Sống buồn dưới chân điện gió

GD&TĐ -Theo số liệu thống kê của huyện Hướng Hóa, trên địa bàn hiện có 19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động và 10 dự án đang triển khai.

Bãi thải của dự án điện gió thuộc Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị gây bồi lấp nhiều diện tích ruộng lúa của người dân.
Bãi thải của dự án điện gió thuộc Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị gây bồi lấp nhiều diện tích ruộng lúa của người dân.

Qua khảo sát những tác động, ảnh hưởng sau khi các dự án điện gió triển khai và hoạt động tại phía Tây Quảng Trị thì người dân không chỉ mất đất, ảnh hưởng sinh kế, còn đối diện với nhiều hệ lụy.

Doanh nghiệp “ăn ốc”, người dân… “đổ vỏ”

Từ bao đời nay, người dân đồng bào Vân Kiều phía Tây Quảng Trị sinh sống dựa vào làm nương rẫy, canh tác lúa nước. Đối với bà con nơi đây, việc chuyển phương thức canh tác sang trồng lúa nước được xem là bước ngoặt góp phần rất lớn trong việc cải thiện đời sống người dân.

Thế nhưng, kể từ lúc các nhà đầu tư triển khai dự án điện gió ở vùng miền núi Quảng Trị, nhiều hộ dân người đồng bào Vân Kiều sinh sống trong vùng dự án chịu nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Một số dự án thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không chú trọng việc bảo vệ môi trường, gia cố các bãi thải, khiến người dân mất đất sản xuất, mất ruộng...

Dẫn chúng tôi đến khu vực ruộng lúa bị bồi lấp, anh Hồ Văn Thọ (trú tại thôn Ta Núc, xã Húc, huyện Hướng Hóa) bức xúc cho biết: “Trước đây, vào mỗi vụ mùa thì lúa được gặt về đựng đầy các bao, chất quanh nhà, gia đình không phải mua gạo. Nhưng khoảng 2 năm nay, ruộng lúa bị bãi thải điện gió bồi lấp nên một hạt lúa cũng không có thu hoạch, hai vợ chồng phải đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo”.

Gia đình anh Hồ Văn Thọ có 2 đám ruộng với tổng diện tích 8 sào, nằm ở khu vực suối KRiêng và suối Nôm. Diện tích ruộng lúa này do ông nội của anh khai hoang và canh tác, sau đó giao lại cho ba anh sản xuất. Đến nay, anh Thọ được thừa hưởng toàn bộ diện tích lúa nước của gia đình.

Anh Thọ làm cán bộ Hội Nông dân xã Húc, vợ ở nhà làm nông. Nhờ 2 đám ruộng, mỗi năm làm 2 vụ gia đình anh không phải lo mua gạo, thậm chí đến vụ mùa, lúa của vụ trước vẫn còn chất ở trong nhà.

Là cán bộ xã, anh Thọ cũng ủng hộ việc triển khai các dự án điện gió. Anh cũng tích cực cùng các cán bộ khác đến thuyết phục người dân trong vùng ủng hộ thực hiện dự án. Thế nhưng, nhìn toàn bộ diện tích ruộng lúa của gia đình bị bồi lấp nhưng chủ đầu tư không chịu hỗ trợ khắc phục thỏa đáng khiến anh bức xúc.

Anh Thọ cho biết, sau khi dự án điện gió của Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị dựng các trụ điện phía trên cao và không gia cố các bãi thải, cuối năm 2021, toàn bộ diện tích khoảng 5 sào ruộng lúa của gia đình anh tại khu vực suối KRiêng bị bồi lấp hết. Đáng nói, ở khu vực này không chỉ có ruộng của gia đình anh Thọ bị bồi lấp, mà còn hàng chục ô ruộng của người dân trong xã cũng bị xóa sổ, không thể canh tác.

Diện tích ruộng lúa của gia đình anh Hồ Văn Thọ và nhiều hộ dân khác bị bồi lấp 2 năm nay nhưng chưa được doanh nghiệp khắc phục, hỗ trợ.

Diện tích ruộng lúa của gia đình anh Hồ Văn Thọ và nhiều hộ dân khác bị bồi lấp 2 năm nay nhưng chưa được doanh nghiệp khắc phục, hỗ trợ.

“Sống chết mặc bay”

Không chỉ đám ruộng 5 sào ở gần suối KRiêng, mà đám ruộng 3 sào và ao cá ở gần suối Nôm của gia đình anh Thọ cũng bị bồi lấp, cạnh ruộng cũng có dự án điện gió của công ty nói trên. Do lớp đất bồi lấp quá dày, cứ mưa là tiếp tục bồi, nên anh Thọ không thể tự khắc phục được. Gần 2 năm không có ruộng lúa, vợ anh phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con.

