“Sống chung với lũ”

GD&TĐ - “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, khi khúc ruột miền Trung bị tổn thất nặng nề bởi mưa lũ; nghĩa đồng bào - cả nước sẵn sàng chung tay, hỗ trợ.

Đại diện Văn phòng Báo GD&TĐ tại Bắc Trung Bộ cứu trợ
bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh.
Đại diện Văn phòng Báo GD&TĐ tại Bắc Trung Bộ cứu trợ bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh.

Từ thực tế này, đặt ra vấn đề cần nâng cao kiến thức và khả năng thích ứng với thiên tai cho người dân nói chung và học sinh nói riêng.

“Sống chung với lũ” có lẽ là giải pháp phù hợp ở thời điểm này. Bởi đó là kỹ năng để tồn tại và phát triển. “Sống chung với lũ”, đơn giản là dạy học sinh biết bơi, biết chuẩn bị tâm thế, cũng như các phương tiện phòng chống trước mỗi mùa nước nổi hay khi thiên tai bất ngờ ập đến. 

Còn nhớ, trong những ngày mưa lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung, nhà cửa, trường học đều chìm trong nước. Thiết bị, đồ dùng dạy – học, những cuốn sách, trang vở đã trôi theo dòng nước lũ; Lũ rút để lại những đống hỗn độn, ướt sũng và lấm lem bùn đất. Song nhiều học sinh đã tìm mọi cách hong khô sách, vở. Các em tận dụng mọi điều kiện, dù là nhỏ bé, ít ỏi để cứu vớt những trang sách của mình. Có em phơi ngay trước đèn, em rải lên bề mặt của những đồ dùng, có em phơi trên nắp nồi cơm vẫn còn nóng hổi… 

Những hình ảnh đó khiến chúng ta không khỏi xót xa, và chạm đến tận cùng của cảm xúc. Nhưng đó cũng là cách mà các em “tự kế” để thích ứng với điều kiện sống hiện tại. Vì thế, kỹ năng thích ứng với thiên tai, “sống chung với lũ” là yếu tố tối quan trọng, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay – không chỉ có mưa lũ, sạt lở núi, hạn hán. Do đó, việc giáo dục, hướng dẫn, trang bị cho học sinh kỹ năng thích ứng với thiên tai là cần thiết và chưa bao giờ là muộn.

Nhà phao tránh lũ tại Minh Hóa (Quảng Bình).
Nhà phao tránh lũ tại Minh Hóa (Quảng Bình).

Theo đó, có thể trang bị cho các em những kỹ năng từ kinh nghiệm sống của nhân dân, chẳng hạn như kinh nghiệm “1 cần, 2 biết và 3 không”: Cần luôn luôn chủ động, tự mình giải quyết những vấn đề lũ lụt đặt ra; Biết lũ và biết mình; Không chủ quan, không liều lĩnh và không rơi vào tình thế bị động. 

Song để các giải pháp mang tính bền vững, khoa học và hiệu quả, cần tăng cường chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, ở các cấp học. Nói như PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu, kiến thức về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu cần phải được đưa vào chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên từ cấp thấp như mầm non, tiểu học đến những cấp cao nhất (đại học) và tiếp tục bổ sung cho người dân thông qua xã hội học tập. 

Tuy nhiên, các kiến thức này phải được hiệu chỉnh về nội dung và phương thức áp dụng phù hợp với từng cấp học. Chẳng hạn: Ở tiểu học hay trung học, có thể lồng ghép các kiến thức này vào môn Giáo dục công dân hoặc các hoạt động ngoại khóa... Với trường đại học, cần có những bộ môn chuyên sâu về khoa học và công nghệ liên quan đến đánh giá mức độ nguy hiểm, ước lượng rủi ro do thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai, nhất là trong những tình huống bất thường có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.