Sống bằng nghề văn - Giấc mơ?

Sống bằng nghề văn - Giấc mơ?

Chỉ là thú chơi tao nhã!

Đang có một thực tế: Đội ngũ nhà văn khá đông đảo nhưng phần lớn trong số họ chỉ xem việc cầm bút như một thú chơi tao nhã để thỏa chí niềm đam mê văn chương. Nhưng chỉ nghĩ vậy thôi mà lí giải cho việc nhà văn không sống được bằng nghề hẳn chưa thỏa đáng.

Nhà lý luận phê bình Phong Lê trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “Họ (công chúng) có thể bỏ ra 4 triệu mua vé xem ca nhạc mà không đắn đo nhưng lại rất ngần ngại khi bỏ ra 100 nghìn mua một cuốn sách văn học. Một nhà văn viết một cuốn sách vài năm mới xong, nhuận bút khoảng 6, 7 triệu thì cũng không mua nổi một cặp vé cho vợ chồng đi xem ca nhạc một đêm được. Dân số Việt Nam từ 30 triệu đến 90 triệu thì mỗi đầu sách vẫn chỉ trung bình có 1.000 bản in. Đây là thực trạng mà người cầm bút đã biết và phải chấp nhận, tuỳ ở mỗi người. Hoặc là viết để sống. Hoặc là sống bằng cái khác và để chuyên tâm viết cái mình cho rằng phải viết và có ích, dù phải bỏ tiền ra in”.

Còn nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú đưa ra một so sánh ngầm cũng rất thú vị giữa ca sĩ và nhà văn: “Ca sĩ có một “điểm yếu” đáng yêu là hay than vấn về chi phí của mình. Mỗi lần than vấn là có cả hàng trăm triệu hoặc cả chục nghìn đô. Còn thì có mạnh thường quân nào giúp nhà văn in sách không?”.

Tôi đọc những trăn trở này ngẫm thấy đúng, nhà văn nước mình mấy ai sống được bằng ngòi bút đâu. Thời nay vẫn có nhiều tác phẩm hay nhưng phải nói thật người ta ít đọc nếu không muốn nói là không đọc thì thử hỏi còn ai muốn viết hết gan ruột, viết cạn ngòi bút của mình nữa chăng? Đúng là “cơm áo gạo tiền” buộc người ta phải viết khác với nghĩ, đọc chỉ là lướt qua… để còn có thời gian làm nghề “tay trái” mà tồn tại. Như vậy, nguyên nhân chính khiến cho nhà văn “nghèo” nằm ở độc giả. Độc giả “đứng đắn” còn đang “bận rộn” kiếm sống, số khác đang “hăm hở” đi đầu tư cho những cái sĩ diện hão đã khiến cho những đứa con tinh thần của nhà văn bị lãng quên, bị“chết ngay khi mới lọt lòng” là điều dễ hiểu.

Cô đơn từ... độc giả

Ngoài ra, có người còn cho rằng chất lượng các tác phẩm chưa cao, “các tác phẩm đỉnh cao” chưa có cũng là nguyên nhân khiến cho nghề văn tự làm “mất giá” chính mình. Cá nhân tôi thì vẫn không nghĩ thế.

Có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Chu Lai, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Sương Nguyệt Minh, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Thanh Thảo, Phan Thị Thanh Nhàn… Các nhà văn, nhà thơ thế hệ sau cũng rất đông đảo như Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Tiến Thụy, Uông Triều, Nguyễn Đình Tú, Y Ban, Tống Ngọc Hân, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thủy, Hoàng Anh Khoa, Nguyễn Mạn Hùng, Nguyễn Ngọc Hưng… Và còn nhiều khuôn mặt triển vọng khác nữa mà không thể kể hết ra đây.

Mặt khác, việc thẩm định giá trị của các tác phẩm văn chương chủ yếu vẫn là ở độc giả mà độc giả quan tâm đến tác phẩm một cách lạnh nhạt thì những trang văn bị “chìm”, bị ngủ quên đâu đó chưa thể sáng lên được là điều hiển nhiên. Nhà văn sáng tạo tác phẩm dẫu có hay đến mấy nhưng nó có sống và lớn lên được hay không lại không hoàn toàn tỷ lệ thuận với điều ấy. Chỉ khi nào độc giả đón nhận văn chương như một nếp sinh hoạt quen thân trong đời sống tinh thần may ra nghề văn mới có thể tự tin mà “thở” được trên chính mảnh đất mình đang ngày đêm miệt mài cày xới.

Cũng cần phải chỉ ra một nguyên do nữa khiến cho nhà văn không thể sống được bằng ngòi bút là bởi trong thời đại ngày nay thế hệ trẻ yêu văn chương ngày càng ít đi. Có một thực tế, thế giới phát triển luôn đồng hành với sự ra đời của nhiều loại hình giải trí hấp dẫn khác. Không thể phủ nhận, giới trẻ đang hào hứng hơn với việc chơi hàng giờ game so với bỏ thời gian đọc một cuốn sách. 

Họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để đến phòng hát ka-ra-ô-kê thay vì đến thư viện hay hiệu sách. Nhưng ngẫm sâu xa hơn một chút, chính nhịp sống nhanh, xô bồ cùng với những áp lực công việc ngày càng lớn trong cuộc sống hiện đại dường như đã lấy đi không gian, văn hóa đọc sách vốn dĩ cần sự chậm rãi. Bây giờ, hiếm khi chúng ta chứng kiến cảnh những bạn trẻ xếp hàng, thậm chí chen lấn để chờ đợi được mua một quyển sách. 

Ngược lại, chúng ta sẽ dễ dàng thấy cảnh tượng ấy nơi cửa hàng bán điện thoại hay cửa hàng mua sắm thời trang. Các bạn trẻ có thể xếp hàng từ sáng sớm đến tận khuya để có thể sở hữu một chiếc iPhone đắt tiền hay tấm vé vào xem một trận đấu bóng đá. Và một khi, giới trẻ không còn mặn mà với những trang sách, dĩ nhiên nỗi cô đơn trống trải sẽ thuộc về các nhà văn – những người vốn rất dễ bị tổn thương.

Đến đây câu hỏi: “Khi nào nhà văn Việt sống được bằng ngòi bút?” ít nhiều đã có lời giải đáp. Có thể phải một thời gian dài nữa người ta mới “chịu đầu tư cho tâm hồn”, khi đó những nghệ sĩ “làm xiếc trên con chữ” mới sống được bằng ngòi bút chăng? Dẫu có mơ hồ trông về phía xa xăm, nhưng người viết bài này vẫn hi vọng một tương lai tốt đẹp đang đón chờ những nhà văn chân chính – những nhà văn có tài có tâm với cuộc đời. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