Đã đến lúc phải xác định sống chung với dịch

Đã đến lúc phải xác định sống chung với dịch
Lấy dịch tễ, làm xét nghiệm cúm cho HS trường Hòa Bình
Lấy dịch tễ, làm xét nghiệm cúm cho HS trường Hòa Bình

Các ổ dịch trong trường học không ngừng gia tăng 

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngoài 5 ổ dịch được phát hiện từ đầu nửa tháng 8, đến nay toàn TP.HCM đã có 12 ổ dịch. Trong đó, số trường có HS bị cúm A/H1N1 đang ngày càng có dấu hiệu tăng mạnh. Chỉ trong 3 ngày qua ( từ 20-23 tháng 8) toàn TP đã có thêm 5 ổ dịch cúm A/H1N1 mới, nâng tổng số ổ dịch bệnh cúm A/H1N1 trong trường học của TP lên con số 11. Số ổ dịch trong trường học bao gồm: 6 trường Trung học và ĐH dân lập: Quốc Văn Sài Gòn (2 cơ sở khác nhau), Hòa Bình (Q.Tân Bình), Duy Tân (Q.10), Thanh Bình (Q.Tân Bình), ĐH dân lập Kĩ thuật Công nghệ TP.HCM (Q.Bình Thạnh), 4 trường công lập gồm trường chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) và THCS Lam Sơn (Q.6), THCS Chu Văn An (Q.11), THCS Hậu Giang (Q.6), 1 trường CĐ GTVT 3 -TP.HCM và 1 ổ tại Công ty Tân Á (Q.Thủ Đức). Mới nhất là hai trường tại Q.11 và Q.6.

Theo Sở Y tế cho biết: Sáng 21-8, phát hiện em L.P.L. – HS lớp 9/10 bị sốt cao, nhà trường yêu cầu gia đình đưa em L. đi xét nghiệm. Kết quả em L. bị dương tính với cúm A/H1N1. Cũng thời gian này em L.N. – học sinh (HS) lớp 9/7, Trường THCS Chu Văn An (Q.11) đã có biểu hiện sốt cao nhưng vẫn đến trường, cán bộ nhà trường yêu cầu phụ huynh đưa HS này đi xét nghiệm, kết quả em này cũng bị. Thầy Võ Minh Tuấn Kiệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi phát hiện em L. nhiễm cúm A/H1N1, chúng tôi đã hợp tác với TTYTDP Q.11 phun hóa chất khử trùng phòng chống cúm A/H1N1. Nhà trường cũng đã sinh hoạt dưới cờ, phát tờ rơi tuyên truyền cho CB-GV, HS. Đồng thời cách ly các em lớp 9/10 (lớp em L. bị nhiễm cúm A/H1N1) với các lớp khác.

Cũng trong sáng 21-8, một số HS Trường THCS Hậu Giang (Q.6) bị sốt cao, nhức đầu nên nhà trường mời phụ huynh đưa HS này đi xét nghiệm. Chiều cùng ngày, em T.Đ.N. - HS lớp 9/4 Trường THCS Hậu Giang có triệu chứng cúm A/H1N1. Cán bộ y tế nhà trường đã tiến hành các biện pháp ban đầu và mời phụ huynh đến đưa em N. đi xét nghiệm. Cô Nguyễn Đào Hoa Phượng – Cán bộ y tế Trường THCS Hậu Giang cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, nhà trường đã hợp đồng với TTYTDP Q.6 và đã tiến hành phun hóa chất khử trùng phòng chống cúm A/H1N1”.

Kể từ khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện tại TP.HCM, ngành Y tế TP đã quyết định thành lập 5 BV dã chiến bao gồm: 2 BV dã chiến là Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến, Quốc Văn Sài Gòn (cơ sở Bình Thạnh), THPT dân lập Hòa Bình (quận Tân Bình) và THPT chuyên Lê Hồng Phong vì có nhiều ca nhiễm virus này. Hiện 11 ổ dịch bệnh này trong trường học đã được ngành Y tế dự phòng TP phối hợp với y tế dự phòng địa phương tổ chức phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ khuôn viên. Tất cả các HS tại các ổ dịch, có tiếp xúc với các HS dương tính với cúm A/H1N1, hay có dấu hiệu sốt đã được tiến hành cho điều trị bằng Tamiflu mà không cần phải chờ đến kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP.HCM.

