dân ca và anh hùng ca. Tất cả thành âm vang ngọn sóng vỗ vào lòng tôi:

“Nâng hạt phù sa cổ lên tay

Nghe ba mươi vạn năm

vọng lời mạch đất

Biết tổ tiên lần đầu tìm ra lửa

Biết tổ tiên chụm đá vào nhau

làm bếp làm kiềng

(…)Trăm gia phả cùng chung

huyết thống

Nên liềm hái cùng cong một kiểu

Chẳng khác tra cán cuốc cán cào

Cùng cầm đũa tre cùng hút

thuốc lào

Cái vại cái chum có vèo cau

hứng nước

(…) Làng nảy lộc đâm chồi

trên phù sa cổ

Ăm ắp nghĩa tình mạch đất

mấy nghìn năm”…

Sông Mã chảy qua Cửa Hà, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Sông Mã chảy qua Cửa Hà, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Minh Khiêm

Không biết ai mang hồn quê ra bể. Không biết ai mang khát vọng lên nguồn. Tôi là đứa trẻ sơ sinh trước dòng sông hàng nghìn năm tuổi. Ba mươi sáu bến thương, mười hai bến nhớ là đâu? Khúc nào chèo mở lái ra? Khúc nào quay mũi? Khúc nào mắc cạn? Khúc nào buông neo?

Khúc nào trăng lên thoả lòng trai gái? Khúc nào hợp lưu? Khúc nào giã bạn? Không minh định. Không rạch ròi. Lồng trong nhau. Quện trong nhau. Như nốt nhạc và lời hát. Như thêu hoa. Như dệt gấm. Da diết. Đằm thắm. Trữ tình. Trái tim phải bật thốt lên:

“Lạ thay cái đất làng mình

Bỏ quên sợi tóc cũng thành ca dao!

Lá răm lả yếm cầu ao

Trai làng chạm phải say

bao nhiêu đời!

(…) Lạ thay cái đất làng mình

Kẽo kà kẽo kẹt mà thành

nghìn năm!

Người thành danh, kẻ lỗi lầm

Không ai lạnh lẽo

trong tâm hồn làng”…

Dòng sông mạch đất tưới đẫm hồn tôi nhân nghĩa, nhân văn, nhân hậu, nhân ái. Sống cùng lá han lá nén mà không ngứa. Bên cạnh lá ngón mà không độc. Ngồi dưới bóng chanh bóng khế mà không chua. Hái ớt mà không cay. Cầm gai găng gai bưởi gai bồ kết mà không đâm bị thóc chọc bị gạo.

Đất quê, truyền thống quê, văn hoá quê, lịch sử quê luyện lọc vào tâm hồn người quê cái tinh chất làm người cao cả, trọng nghĩa, lịch thiệp, hướng thiện. Cái dữ dội của sông, cái mãnh liệt của sông, cái lắng xuống của sông, cái trong vắt mở ra bờ bãi của sông thành triết lí sông của người quê tôi:

“Phù sa nén giữ sóng xô

Cho làng xóm mọc, cho bờ tre xanh

Tóc thơm hương bưởi hương chanh

Lời ru đằm ngọt nghĩa tình

nghìn năm

Trầu cau mùng một hôm Rằm

Thành diều lộng gió,

thành tằm nhả tơ”.

Mở hạt phù sa thấy cả nghìn năm. Mở hạt phù sa thấy sao dời vật đổi. Mở hạt phù sa thấy các triều đại thăng trầm:

“Mấy lần sử đã sang trang

Kinh đô, thành quách,

ngai vàng đổi thay

Cái tan thành khói thành mây

Cái chìm sâu dưới đất dày phù sa”

Gối đầu lên hạt phù sa, ca dao tục ngữ hiện về, cổ tích hiện về, thần thoại, huyền thoại hiện về, nguồn cội hiện về. Nó nói với ta những điều trong lồng xương ống máu. Nó nói với ta những điều nghìn năm tích cóp. Có tiếng rung thành chuông thành khánh. Có tiếng rung bằng con tim khối óc. Ta nghe bằng cái giá cuộc đời. Ta nghe bằng nỗi đau nhân thế. Ta ngẫm nghĩ bằng thác, bằng ghềnh. Và ta hiểu:

