Đáng chú ý, từ năm học 2021 - 2022 sẽ áp dụng Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có chính sách về đặt hàng đào tạo giáo viên, hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí, sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp…
Xu hướng tăng cao
Với 25,50 điểm tổ hợp Toán - Lý - Hóa (A00) ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Ngô Phương Thuý - học sinh Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) quyết định điều chỉnh nguyện vọng vào ngành Giáo dục Tiểu học của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Phương Thuý bộc bạch: Em thích làm giáo viên vì đây là nghề truyền thống của gia đình. Hơn nữa, dạy học là nghề cao quý nên ngành sư phạm luôn có sức hút với em.
Mặt khác, học sư phạm em sẽ được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí/tháng. Điều này sẽ giảm áp lực về tài chính cho gia đình, vì chị gái em cũng đang là sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Dưới em còn em trai năm nay vào lớp 11.
Lý giải về quyết định điều chỉnh nguyện vọng vào sư phạm tiểu học, Phương Thuý chia sẻ: Lúc đầu em chưa tự tin vào năng lực học tập của mình, vì trong những lần thi thử, điểm thi của em dao động từ 19 - 21 (tổ hợp A00) nên chọn giải pháp an toàn là đăng ký vào ngành khác. Nay có kết quả thi tốt nghiệp THPT, em quyết định thực hiện ước mơ làm cô giáo bằng cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Thầy Dương Trọng Ánh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) - cho hay: Những năm gần đây, số lượng học sinh của trường quan tâm đến ngành sư phạm ngày càng lớn; trong đó nhiều em có học lực khá, giỏi. Hai năm gần đây, toàn trường có hơn 180 học sinh lớp 12, mỗi năm có gần 20 học sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm và hầu hết đều trúng tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sức hút của ngành sư phạm có xu hướng tăng cao. Bằng chứng là, số lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm gia tăng và điểm chuẩn vào sư phạm không hề thấp. Chẳng hạn, năm 2020 điểm trúng tuyển một số ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội như sau: Sư phạm Toán (A00: 25,75 điểm), Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh (28 điểm), Sư phạm Ngữ văn (C00: 26,5 điểm) hay Giáo dục Tiểu học 25,05…
“Như vậy, điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không thua kém bất kỳ ngành nào. Năm nay, “điểm sàn” ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm, đã tiệm cận với “điểm sàn” ngành sức khỏe - y dược (từ 19 - 23 điểm)” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ:
Những chính sách của Bộ GD&ĐT, Nhà nước như: Khảo sát nhu cầu giáo viên ở các địa phương để dự báo nhu cầu, từ đó giao chỉ tiêu sát với nhu cầu làm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm đã thể hiện sự chăm lo, đầu tư lâu dài của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo. Chính sách này đã góp phần tăng thêm sức hút cho ngành sư phạm.
Tốp đầu các nhóm ngành có sức hút
Cùng quan điểm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM - phân tích: Hiện, ngành sư phạm giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu hàng năm, phân tích theo khoa học số liệu và dự báo tầm nhìn nên không thể nói là việc đào tạo – sử dụng tách rời nhau.
Ngoài ra, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP là căn cứ quan trọng để các địa phương và trường sư phạm, ngành Giáo dục nâng cao hiệu quả đào tạo và khai thác, sử dụng giáo viên. Hàng năm, ngành y tế và sư phạm đều được Hội đồng tư vấn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) để trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, phê duyệt.
Năm nay, điểm sàn nhóm ngành sức khỏe từ 19 - 22; ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm. Trên cơ sở đó, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (HCMUE) đã xây dựng điểm sàn, trong đó, 3 ngành điểm sàn là 23 gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Hóa học. Ngoài ra, nhiều ngành điểm sàn là dao động từ 20 – 21.
Từ những phân tích trên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm: Ngành sư phạm vẫn có sức hút riêng và có vị thế nhất định trong xã hội. Vì thế không thể nói “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, dù đó là câu nói vui, bởi thiếu sự công bằng và thiện chí.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển ĐH các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tăng cao. Một số ngành “nóng”, điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8 - 9 điểm/môn. Năm 2019, thí sinh trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên là trên 27.300 bằng 52,97% tổng chỉ tiêu. Đến năm 2020, con số này là gần 36 nghìn, tương đương 61,58%.
Đáng chú ý, mùa tuyển sinh năm nay chứng kiến sự quay trở lại tốp đầu của nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng vọt. Nhóm ngành này có tổng chỉ tiêu là hơn 50 nghìn, nhưng số lượng đăng ký nguyện vọng 1 là trên 68 nghìn. Điều này cho thấy, việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp… đã góp phần tăng thêm sức hút cho ngành sư phạm.