Soi cá nước ngược

GD&TĐ - Tây Ninh năm xưa, khi Hồ Dầu Tiếng chưa tích nước, dòng Tha La chỉ là một con suối nhỏ, bề ngang chừng 5-7 thước, nước chảy rất xiết. Cặp theo bờ suối này có 6 cái bàu khá lớn là bàu Tròn, bàu Dài, bàu Cây Trâm, bàu Le Le, bàu Lùn và bàu Tư Đặng, mỗi cái bàu đều có đặc điểm riêng… mà dân làm cá đều rất quen thuộc. Các bàu này có cửa ăn thông ra suối nên có rất nhiều loại cá sinh sống. Mùa mưa đi soi cá chạy nước ngược ở đây vô cùng lý thú.

Hồ Dầu Tiếng ngày nay
Hồ Dầu Tiếng ngày nay

Nói đến bàu là nói đến khu đất trũng ngập nước ngoài đồng hay ven bờ sông suối. Đa phần bàu là thiên nhiên tự có, nhưng cũng có những cái bàu do bàn tay con người tạo nên.

Vốn vùng đất quanh Tha La xưa (năm 1975 trở về trước) là vùng phi quân sự. Máy bay oanh tạc đâu không biết, cứ dư bom là đem về đây thả, tạo vô số hố sâu.

Những hố bom liền kề gần bờ suối, lâu ngày bị nước suối tràn vô, lá tre gai úng mục, rễ cây rừng phá lở bờ thành ra những cái bàu.

Tôi còn nhớ rất rõ, những cái bàu này quanh năm rất thâm u. Xung quanh bàu là những cây rừng to và bạt ngàn tre gai. Lá tre gai rụng xuống, lớp chìm, lớp nổi trên mặt nước, làm cho mặt bàu như một thủy cung huyền bí.

Sở dĩ người ta gọi là bàu Cây Trâm vì giữa bàu nổi lên một ụ đất, trên đó mọc một cây trâm cổ thụ, đến mùa trái chín đen cả tàn cây. Bàu Dài, bàu Tròn là gọi theo hình dáng của nó. Bàu Le Le là nơi trú ngụ của giống chim le le, nơi đây sáng sớm le le lội đen nước, xong bay đi kiếm ăn, chiều bay về từng đàn trong ánh hoàng hôn tuyệt đẹp.

Còn bàu Lùn là nơi mọc toàn loại cây cỏ lùn. Đối diện bàu Lùn là đất rẫy của ông Tư Đặng, và gần đó có cái bàu, nên người dân quen gọi là bàu Tư Đặng.

Thuở ấy dân quanh vùng này còn đánh bắt cá kiểu thô sơ như câu cắm, câu giăng, đánh lưới… nên lượng cá còn trong tự nhiên rất phong phú. Nước trong bàu vốn là nước đứng, nước tù, nhưng cá sống trong bàu thì đủ loại, từ cá nước đứng đến cá nước chảy đều có mặt.

Nhiều nhất phải kể đến cá lóc, cá trê, cá rô đồng và lươn… Những loại này sống thâm niên và sinh sôi nảy nở trong các bàu nhiều vô kể…

Xưa kia, nước chưa ngập, ven các cái bàu này là các đám rẫy của bà con khai phá trồng lúa nếp, khoai mì và đậu phộng. Các đám rẫy đa phần là vùng đất cao hơn rất nhiều so với các bàu. Chính vì vậy mà mùa mưa đến, sau những cơn mưa lớn, nước trên các đám rẫy chảy xuống bàu rất nhiều.

Những chỗ nước chảy khuyết lâu ngày trở thành những rãnh nước lớn trông rất tự nhiên. Cá dưới bàu đa phần là loại cá đen, hễ sau mưa nghe tiếng nước chảy là theo hướng nước mà bơi ngược lên. Cá lóc, trê, rô đồng… vượt lên khỏi bờ bàu rồi lóc lên theo các đường nước chảy.

