Song hành 'sinh - dưỡng'!

GD&TĐ - Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 sẽ có nhiều thách thức.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 1,5 triệu doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 31/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, mục tiêu là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế...

Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 đạt khoảng 55% và đến năm 2030 là khoảng 60 - 65%; có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Thực hiện mục tiêu này, chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.

Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc đặt mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 sẽ có nhiều thách thức và để thực hiện được đòi hỏi phải có sự nỗ lực tối đa.

Bởi một dẫn chứng cụ thể là hiện cả nước mới có hơn 786.000 doanh nghiệp tư nhân - không những không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà còn cách rất xa con số 1,5 triệu vào năm 2025. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thực sự là động lực.

Ở góc nhìn khác, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, quý I/2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động chỉ đạt gần 57 nghìn, giảm 5,4% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại lên tới hơn 60,2 nghìn, tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Còn theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 35% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo, tức có khoảng 65% doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng quy mô. Về hiệu quả kinh doanh, chỉ có gần 43% doanh nghiệp tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với con số 63% của năm 2019...

Những “dữ liệu” trên cho thấy, để đạt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, và xa, rộng hơn là để các doanh nghiệp này phát triển, cần có giải pháp đồng bộ. Đó là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là cơ chế, chính sách để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần giải quyết các vấn đề về hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Giải quyết những vấn đề về năng lực cạnh tranh, tình trạng thiếu vốn…

Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Có như vậy, mới đầy đủ và song hành cả hai yếu tố “sinh - dưỡng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.