Hiệu quả tốt từ giáo viên nước ngoài
Có mặt tại giờ học Tiếng Anh của học sinh trường THCS Ngọc Châu (thành phố Hải Dương), có thể thấy không khí sôi nổi, hào hứng của các em học sinh khi tham gia giờ học. Khởi động giờ học, một giáo viên người nước ngoài cho các em học sinh hát một bài hát tiếng Anh, đồng thời thực hiện các động tác sôi động, kết thúc màn khởi động là một tràng pháo tay và bắt đầu bước vào bài học mới.
Trong suốt giờ học, thầy giáo liên tục thay đổi các phương pháp dạy, bắt buộc học sinh sử dụng liên tục các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Toàn bộ bài giảng được truyền đạt bằng tiếng Anh, chỉ đôi khi có những câu dài có từ mới, cô giáo trợ giảng mới phải dịch lại cho học sinh hiểu. Phải tư duy nhanh và liên tục như vậy song các học sinh trong lớp đều rất sôi nổi xung phong được nói và làm bài tập.
Cô Phạm Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Châu cho biết: Với 2 tiết Tiếng Anh trong tuần, chương học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (GVNN) như một luồng gió mới đối với phong trào học tiếng Anh tại nhà trường.
Bước đầu cho thấy, học sinh không chỉ đạt kết quả cao hơn hẳn trong học tập mà còn tự tin nói chuyện với người bản ngữ. Các giáo viên người Việt cũng học tập được nhiều kỹ năng mới của GVNN.
Còn trong một tiết học Tiếng Anh với người nước ngoài tại Trường THPT Chí Linh, không khí học tập diễn ra sôi nổi, nhẹ nhàng. Học sinh và GVNN liên tục trò chuyện, giao tiếp với nhau. Học sinh được nghe, nói nhiều hơn, qua đó vận dụng được vốn từ, kiến thức của mình.
Em Phan Thúy Hạnh - học sinh Trường THPT Chí Linh cho biết: “Giáo viên người nước ngoài phát âm chuẩn, cách truyền đạt sinh động nên chúng em thấy hứng thú hơn với các tiết học. Chúng em có điều kiện rèn các kĩ năng nghe, nói, tự tin, chủ động hơn. Từ đó tăng cơ hội khi tham gia các kỳ thi tiếng Anh qua mạng hoặc “săn” học bổng du học”.
Đánh giá về kết quả triển khai tại các trường, ông Lê Thanh Cường - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hải Dương) cho biết: Các trung tâm ngoại ngữ đã có sự thống nhất với nhà trường thực hiện giảng dạy với thời lượng 1-2 tuần/tiết/lớp, thực hiện ngoài tiết dạy chính khóa.
Nội dung giảng dạy bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, tập trung vào rèn kỹ năng nghe nói cho học sinh. Qua đó giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp Tiếng Anh, hình thành phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả.
Khó khăn từ mức học phí cao
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương, việc học tiếng Anh với GVNN có nhiều mặt tích cực, nhưng để duy trì và triển khai rộng rãi thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là mức đóng học phí còn cao so với điều kiện kinh tế của hầu hết gia đình học sinh.
Duy trì được 3 năm học nhưng đến hết học kỳ I năm học 2017 - 2018, Trường THPT Thanh Hà đành phải chấm dứt việc thuê GVNN giảng dạy dù học sinh vẫn có nhu cầu. Mức đóng 50.000 đồng/tiết/học sinh quá cao so với thu nhập của người dân trong huyện. Trong khi học ngoại ngữ tại các trung tâm ở huyện, học sinh chỉ phải đóng 15.000 - 20.000 đồng/buổi (1 buổi thường 2 giờ).
Tại Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Tứ Kỳ), chỉ có gần 100 học sinh ở các khối lớp đăng ký nên không thể thuê GVNN giảng dạy. Còn Trường THCS Lê Thanh Nghị (huyện Gia Lộc), chỉ ký hợp đồng với GVNN dạy 2 tháng mỗi học kì bởi nếu thời gian học kéo dài, gia đình học sinh khó có thể theo được.
Ngoài ra, do lịch học chính khóa đã kín nên nhiều trường không thể bố trí thời gian phù hợp cho GVNN về dạy. Từ tháng 10/2017, Trường THPT Kim Thành ký hợp đồng thuê GVNN về dạy tiếng Anh cho học sinh ở 4 lớp 10.
Lịch học chính khóa buổi sáng đã lấp đầy nên nhà trường bố trí GVNN dạy vào buổi chiều thứ 6 hằng tuần. Cả buổi chiều, các em chỉ đến học 1 tiết rồi về nên rất lãng phí thời gian, các em phải đi lại vất vả thêm.
Bà Nguyễn Thị Liền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành cho biết: Từ những bất cập trên, sau khi hoàn thành hợp đồng, đầu tháng 3/2018, nhà trường dừng thuê GVNN. Ngoài ra, chất lượng GVNN không đồng đều, một số người nghiệp vụ sư phạm còn yếu. Hơn nữa, thời gian học quá ít, chỉ có 1 tiết/tuần, sĩ số lớp đông nên học sinh ít có cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghe, nói, nhất là những em có trình độ trung bình.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các trung tâm ngoại ngữ lựa chọn GVNN có năng lực tốt, đủ hồ sơ theo quy định. Sở sẽ kiểm tra nội dung giảng dạy, chấn chỉnh sao cho phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình này.