Gần sáng tôi hay tắt điện
nán lại chút hương vườn vào
lúc này mọi vật như bóng
riêng mình không thấy bóng đâu
Châng lâng cái gì cũng nhẹ
phút đêm và ngày giao nhau
cả ta chẳng còn ta nữa
chuyện chi không cuối không đầu
Khởi sự là hương ngát ngát
thấm vào trong phổi thật sâu
rồi nghe máu trong mạch đập
mở mắt rung rinh sắc màu
Có sớm trong veo như thế
ra vườn hỏi lá vài câu...
Anh Vũ
Lời bình của Đặng Toán
Đơn giản có thể đó chỉ như một thói quen. Và cũng có thể là để tiết kiệm thêm chút tài chính trong sinh hoạt của gia đình.
Còn với tác giả Anh Vũ, mục đích của cái thói quen ngỡ như rất bình thường đó lại chẳng bình thường chút nào. Ấy là “nán lại”, lưu giữ lại chút hương thơm của khu vườn vẫn như đang còn bảng lảng, lưu luyến trong căn nhà của mình.
Tác giả có một khu vườn và hẳn là lúc nào cũng luôn ăm ắp sắc hương. Mùi thơm của cây cối, hoa trái cứ tự do theo gió mà lan tỏa khắp không gian xung quanh.
Như vậy, bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm, thi sĩ đều có thể tận hưởng cái món quà thanh tao mà thiên nhiên ban tặng. Vậy thì lí do gì mà tác giả vẫn còn muốn “chút hương vườn” nán lại?
Người thơ đã không hề có ý định giấu giếm điều bí mật của riêng mình. Ông chỉ ra rằng: “Chút hương vườn” ở vào cái thời khắc “phút đêm và ngày giao nhau” ấy, nó mới thật vô cùng đặc biệt. Có một cái gì đó rất khó diễn tả, chỉ có thể hình dung và cảm nhận được một cách hết sức mơ hồ, kiểu “châng lâng cái gì cũng nhẹ”.
Nó khiến con người như được bay bổng, được thăng hoa đến độ “cả ta chẳng còn ta nữa/ chuyện chi không cuối không đầu”. Đó phải chăng chính là điều tạo nên sự khác biệt trong con người thi sĩ.
Dù cái cảm giác “châng lâng” ngỡ có thể khiến tâm hồn tác giả tan biến, thì những cảm nhận của thể xác lại hết sức thực tế đến cả từng chi tiết: “Khởi sự là hương ngát ngát/ thấm vào trong phổi thật sâu/ rồi nghe máu trong mạch đập/ mở mắt rung rinh sắc màu”.
Chỉ một “chút hương vườn” của buổi sớm mai mà có tác dụng thần tình đến thế sao? Có vẻ như tác giả đã hơi quá lời khi diễn tả cái cảm xúc mà người bình thường liệu có mấy ai để ý.
Song diệu kỳ thay, đó lại là điều gần như mặc định trong hành động cũng như tâm hồn thi nhân: Thấy những điều người khác không thấy, nghĩ những điều người khác không nghĩ tới và làm những điều người khác chưa làm được.
Hai câu kết với không gian “trong veo” của buổi sáng sớm, với động tác nhẹ nhàng, hình ảnh được nhân cách hóa “ra vườn hỏi lá vài câu” tự nó đã toát lên chất thơ, toát lên cốt cách người thơ vừa bình dị mà vẫn thanh cao, ít bị trộn lẫn.
“Sớm quê” không có chủ đích miêu tả một buổi sớm mai nơi làng quê. Tác giả chỉ mượn không gian và thời gian ấy để thể hiện cảm xúc, lòng yêu mến thiết tha của mình trước những vẻ đẹp thanh khiết, dịu nhẹ của thiên nhiên, trời đất mà không phải lúc nào ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp.
Và cuộc đời mỗi con người, có được một vài phút giây thần tiên như thế để tâm hồn được thanh lọc, được lắng lại trong nhịp sống bon chen, hối hả này há chẳng phải là điều ý nghĩa lắm sao?