Trước tình trạng ngập nghiêm trọng tại nhiều khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, ngày 29/9 UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp về các giải pháp chống ngập cho Thành phố do đích thân Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chủ trì.
Ngoài các cơ quan chức năng như thường lệ, buổi họp này còn có một nhóm các chuyên gia chống ngập nước ngoài đến từ Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để khắc phục tình trạng ngập úng tại TP.HCM.
Theo ông Olaf Jühner (Olaf JueHner, chuyên gia Đức) cho rằng, giống như TP.HCM, thành phố Hamburg (Đức) cũng bị ảnh hưởng bởi triều cường và trước đây Châu Âu cũng thực hiện các biện pháp chống ngập như đắp đê, dẫn nước… Tuy nhiên các giải pháp đó có tính chất “chống lại” tự nhiên nên có những lúc không tránh khỏi thất bại. Do đó hiện nay Châu Âu bắt đầu hướng đến các giải pháp “sống chung với lũ” như tạo không gian, khoảng trống dành cho nước, chấp nhận quy luật của tự nhiên.
Trong khi đó ông Haris F. Abdullah (chuyên gia Malaysia) cho biết nước này đã xây dựng hệ thống đường vừa là hầm chứa nước (khi ngập) vừa là đường đi (khi khô ráo). Ông cũng ngỏ ý sẵn sàng đầu tư hệ thống này theo hình thức BOT nếu TP.HCM có nhu cầu.
Cũng đề cập đến việc trữ nước, chuyên gia Nhật Bản đưa ra giải pháp làm các cống ngầm kích thước lớn trong lòng thành phố để chứa nước mưa. (Trước đó giải pháp này cũng đã từng được đề cập trong nhiều cuộc họp của UBND TP. Tuy nhiên đa số các ý kiến cho rằng một công trình như vậy sẽ rất tốn kém).
Cảnh báo về hậu quả của biến đổi khí hậu, ông I Chang Tsai (Đài Loan) cho rằng Thành phố cần tính đến khả năng xấu nhất, đó là khi 12% dân số bị thiệt hại và 23% đất đai bị xói mòn do lũ lớn. Ông cho rằng khi đó GDP của Thành phố còn có thể còn bị thụt lùi nhiều năm.
Các chuyên gia cũng thống nhất quan điểm cho rằng tình trạng ngập ở TP.HCM đã ở mức báo động (đặc biệt là các trận mưa lớn vào giữa tháng 9 vừa qua đã làm 77 tuyến đường bị ngập, trong đó điểm ngập lớn nhất có diện tích lên đến hơn 31.300 m2 ), nhưng các giải phá của Thành phố chưa đáp ứng được thực trạng này.
Do vậy họ cho rằng Thành phố cần tính lại các thiết kế của hệ thống thoát nước, quy hoạch riêng những khu dành cho thoát nước và cần phải có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để chuẩn bị cho các chương trình chống ngập.
Một tuyến đường kẹt xe kéo dài do mưa ngập. |
Đáp lại những đóng góp này, ông Lê Thanh Hải đã gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia và yêu cầu UBND TP cùng các sở ngành ghi nhận và nghiên cứu những đóng góp này để áp dụng vào công tác chống ngập tại thành phố.
Ông cũng cho biết tình trạng ngập là vấn đề lớn mà thành phố đang phải đối mặt, trong khi những diễn biến gần đây cho thấy vấn đề đang phát triển theo chiều hướng xấu và điều này không những làm người dân bức xúc mà còn khiến sự phát triển của thành phố bị ảnh hưởng.
Bên lề cuộc họp này, ông Nguyễn Ngọc Công – Giám đốc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập cho biết từ nay đến cuối năm thành phố sẽ khởi công xây 6 cống ngăn triền lớn tại các vị trí Tân Thuận (quận 7), Bến Nghé (quận 1), Phú Xuân (Nhà Bè), Mương Chuối (Nhà Bè), Cây Khô (Nhà Bè), Phú Định (quận 8) và 68 cống ngăn triều nhỏ cùng khoảng 7 km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn. Các công trình này có tổng số vốn khoảng 9.850 tỉ đồng (đã được Thủ tướng phê duyệt từ nguồn cho vay của Ngân hàng Nhà nước) dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng.
Cũng theo ông Công thì để xóa triệt để 31 điểm ngập tại trung tâm thành phố, UBND TP đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới để vay vốn xây dựng thêm hai cống ngăn triều khác là Vàm Thuật (quận 12) và rạch Nước Lên (huyện Bình Chánh).