Sống cùng 40 độC

GD&TĐ - Nắng nóng đang bao trùm toàn bộ khu vực miền Bắc và Trung Bộ. Là đợt nắng nóng nhất từ đầu năm đến nay nên ngay từ sáng sớm, tiết trời đã ngột ngạt. Nắng nóng như thiêu đốt mọi vật. Cuộc sống người dân vì thế ít nhiều bị ảnh hưởng. Những ngày này, chỉ lơ là, chủ quan trong giây phút, bất kỳ ai có thể bị say nắng hoặc bệnh liên quan đến nắng nóng tấn công.

Sống cùng 40 độC

Đe dọa sức khỏe người dân

Phơi nắng đặc biệt quan trọng với người lớn và trẻ em bởi ánh nắng mặt trời là một nguồn cung cấp vitamin D dồi dào cho cơ thể, giúp cho quá trình hấp thụ canxi tốt hơn, phòng chống được nhiều bệnh tật.

Nhưng nắng quá cũng khổ. Những ngày qua, người dân phía Bắc và miền Trung đang nếm trải cái nắng như thiêu như đốt. Nắng có mặt từ sáng sớm cho tới chiều muộn khiến cuộc sống bị đảo lộn, nhiều bệnh tật phát sinh.

Các bác sĩ Bệnh viện An Việt (Hà Nội) vừa chỉ ra tác hại của nắng nóng mùa hè để khuyến cáo người dân. Theo đó, ánh nắng gay gắt sẽ ảnh hưởng tới làn da. Trường hợp phơi nắng quá lâu hoặc thường xuyên làm việc ngoài nắng phải đối mặt với nguy cơ ung thư da, sốc nhiệt, mất nước và chất khoáng.

Mùa hè vốn dĩ là mùa của nhiều dịch bệnh. Nay nắng nóng kéo dài khiến sức đề kháng của người dân giảm đi sẽ là cơ hội để nhiều mầm bệnh sinh sôi, phát triển và tấn công con người. Các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não trở thành “tâm điểm” chú ý của ngành Y tế bởi số người nhập viện vì bệnh trên tăng ở mọi nơi. Đặc biệt với viêm não, là bệnh xuất hiện nhiều vào mùa hè.

Theo TS Đặng Mạnh Hùng, Trưởng phòng Truyền thông (Bệnh viện Nhi Trung ương), những ngày qua, số trẻ vào viện khám và điều trị tăng thêm gần 3.000 ca/ngày. Trong số này có nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản trong tình trạng nặng phải thở máy hoặc điều trị tích cực. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… Điểm lạ năm nay là số trẻ bị viêm não Nhật Bản chiếm đa số trong số các bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến não. Hơn nữa, độ tuổi cũng không còn tập trung ở trẻ 2 - 8 mà lan rộng ra 9-12 tuổi.

Bên cạnh bệnh truyền nhiễm, nắng nóng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh ở đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, đau bụng, tiêu chảy… do thức ăn dễ bị ôi thiu.

Học cách sống chung

Nắng từ tờ mờ sáng đến chiều muộn khiến người dân ra đường vài phút đã có thể đen da đến cháy da. Do vậy, để giữ gìn sức khỏe trong ngày nay, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi trời nắng nóng, nhất là khung giờ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Trường hợp bắt buộc phải trang bị biện pháp chống nắng như áo dài tay, mũ, kính. Với người làm việc dưới trời nắng hoặc ngồi điều hòa quá lâu cần lưu ý tình trạng mất nước và khoáng chất. Do diễn biến từ từ nên đôi khi chúng ta không nhận ra và khi có cảm giác khô miệng, khát thì cơ thể đã mất nước. Lời khuyên của bác sĩ trong điều kiện nắng nóng là uống đủ nước, uống từ từ và không nên uống nước quá lạnh. Bổ sung thêm nước hoa quả chứa nhiều vitamin C cũng là cách để tránh mất nước lại tăng sức đề kháng.

Sốc nhiệt cũng là tình trạng thường gặp trong thời tiết nắng nóng. Sốc nhiệt có thể xảy ra với người chuyển đột ngột từ môi trường nóng sang lạnh, lạnh sang nóng. Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể chưa thích nghi kịp gây tình trạng hoa mắt chóng mặt, thở gấp, khó thở, mạch nhanh. Cho cơ thể làm quen từ từ với môi trường mới. Không bật điều hòa quá lạnh. Tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng chừng 10 phút để cơ thể thích nghi với nhiệt độ mới.

Nắng nóng còn khiến con người… say nắng - say nóng do cơ thể bị rối loạn điều hòa thân nhiệt. Người bị say nắng nhẹ có giảm giác hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu. Nặng hơn có thể đột quỵ. Bởi vậy, phát hiện và cấp cứu người bị say nắng, say nóng vô cùng quan trọng vì người mắc tình trạng này dễ bị tử vong hoặc biến chứng về thần kinh. Đưa người bệnh vào chỗ râm mát, thoáng khi là cách sơ cứu cần thiết đầu tiên. Sau đó có thể làm mát bằng cách nới bớt quần áo, làm mát cơ thể bằng cách lau người, uống nước từ từ. Gọi cấp cứu khi thấy người bệnh không có dấu hiệu chuyển biến tích cực hoặc tình trạng nặng thêm.

Những ngày này, ngoài việc giữ vệ sinh cơ thể, đảm bảo đồ vật trong nhà và môi trường xung quanh sạch sẽ cũng vô cùng quan trọng. Môi trường sống thoáng khí, sạch sẽ sẽ hạn chế nhiều nguy cơ phát triển của tác nhân gây bệnh.

Mùa hè, bên cạnh ngày nắng nóng rát mặt lại có đợt mưa như trút nước. Do vậy, ngoài việc chống nóng, người dân cũng cần đề phòng các bệnh nảy sinh sau các đợt mưa kéo dài hay lũ quét, sạt lở đất như đau mắt đỏ, cúm, nấm kẽ chân, tiêu chảy…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