“Đất đá từ bãi thải công trình điện gió trôi về lấp ruộng là quá rõ ràng, nhưng khi đi khảo sát, ban đầu cán bộ dự án điện gió không thừa nhận. Đã 2 năm nay, ảnh hưởng từ bãi thải dự án điện gió của Công ty Tài Tâm - Hoàng Hải gây bồi lấp ruộng, hiện không canh tác được nữa, nhưng chưa được công ty hỗ trợ khắc phục. Tôi đề nghị chủ đầu tư cần sớm có biện pháp hỗ trợ để khôi phục ruộng lúa cho người dân sản xuất”, anh Thọ mong muốn.

Ông Hồ Văn Mủa - Phó Chủ tịch UBND xã Húc (huyện Hướng Hóa) - cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với công ty có dự án điện gió trên địa bàn tiến hành kiểm kê số lượng các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ đến nay vẫn chưa được thực hiện.

“Khi triển khai dự án, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân giải phóng mặt bằng và nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành đi vào vận hành, nhiều đơn vị còn xem nhẹ việc chăm lo sinh kế của người dân trong vùng dự án.

Trong đó, riêng việc bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng từ các dự án để bà con ổn định cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với phía công ty xem xét sớm thực hiện việc bồi thường, nhưng đến nay phía công ty vẫn im hơi lặng tiếng để mặc bà con”, ông Mủa thông tin.

Mong tỉnh quan tâm, doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết

Bãi thải chưa được chủ đầu tư dự án điện gió gia cố đang sạt trượt lấp ruộng của nhân dân.

Bãi thải chưa được chủ đầu tư dự án điện gió gia cố đang sạt trượt lấp ruộng của nhân dân.

Theo số liệu thống kê của huyện Hướng Hóa, trên địa bàn hiện có 19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động và 10 dự án đang triển khai. Việc thi công xây dựng các dự án điện gió đã làm ảnh hưởng khoảng 37,25 ha đất nông nghiệp của gần 430 hộ dân. Trong đó, ngoài một số dự án điện gió đã hỗ trợ, bồi thường, vẫn còn không ít dự án chưa thống nhất phương án bồi thường cho người dân.

Đơn cử như Nhà máy Điện gió Hướng Linh (xã Hướng Linh) chỉ mới hỗ trợ cho 5 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng của 30 hộ, còn 14 hộ với khoảng hơn 2,1 ha chưa bồi thường. Nhà máy Điện gió Liên Lập (xã Tân Liên) đã có phương án bồi thường cho 4,35 ha của 46 hộ, còn 1,3 ha của 14 hộ ở bản Cheng (xã Tân Liên) chỉ mới thống kê, chưa có phương án hỗ trợ, bồi thường. Riêng tại xã Húc, hiện có 45 hộ có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng chưa được thống kê cụ thể và chưa được hỗ trợ, bồi thường.

Thống kê của UBND huyện Hướng Hóa cho biết, trong tổng diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các dự án điện gió có khoảng 24,08 ha lúa nước của gần 300 hộ dân và nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản khác của bà con bị ảnh hưởng.

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số dự án điện gió chưa triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng cam kết, như chưa gia cố các bãi thải, đường giao thông có độ dốc cao, chưa trồng cây, đào rãnh thoát ở những điểm có nguy cơ ứ đọng nước.

Các dự án điện gió bị “điểm mặt, chỉ tên” như: Nhà máy Điện gió Amaccao Quảng Trị 1, Hoàng Hải, Tài Tâm, Hướng Hiệp 1, Hướng Phùng 2, 3; Gelex 1, 2, 3; Hướng Linh 7, 8.

“Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, có sinh kế bền vững về lâu dài, địa phương đã có báo cáo và kiến nghị với UBND tỉnh quan tâm tạo sinh kế cho bà con. Chúng tôi cũng tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các dự án, nhà máy điện gió khẩn trương rà soát, thực hiện hoàn thành công tác hỗ trợ, khắc phục thiệt hại về ruộng lúa, hoa màu, đất sản xuất và các tài sản của nhân dân bị ảnh hưởng, đốc thúc các dự án điện gió nghiêm túc thực hiện đúng cam kết về các biện pháp an toàn sau khi dự án hoàn thành”, ông Thuận thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