“Củ sấm củ sen từ cổ tích bước ra

Làng rong róc chảy

trong xương trong thịt

Cây cỏ đất đai qua bao lần tiệt diệt

Cái hái cái liềm từng giọt máu

hiện lên

Giọt máu làng thành tuổi

thành tên

(...) Sông Mã hát qua thác ghềnh

khắc nghiệt

Gọi sông Chu sông Bưởi

sông Luồng

Gọi Ba Bông, Cửa Hà, La Hán,

Pù Luông

Gọi bến Trường Châu,

gọi Suông Màu, vụng Vực

Gọi thành Nhà Hồ, gọi Vạn Lại,

Lam Kinh

U trếu gốc đa chép sử thi làng

Chân lạc cội nguồn về tìm

nơi tránh bão”

Một số đầu sách của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm. Ảnh: NVCC

Một số đầu sách của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm. Ảnh: NVCC

Thấm vào lòng người cái tên Bến Đá, Ngã Ba Bông, Cửa Hới, Lạch Sung, Lạch Bạng, Lạch Trường. Chạm vào cói Nga Sơn. Chạm vào chum vại làng Hương, làng Hạc. Ta buông neo vào cái thuở trăm năm nghìn năm. Trăng lả vào dải yếm người con gái vo gạo bến sông quê. Yếm lả vào đò dọc. Đò dọc xuôi Nam ngược Bắc.

Bà Triệu chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ. Hồ Quý Ly chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ. Các chúa Trịnh chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ. Các chúa Nguyễn từ Kinh thành xứ Huế về Gia Miêu tế Tổ chỉ gươm lên trời biếc đọc thơ: “Không có máu thì các thày địa lý không có cách nào tìm ra thế núi hình sông rồng cuộn hổ ngồi/ Không có máu thì không có cách nào tìm ra huyệt đất phát vương phát tướng”.

Mấy chục điệu hò sông Mã dội vào tuổi thơ tôi, dội vào giấc mơ tôi, dội vào trí tưởng tượng của tôi từ ký ức ông bà. Dưới ánh trăng làng, dưới nắng làng, dưới lũy tre cánh cò vỗ một nắng hai sương, những điệu dân ca Đông Anh: “Lên chùa bẻ một cành sen, Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng thơm vào giọt sữa mẹ tôi”.

Những chuyện Bà Triệu, Lê Hoàn, những chuyện hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, chuyện Mai An Tiêm gửi dưa từ hoang đảo, chuyện Lý Nhân Tông về bái đền Đồng Cổ chảy vào ký ức tôi.

Nhìn hạt phù sa thấy Lang Cun Khương, Lang Cun Cần đi chặt cây Chu Đá Lá Chu Đồng dựng nhà trăm gian mở Mường Trời, Mường Đất; thấy ông Bùng gánh đồi gánh núi; thấy Thần Độc Cước phân thân; thấy Hồ Quý Ly xây thành; thấy Trần Khát Trân bị chặt đầu không chết. Rồi phương ngôn, phương ngữ đồng dao cà Giáng, dưa Lê, chè lam Phủ Quảng, Cam Giàng, vịt Trạc Nhật, mía Kim Tân... thấm mãi vào tôi.

Hồn tôi là hồn sông Mã. Tôi có một niềm tự hào về cái lý lịch trích ngang của mình:

“Nắm nhau tôi chôn góc phù sa

sông Mã

Trăm thác nghìn ghềnh

cuộn xoáy vào tơ

Làng cong xuống dáng tre già

trước tuổi

Tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ”

Không đâu, không nơi nào trên cái dải đất ken dày các di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, có di tích được công nhận là Di sản Văn hóa lịch sử thế giới lại cho ta hiểu sâu sắc bản lĩnh anh hùng quật cường bất khuất, sức sống mãnh liệt, ý chí sắt đá, truyền thống vẻ vang của người xứ Thanh bằng sông Mã. Nâng hạt phù sa:

