Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, việc này có ý nghĩa cần thiết giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình. Do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất thiết thực và quyết liệt.
Thời điểm hiện tại, việc hạ lãi suất cho doanh nghiệp là một trong 8 chính sách NHNN triển khai liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó bao gồm:
Một là, việc điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỉ giá. Đấy là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất đã được triển khai tích cực.
Hai là, tạo dư địa của lượng tín dụng năm nay, dự kiến là 14,5%, cho việc khôi phục nền kinh tế cũng như tăng trưởng.
Ba là, luôn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.
Bốn là, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu qua những chỉ đạo, điều hành hiện nay. Tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản hiện nay rất cao (9,78%) trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24% tính đến thời điểm hiện nay.
Năm là, gói 120 nghìn tỷ cho bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Sáu là, giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm.
Bảy là, chỉ đạo tất cả các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cuối cùng là chính sách giảm lãi suất.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành. “Trong thời gian rất ngắn, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, việc quyết định giảm lãi suất điều hành vừa tạo thông điệp, vừa tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong vấn đề giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Trong thời gian tiếp theo, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hạ lãi suất dựa vào đánh giá tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế, đồng thời sẽ đưa ra định hướng cụ thể cho các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc cũng đưa ra những con số thể hiện sự lạc quan cho nền kinh tế như: lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 1 - 1,2%, còn lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng ở các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có biên độ giảm tích cực hơn, lãi suất huy động giảm 1 - 1,5%, còn lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2%.
Theo thống kê của NHNN, lãi suất bình quân của các khoản tiền gửi mới là 6 - 6,1%, còn lãi suất những khoản tiền cho vay mới là khoảng 9 - 9,2%. Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất khá tích cực trong thời gian vừa qua.
Đối với việc còn một số tổ chức tín dụng còn cho vay mức lãi suất cao, NHNN đã xem xét, can thiệp, chỉ đạo, và tùy theo năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra cách tính lãi suất riêng nhưng có tính thống nhất của toàn hệ thống ngân hàng.
"Vừa qua tại hội nghị ngày 25/4 để triển khai Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, chúng tôi đặt ra vấn đề với các ngân hàng còn cho vay cao. Một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất.
Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình và có tính thống nhất chung, đã được xem xét đánh giá. Thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm: 3 tháng đầu năm và trong tháng 4 vừa qua. Đây cũng là một trong những định hướng rất tích cực", Phó Thống đốc nói.