Sống động những tiết học nhờ công nghệ

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học đang được Bộ GD&ĐT cùng các sở, ban, ngành thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ, đặc biệt với môn học vốn được coi là khô khan, dễ nhàm chán như Lịch sử. Thay vì nghe giáo viên tường thuật về diễn biến các sự kiện, học sinh được học thông qua video clip tái hiện câu chuyện cụ thể.  

Sống động những tiết học nhờ công nghệ

Thay bảng đen bằng hình ảnh sinh động

Với mục tiêu tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, nhất là vận dụng tiến bộ công nghệ thông tin vào giảng dạy, năm học 2018 - 2019, nhiều trường phổ thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bắt đầu tiếp cận và đưa vào ứng dụng Phần mềm thiết kế bài giảng môn Lịch sử Smartschool. Phần mềm bao gồm hệ thống giáo án điện tử, thư viện số lịch sử cùng bộ công cụ kĩ thuật hỗ trợ hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đã có 496 trường thuộc 30 quận, huyện, thị xã với 1.729 giáo viên ứng dụng phần mềm dạy học lịch sử này. Việc ứng dụng phần mềm đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong việc đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử, đặc biệt thể hiện trong kết quả môn Lịch sử Kỳ thi THPT 2019 vừa qua.

Cô Trần Thị Hoa Ban, GV Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, cho biết: Trước đây khi soạn bài, giáo viên thường lên mạng để tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, lược đồ và video để tích hợp vào bài giảng, phải sử dụng các phần mềm hỗ trợ như photoshop, cắt video hoặc tự dựng video. Việc làm này rất mất thời gian, tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa cao. Từ khi GV được tham gia tập huấn sử dụng Phần mềm thiết kế bài giảng Smartschool trong dạy học, việc truyền thụ kiến thức Lịch sử cho học sinh cũng sinh động và dễ dàng hơn, đáp ứng yêu cầu phát huy phẩm chất năng lực của người học.

Với nguồn tư liệu dồi dào, hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ, biểu đồ phong phú, linh hoạt, thiết kế khá bắt mắt, dễ nhìn, đặc biệt là hiệu ứng đồ họa rất tốt, mỗi bài giảng trở nên phong phú, hấp dẫn, tạo sự hứng thú cho học sinh trong việc học môn Lịch sử.

Cũng đồng tình với quan điểm đó, thầy Lê Tiến Nhật, GV Trường THCS Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, chia sẻ: “Phần mềm thiết kế bài giảng Smartschool môn Lịch sử phong phú về hình thức và nội dung, đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi mong muốn trong năm học tới sẽ tiếp tục được ứng dụng phần mềm Smartschool vào dạy học môn Lịch sử”.

Kiến thức mở rộng - học sinh hứng thú

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường, giáo viên đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; chú trọng phát triển năng lực lịch sử cho học sinh như phát hiện và giải quyết vấn đề, sử dụng các phương tiện trực quan; khai thác các nguồn sử liệu, phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học Lịch sử suốt đời; kết hợp các hình thức dạy học để khám phá lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Thực hiện chủ trương đó, năm học 2018 - 2019, nhiều địa phương trên cả nước đẩy mạnh ứng dụng Phần mềm thiết kế bài giảng Smartschool trong việc đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá đối với môn Lịch sử.

Nhiều thầy cô giáo ở những ngôi trường vùng nông thôn, vùng khó khăn cũng đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả vào hoạt động giáo dục. Cô Y Lộc, GV Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum cho biết: Tu Mơ Rông là huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên cả nước. Trong đó, Ngọc Yêu lại là một trong những xã nghèo nhất của Tu Mơ Rông.

Với các thầy cô giáo nơi đây, khó khăn chủ yếu là phần tìm kiếm tư liệu dạy học Lịch sử. Trước đây, đa phần GV dạy theo hướng bám sát SGK, sử dụng tư liệu lịch sử còn hạn chế. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận CNTT cũng như cho học sinh tiếp nhận phương pháp dạy mô hình học tập mới. Tuy nhiên, giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, đa phần các em HS là người dân tộc thiểu số, chưa được tiếp cận nhiều với CNTT. Từ khi GV triển khai dạy học bằng phần mềm Smartschool, các em hứng thú trong việc học tập; đặc biệt thấy rõ được sự thú vị của học sinh khi theo dõi các hình ảnh và clip.

Cô Phùng Thị Xuân – giáo viên Trường THCS Quang Phục (Tứ Kỳ - Hải Dương) cũng cho rằng: Ứng dụng CNTT trong dạy học đã góp phần đổi mới phương pháp dạy – học môn Lịch sử theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học, dễ dàng và thuận tiện cho giáo viên trong việc thao tác và sử dụng. Cách liên kết các đơn vị kiến thức mở rộng với nội dung bài học rất nhịp nhàng, thuận tiện cho người sử dụng. Giáo viên có thể chỉnh sửa bài giảng để phù hợp hơn với đối tượng học sinh và nguồn tài liệu khác mà giáo viên muốn bổ sung. Hình thức giáo án bảo đảm tính thẩm mỹ, thu hút được sự chú ý của học sinh.

Nội dung giáo dục Lịch sử  trong Chương trình GDPT mới được chú trọng nhằm giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại. Một cách dạy – học mới để môn Lịch sử sinh động, hấp dẫn hơn qua ứng dụng CNTT càng trở nên thiết thực. Đây cũng là nền tảng để xây dựng và đổi mới phương pháp giảng dạy đối với những môn học khác trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.