“Ta nghe trong màu xanh biếc

của lá dâu

Có tiếng nói của ông cha ta

bốn nghìn năm vọng lại

Ta nghe từng hạt cát vàng trên bãi

Có tiếng gươm khua thuở trước

chống ngoại xâm

Nghe nước đi trong mạch đất

âm thầm

Có cả tiếng voi gầm và ngựa hí”

Nhưng cũng không đâu cho ta hiểu cái gian lao vất vả đến khốc liệt đối với con người xứ Thanh bằng sông Mã:

“Con hến con trai một đời nằm lệch

Lấm láp đất bùn đứng thẳng

cũng nghiêng!”

Khốc liệt đến mức “Chiếc liềm nhỏ không còn nơi cắt chấu/ Gặt hái xong rồi rơm rạ bó nhau”. Đối với người ở một nơi khác nghe điệu hò sông Mã đơn giản chỉ là tiếng dô khoan dô huầy, chỉ là tiếng dô tả dô tà. Nhưng ai là người quê Thanh đều thấm đến xương đến tủy. Câu hát mở ra đẫm hai phần mồ hôi nước mắt, còn một phần là xương máu ông cha.

“Đất điểm chỉ dấu chân

khuyềnh đạp sóng

Dô tả dô tà xô vẹo sườn đê

Gỡ huyền thoại nghìn năm

trong mắt lưới

Tục ngữ ca dao lột mưa nắng

hiện về”.

Chính dòng sông Mã đã tạo nên con người xứ Thanh yêu như Thủy Tinh, bảo vệ hạnh phúc như Sơn Tinh. Cứ sau mỗi lần trắng tay, chiếc sào mồ hôi lại cong hơn đẩy con thuyền bốn mảnh Xuân - Hạ - Thu - Đông nặng trĩu lo toan ngược gió. Giọng hát như có thần có thánh:

“Hồn sông từ hương khói bước ra

Đàn sáo song loan nhập vào

hương khói

Dô khoan dô huầy!

Bè tôi qua mười bảy con thác

Tình tôi đẫm mười hai điệu hò

Giậm ván giậm thuyền vào nỗi nhớ

(…) Dô khoan dô huầy!

B52 dải thảm làn ai

Thần sấm, con ma huỷ diệt

sông Chu, sông Mã

Tình người xứ Thanh vượt bể

Tình người xứ Thanh lên ngàn

Dô khoan gạo ra tiền tuyến

Dô khoan đạn lên nòng

(…) Dô khoan dô huầy!

Người Thanh Hóa bước xuống

từ đá vọng phu

Người Thanh Hóa bước ra

từ hòn trống mái

Thành chim hạc bay trên

mặt trống đồng”

Mấy chục điệu hò chưa khô bùn lại bấm sâu vào cốt cách gái trai. Người quê tôi mang số phận mình chắn sóng. Kỳ quan của hạt thóc là những con đê sừng sững. Yêu nhau, thương nhau thành niêu cơm Thạch Sanh trong lũ, trong đau thương trận mạc. Người quê tôi không có triết lý gì cao sâu thâm thúy to tát.

Sống rồi yêu. Sống rồi xả thân vì nhau. Sống rồi thành đồi thành núi. “Rít chung một điếu thuốc lào/ Bao nhiêu dòng họ bện vào thành quê”. Chống rạ rơm lên, dáng người nào cũng mang dáng Sơn Tinh. Nhiều khi làng không có lá lành đùm lá rách. Cả quê Thanh lá rách hóa lá lành. Sức mạnh tiềm ẩn ở đó. Sức mạnh nhân lên ở đó. Sâu rễ bền gốc ở đó.

Lam lũ thấm vào đất. Đau thương thấm vào đất. Hy sinh thấm vào đất. Những cái giá đắt nhất cuộc đời thấm vào đất. Có lẽ vì thế đất chỗ nào cũng có huyệt linh thiêng:

“Nhổ cây rau má cổng làng

Bao nhiêu lọng tía tàn vàng

lung lay

Quần nâu cởi vắt đáp cày

Thế mà vững chãi thành này

lũy kia”

Nhiều người bạn thơ từ Nha Trang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh hỏi Thanh Hóa ra răng anh? Tôi nói vui:

“Cứ về Thanh Hóa một lần

Thì em hiểu hết người dân xứ này

Vì sao hát lại dô huầy

Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang

Vì sao đi cấy sáng trăng

Vì sao hạt cát cũng vang

trống đồng

Đâu cũng Thần Núi, Thần Sông

Đâu cũng truyền thuyết thêu trong dệt ngoài”… Em sẽ hiểu được mảnh đất: “Đá mài mực, đá ăn thề/ Yêu nhau mang cả biển về rửa chân”.

Sông Mã đã cho tôi giàu có về sức mạnh, tình yêu, nghị lực, lẽ sống, bản lĩnh, truyền thống, văn hóa, tâm thức, tâm linh và tâm hồn. Sông Mã hồn tôi. Có lẽ vì thế:

“Khi nào buồn ta lại ra sông

Thả hồn xuống nghe từng con sóng hát

Nghe hạt phù sa đầu thai trong mạch đất

Tượng hình lên chim hạc trống đồng

Ai đề thơ trên vách đá hang Rồng

Ai thả nhạc lên đỉnh cao núi Ngọc

Ta được mở cả nghìn năm ra đọc

Cuống nhau truyền đời trước

nối đời sau”

Và: “Khi nào buồn ta lại ra sông

Để từng giọt máu được căng buồm

lộng gió

Nghe hồn quê vang điệu hò

sông Mã

Tiếng huầy dô lún cả đôi bờ”.

Qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, vật đổi sao dời, qua bao nhiêu bom đạn khốc liệt của kẻ thù dòng sông Mã với sức sống mãnh liệt ngàn năm triệu năm vẫn là biểu tượng tinh thần, nghị lực, sức mạnh, tâm hồn của người quê tôi. Sông Mã vẫn trong tình yêu, tâm khảm, ký ức, hơi thở, máu thịt của tôi. Lúc nào tôi cũng thấy:

“Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta

Sợi dây đàn căng từ thời tiền sử

Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta

Chiếc khăn cũ mèm lau mồ hôi hết thế hệ này sang thế hệ khác...”. Lịch sử, quá khứ, hiện tại, tương lai, truyền thống, niềm tự hào, kiêu hãnh, sức sống bất khuất… không lúc nào sông Mã không vọng dội trong nhịp tim tôi. Những lúc một mình, trong thẳm sâu tôi thầm gọi, thầm thốt lên: “Ôi dòng sông, dòng sông mênh mông như lòng mẹ

Giọt phù sa mặn mòi

như giọt nước mắt khổ đau

Ta nghe trong màu xanh biếc

của lá dâu

Có tiếng nói của ông cha ta

bốn nghìn năm vọng lại

ta nghe trong từng hạt cát vàng

trên bãi

có tiếng gươm khu thuở trước

chống ngoại xâm

Nghe nước đi trong mạch đất

âm thầm

Có cả tiếng voi gầm và ngựa hí”…

Phù sa sông Mã kết tinh thành cuộc sống đời tôi. Tinh hoa, tinh chất sông Mã nuôi lớn hồn tôi. Cái dữ dội, cái mạnh mẽ, cái bạo liệt, cái cuồng phong bão lũ của sông Mã hun đúc thành ý chí, nghị lực, cốt cách của tôi. Tôi yêu dòng sông này. Chỉ cần chạm tay vào giọt nước dòng sông thì tất cả cuồn cuộn tuôn trào:

“Cát cựa mình huyền thoại

chảy dưới chân

Lòng biển mở ra từ vỏ sò vỏ ốc

Nâng hạt phù sa

mở triệu năm ra đọc

Hồn đất hồn người

hiện từ cửa sông lên”.

Thịt da tôi ngân lên tiếng hát. Sông Mã ơi! Sông Mã hồn tôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