Dân làm cá chúng tôi cứ sau mỗi cơn mưa lớn cứ men theo các rãnh này mà rình chụp cá, được cá rất nhiều và cũng được cả niềm vui… Mới đầu chỉ vô tư mà bắt cá như vậy, nhưng sau bọn trẻ chúng tôi bắt đầu nghĩ ra cách đào hố bẫy cá.

Đầu tiên là chặt tre gai đóng ngang các rãnh nước, sau đó đào một cái hố tròn như cái lu nước sát bên bờ rãnh, vét miệng hố cho thật láng. Khi trời mưa, nước đổ xuống cá dưới bàu sẽ đi lên, cá gặp rào tre ngăn lại sẽ tìm hướng khác vượt lên, tất sẽ chui tọt xuống hố. Sau mỗi cơn mưa chỉ cần đi thăm các hố bẫy là bắt đủ loại cá thật sướng tay.

Tôi còn nhớ một buổi chiều mùa mưa vắng vẻ, tôi và cha tôi cắm câu xong, ngồi giữa cù lao của cái bàu Tròn, nhìn trời chuyển mưa đen kịt. Cha tôi nói, sau cơn mưa này thế nào cá cũng lên. Thế là tôi với cha chấp nhận đội mưa để ở lại rình cá.

Sáu giờ chiều, bầu trời thay hoàn toàn chiếc áo màu đen và gió bắt đầu thổi đến. Lát sau trời bắt đầu trút nước xuống như thác đổ, những lằn sét xanh đỏ như rạch nát bầu trời, những tiếng nổ từ không trung như muốn phá tan mặt đất… Mưa và cứ thế là mưa, mưa suốt mấy tiếng đồng hồ.

Tôi và cha tôi trùm tấm vải nhựa ngồi dưới lùm tre gai chịu trận suốt như vậy. Khi trời tạnh mưa thì cũng khoảng hơn tám giờ tối, nước ngập lênh láng, không còn xác định được phương hướng; trời đất chỉ toàn một màu đen như mực. Tôi còn nhớ khi đứng dậy, tôi và cha đều bị té ngửa ra phía sau, vì hai chân đã tê đến mất hết cảm giác.

Thật là đáng sợ, nhưng rồi tôi và cha cũng tìm ra được khỏi khu bàu Tròn và lần lên hướng các đám rẫy. Tôi thì mang rọng, cha tôi thì đội đèn cầm chĩa, men theo các rãnh nước bắt đầu rình cá. Cá lên ban đêm đa phần đều là cá lớn. Cha tôi tắt đèn, ngồi rình ngay một chỗ eo nước chảy, hễ nghe tiếng cá lóc lên là bật đèn chĩa liền… Cứ như vậy mà đêm ấy, hai cha con thu được một rọng cá đầy.

Gần sáng đem cá về, má tôi đem ra chợ bán, mà trong lòng thấy hạnh phúc làm sao… Ôi cái hạnh phúc của những tháng ngày cơ cực khi thu hoạch được những sản phẩm từ bàn tay lao động, để đổi lấy hai chữ áo cơm…

Thời gian đã làm bãi bể trở thành nương dâu. Sau này con người bắt đầu ra sức tàn phá, họ đốn sạch các cây to nhỏ xung quanh các bàu, rồi bắt đầu dùng thuốc nổ đánh cá. Những cái bàu thâm u đầy tôm cá khi xưa phút chốc trở nên tan hoang đến thảm hại.

Rừng tre gai chết rụi dần, những cái bàu trở thành những cái hố nước vô hồn, lạnh lùng, đầy tử khí… Tôi, một con người đã từng sống, từng yêu dòng Tha La như người ruột thịt; những cái bàu đối với tôi như những người bạn thân quen…, nhìn chúng tàn tạ mà lòng gợn lên từng đợt sóng u buồn, và không sao ngăn được dòng nước mắt.

Rồi thời gian cũng qua, mang đi bao tuổi dại ngọc ngà, dòng Tha La bắt đầu chịu sự tác động của Hồ Dầu Tiếng mà phình ra. Dáng dấp con suối ngày xưa không còn nữa. Và tất nhiên những cái bàu ven suối cũng ngập chìm trong biển nước. Một dấu tích cũng không còn… Tất cả đã là quá vãng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.