HS nhiễm cúm đang bị cách ly tại trường Lê Hồng Phong (TP.HCM)
HS nhiễm cúm đang bị cách ly tại trường Lê Hồng Phong (TP.HCM)

Nên bắt đầu sống chung với cúm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo: sẽ không ngăn chặn được đại dịch cúm A/H1N1. Vì vậy, “chúng ta phải sống chung với dịch bệnh”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh như vậy trong buổi trò chuyện và tư vấn với các trường tại Hội Nhà báo TP.HCM vừa qua. Do đó, có thể nhận thấy việc khống chế dịch lây lan đã dần vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành y tế. Tuy nhiên, theo BS Nghiệm sống chung với dịch bệnh, nhưng không có nghĩa là buông lỏng, không giám sát như nhiều nước trên thế giới đã làm. Theo đó, bác sĩ Nghiệm khuyến cáo: Nhà trường phải cố gắng phát hiện sớm ca bệnh, dù rằng phát hiện sớm rất dễ dẫn đến nhầm lẫn. Ví dụ như ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, chiều 17-8, nhà trường phát hiện một học sinh có dấu hiệu sốt nên đã cho em về nhà gấp. Ngày hôm sau mới biết em này bị sốt xuất huyết chứ không phải cúm A/H1N1. Nhưng thà rằng chúng ta phát hiện nhầm còn hơn là bỏ sót. Vì chỉ cần một học sinh bị cúm mà học 1 buổi, 1 ngày trong lớp là có thể lây bệnh cho cả lớp. Đứng trước diễn biến khó kiểm soát của dịch cúm A/H1N1, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tới tất cả các trường THPT trên địa bàn. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – cán bộ y tế học đường, Sở GD-ĐT TP đã chỉ ra những hạn chế của một số trường trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều trường mặc dù đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 nhưng thành lập cho có chứ chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên. Cá biệt có những thành viên trong Ban chỉ đạo chưa biết được nguyên nhân, cách phòng chống dịch bệnh. Một số trường chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương…

Bên cạnh những trường lơ là trong việc phòng dịch cũng có không ít trường tỏ ra lo lắng thái quá. Nhiều trường tổ chức đo thân nhiệt cho học sinh mỗi ngày nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà không sốt. Do đó, biện pháp phòng chống bệnh duy nhất là phải tuyệt đối cảnh giác, cũng như hiểu biết về dịch bệnh. Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 đang có dấu hiệu lây mạnh tại một số các trường học tại TP.HCM, nhất là sau khi học sinh tựu trường, trao đổi với chúng tôi, TS Huỳnh Công Minh- GĐ Sở GD &ĐT TP.HCM - khẳng định: "Chắc chắn sẽ không có chuyện lùi ngày khai giảng trong năm học mới này". TS Minh cho biết, Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ cho phép tạm thời đóng cửa tùy theo số ca nhiễm cúm A/H1N1 của trường đó, chứ không thể làm đồng loạt toàn TP.HCM. Song song đó, ngành Y tế TP.HCM đã tiến hành cung cấp cho toàn bộ các trường học của TP 10 tấn hóa chất Cloramine B để tiến hành phun thuốc sát khuẩn hàng tuần trong toàn bộ khuôn viên của trường.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT TP.HCM cũng thông tin thêm: "Hiện tất cả các trường học tại TP.HCM đã thành lập xong BCĐ phòng chống cúm của trường mình với từng kế hoạch phòng chống cụ thể. Sở GD&ĐT TP cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số trường về việc này. Theo đúng tinh thần mà Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo, trường nào chưa thành lập xong BCĐ phòng chống cúm A/H1N1 trước ngày 5/9 thì dứt khoát Sở GD&ĐT sẽ không cho tiến hành khai giảng năm học mới. Sở GD&ĐT TP cũng khuyến khích các trường xây dựng khẩu hiệu “Thầy trò trường (tên trường) tích cực phòng chống cúm A/H1N1” để nhằm tạo ra một động lực phòng chống virus này cho toàn thể các thầy cô và HS thuộc ngành GD TP.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.