Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường cùng với các đợt sóng lớn làm cho bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và tuyến ven biển thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ bờ biển.
Bao cát chắn sóng ở Cửa Đại, TP Hội An bị hất văng. |
Bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sau thời gian triển khai kè mềm bằng bao vải địa, những ngày qua sạt lở lại tiếp diễn. Đoạn sạt lở dọc bờ biển khoảng 200m, từ khách sạn Hội An Beach đến giáp dự án khách sạn Marriott Hội An.
Nhiều bao vải địa chứa cát kè sóng trước đây đã bị sóng biển xé toạc; nhiều bức tường kè chắn và bậc cấp dẫn từ nhà hàng xuống bãi biển bị đổ sập. Một số đoạn bị nước biển xâm thực hơn 5m khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của gần 10 nhà hàng nơi đây bị ngưng trệ. Một người dân ở đây cho biết, năm nay ít có mưa to, gió lớn như các năm trước nhưng cũng đã xuất hiện các đợt sóng lớn, cao hơn 1 mét đánh mạnh vào bờ.
Tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh vào cuối tháng 12 năm 2018, kết hợp với thủy triều dâng cao hơn 1m, gió trong bờ cấp 6 cấp 7, giật cấp 8 nên sóng vượt qua tuyến đê chống sạt lở khẩn cấp, gây sạt lở một số điểm.
Đoạn kè mềm có nguy cơ bị hất tung. |
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, do sóng lớn nên hiện tại chưa thể triển khai các giải pháp xử lý khẩn cấp. Bờ biển Cửa Đại hiện có 2 tuyến kè cứng với tổng chiều dài hơn 800m ở phường Cửa Đại, 2 đoạn kè cứng này khá an toàn. Đối với tuyến kè mềm, tuy đã được tạo bãi tự nhiên lẫn nhân tạo và có kè mềm nhưng qua mỗi mùa mưa bão, bờ biển lại tiếp tục bị xâm thực.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm, những năm qua, tuyến kè Cửa Đại được đầu tư hơn 78 tỷ đồng từ các nguồn của Trung ương và địa phương, chưa kể các doanh nghiệp khách sạn tự đầu tư nhưng tình trạng sạt lở vẫn cứ tiếp diễn.
“Nếu kè cứng toàn bộ 7 km bờ biển Cửa Đại thì Hội An sẽ mất bãi. Đó là nguy cơ rất là lớn. Nếu có một giải pháp để vừa bảo vệ bờ biển không sạt lở nữa, có khả năng tái tạo lại bãi thì đó là mong muốn và mơ ước của chính quyền và người dân thành phố”, ông Thế Hùng nói.
Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, sóng biển cũng uy hiếp tuyến ven biển ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Cả một nền móng bê tông của dãy nhà hàng Danabeach bị nước biển cuốn trôi, sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua, cùng với lượng nước từ cửa xả Mỹ An chảy xối xả ra biển đã cuốn phăng cả thành bê tông bảo vệ cửa xả này.
Từng đợt sóng lớn táp vào bờ gây sạt lở. |
Ông Trần Thanh Thiên, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng ven biển Danabeach cho biết: “Tiếp tục như này, tôi rất là lo lắng vì với mức độ hiện tại không thể xử lý được và với mức độ xâm thực càng nặng, ảnh hưởng nhiều hơn nữa”.
Tình trạng nước biển xâm thực tại tuyến biển phía Đông thành phố Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng. Hiện một số nhà hàng phải đóng cửa. Ở những vị trí sạt lở nguy hiểm, các chủ nhà hàng không cho nhân viên đi lại. Trong khi đó, tại khu vực cửa xả Mỹ An cũng bị sạt lở nặng do mưa lớn. Trước tình hình này, lực lượng chức năng tích cực triển khai các giải pháp khắc phục sự cố.
“Công ty huy động cả lực lượng bộ đội, đoàn thanh niên, công nhân công ty…; đồng thời sử dụng các phương tiện để chuyển lượng đá lớn xuống làm sao có thể kịp giữ bờ biển ngay từ đêm qua, đến sáng nay tiếp tục hoàn tất hệ thống ở đó và vệ sinh tất cả các cửa xả ven biển”, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết.