Mô hình trường học đặc biệt:Thành công hơn mong đợi

GD&TĐ -  Từ việc xây dựng thành công mô hình giáo dục đặc thù, trong nhiều năm qua chất lượng giáo dục Lào Cai có bước chuyển biến, thành quả đáng ghi nhận. Những sáng kiến giáo dục “đặc biệt” này cũng gợi mở cho không ít địa phương có chung điều kiện như Lào Cai về một cách làm, hướng đi trong tổ chức hoạt động, đổi mới phương pháp, mô hình quản lý…  giáo dục hiệu quả.

Giúp HS ứng dụng kiến thức trên sách vở vào cuộc sống. Ảnh: T.G
Giúp HS ứng dụng kiến thức trên sách vở vào cuộc sống. Ảnh: T.G

Dấu ấn riêng

Lào Cai là một tỉnh có trên 70% học sinh dân tộc thiểu số (HSDTTS). Hầu hết các em đến trường học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, nên chưa thực sự tự tin tham gia các hoạt động giáo dục, từ đó tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong học tập.

Vì vậy, tỉnh Lào Cai xác định muốn nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục toàn diện cho HS thì phải xây dựng được các mô hình giáo dục phù hợp với tình hình thực tế đối với giáo dục tiểu học Lào Cai…

Từ đó, hàng loạt mô hình trường học “đặc biệt” hiệu quả được ra đời như: Trường học du lịch, nông trại, sinh thái, đa văn hóa và cộng đồng thân thiện, thông minh... giúp giáo dục Lào Cai bước đầu đạt mục tiêu đề ra.

Bà Trần Thị Minh Thu – Trưởng phòng GDTH, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Các mô hình trường học này đã đáp ứng được yêu cầu về định hướng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu và ứng dụng các mô hình sư phạm tiên tiến như học tích hợp, học trải nghiệm sáng tạo (STEM); phương pháp giáo dục lấy HS làm trung tâm, nâng cao phẩm chất và năng lực của HS.

Đến nay, các mô hình giáo dục tiểu học tiêu biểu của tỉnh Lào Cai đã được nhiều tỉnh trong cả nước tham quan, học tập... Hơn nữa, xu thế đổi mới giáo dục toàn cầu cho thấy những kinh nghiệm giáo dục của Lào Cai thể hiện trong các mô hình giáo dục đã phù hợp, thích ứng và có triển vọng.

Hiệu quả và thiết thực

Có thể thấy, học cần đi đôi với hành trong thời đại hiện nay. Việc tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường tích hợp và lồng ghép các chủ đề về kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương rất cần thiết ở mỗi nhà trường ngay từ bậc tiểu học.

Bà Trần Thị Minh Thu khẳng định: Những mô hình trường học điển hình, kiểu mẫu có tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp địa phương như Lào Cai triển khai giúp HS có cơ hội được thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, phát triển tối đa các năng lực, phẩm chất của bản thân.

Mặt khác, mô hình giáo dục này cũng góp phần chuyển đổi, khắc phục những hạn chế của mô hình giáo dục truyền thống vốn chỉ chú trọng việc truyền thụ kiến thức một chiều và có thể được nhân rộng ở địa phương và tỉnh thành trong cả nước.

Ví dụ, nhờ mô hình trường học nông trại được triển khai tại Trường Tiểu học Bản Xen (Mường Khương) từ năm học 2012 – 2013; đến nay nhà trường đã có những thay đổi rõ nét. Khuôn viên nhà trường được bố trí gọn gàng, hợp lí. HS tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp; sôi nổi, tích cực trình bày ý kiến trong các giờ học, đặc biệt là các tiết học thực hành của mô hình. HS yêu và thích đến trường hơn. Về nhà các em tự giác giúp đỡ bố mẹ các công việc phù hợp với năng lực của mình; biết vận dụng các kiến thức học ở trường vào việc chăm sóc vật nuôi của gia đình.

Điều đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện, nhiều học sinh đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng đóng góp cho sự phát triển của mô hình. Phụ huynh HS tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường; quan tâm hơn đến việc học tập của con em.

Các bữa ăn của HS bán trú được cải thiện nhờ có nguồn rau sạch, thực phẩm sạch; nhà trường có thêm nguồn kinh phí để làm các hoạt động từ thiện như ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hay như, mô hình trường học du lịch được áp dụng tại Trường Tiểu học Tả Phìn (Sa pa) với mục tiêu giúp HS có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nghề truyền thống và bước đầu định hướng nghề nghiệp cho HS cũng vô cùng ấn tượng. HS đã được học cách làm du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch, đồng thời có kỹ năng giao tiếp mạnh dạn, tự tin, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh; giáo dục HS thêm yêu gia đình, làng bản, trường lớp, quê hương; giúp phụ huynh HS, cộng đồng hiểu và tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

Sau quá trình áp dụng, ngoài việc được học các kiến thức, HS còn có cơ hội học được một nghề yêu thích ngay trên ghế nhà trường; phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống, các nghề truyền thống dân tộc. Từ những HS nhút nhát các em có thể là những hướng dẫn viên du lịch thực thụ, giới thiệu với khách về phong cảnh, văn hóa bản làng quê hương mình bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Nhiều HS đã tự tin tạo ra các sản phẩm: Các dây thổ cẩm đeo tay, túi nhỏ để đựng điện thoại, chiếc khăn quàng cổ... Nhiều em đã học được cơ bản về các loại lá thuốc tắm và một số bài thuốc chữa bệnh đơn giản...

Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó các xu thế giáo dục hiện đại đang được khai thác, vận dụng tích cực: giáo dục trải nghiệm, giáo dục kỹ năng song song với giá trị, giáo dục toàn cầu... Trong bối cảnh đó, các mô hình giáo dục đầy hiệu quả của ngành Giáo dục Lào Cai cần được tiếp tục áp dụng, rút kinh nghiệm, định hướng triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.