Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục duy trì sống chung với dịch và nhiều nước khác cũng có chiến lược tương tự vì tình hình hiện đã khác nhờ độ phủ vắc-xin.
Theo Bộ Y tế Singapore, con số hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày ghi nhận từ ngày 19/9 đến nay là mức cao nhất kể từ ngày 23/4 năm ngoái. Bất chấp số ca nhiễm lớn, giới chức nước này chưa có ý định thay đổi cách tiếp cận sống chung với dịch của mình. Singapore đang được coi là hình mẫu trong chiến lược này tại Đông Nam Á, ổ dịch bị biến chủng Delta tàn phá nặng nề nhất thế giới.
Tính đến giữa tháng 9/2021, Singapore đã có 80% dân số được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Tỷ lệ tiêm vắc-xin cao trong dân số đang mang lại giá trị rõ rệt trong việc giảm mạnh số ca nhiễm năng và số ca tử vong.
Bộ Y tế Singapore cho biết, trong một tháng qua, 98,1% số ca mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ. Trong số hơn 7.150 ca nhiễm đang điều trị thì chỉ có hơn 100 người cần trợ thở oxy và hơn 20 người nguy kịch phải sử dụng giường ICU.
Dữ liệu thống kê trên phản ánh một thực tế là dù có hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày nhưng vẫn không tạo ra áp lực lên hệ thống y tế Singapore. Điều này có được là nhờ tác dụng của vắc-xin và Singapore có thể tiếp tục duy trì chiến lược sống chung với virus bất chấp làn sóng lây nhiễm đang tăng cao kỷ lục hiện nay.
Bộ Y tế Singapore trước đó thông báo họ đã sẵn sàng cung cấp 1.000 giường ICU riêng cho chống dịch. Nước này cũng có sự chuẩn bị đối phó dịch theo từng kịch bản khác nhau và chỉ tái giãn cách xã hội khi số ca nhập viện tăng đến mức có thể đe dọa hệ thống y tế.
Các con số hiện nay cho thấy họ vẫn có đầy đủ điều kiện để tiếp tục duy trì chiến lược tái mở cửa của mình.
Trước đó, hai nước Anh và Mỹ sau khi dỡ phong tỏa hoàn toàn cũng liên tục ghi nhận xấp xỉ 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, đặc biệt biến chủng Delta đang lây lan mạnh trong số những người chưa được tiêm chủng.
Tính đến tháng 8 vừa qua, Mỹ đã hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số. Do độ phủ vắc-xin lớn, giới chức Mỹ hiện chưa có ý định thay đổi chiến lược sống chung với Covid-19.
Trong khi đó, sự lây lan quá nhanh của biến chủng Delta đã khiến chiến lược “sạch bóng virus” phá sản tại nhiều nước. Khái niệm miễn dịch cộng đồng khi đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin trên 70% dân số cũng đang bị các chuyên gia y tế nghi ngờ tính hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế thống kê tại Singapore, Mỹ đều cho thấy khả năng “chống chết” hiệu quả cho những người được tiêm vắc-xin khi mắc Covid-19.
Đây chính là cơ sở y tế để nhiều nước dần chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch một cách có kiểm soát. Việc số ca nhiễm bùng phát mạnh sau khi tái mở cửa cũng đều được dự liệu từ trước.
Theo đó các nước có độ phủ vắc-xin lớn như Singapore sẽ không còn căn cứ vào số ca mắc mới để quyết định cách thức chống dịch mà căn cứ vào số ca bị nặng hoặc tử vong. Đây cũng được coi là mô hình chung để thế giới bước vào giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay.