Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm năm 2021 tăng mạnh.
Thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt
GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh thông tin: Theo dữ liệu của Bộ GD&ĐT thì số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Năm 2020, thí sinh trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36 nghìn, tương đương 61,58% tổng chỉ tiêu. Năm nay, đặt trong bối cảnh Covid-19, tỷ lệ nhập học mong đợi vào ngành sư phạm khoảng 40 - 50 nghìn sinh viên, đạt từ 50 - 60% tổng chỉ tiêu.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dữ liệu đăng ký vào ngành sư phạm năm nay đã tăng nhiều so với các năm trước và điểm sàn vào sư phạm cũng cũng tăng so với năm trước đã phần nào cho thấy những tín hiệu khả quan và tươi sáng.
Nhấn mạnh, năm nay số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt so với năm ngoái, TS Lương Thanh Tâm – quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp bày tỏ, đây là tín hiệu tốt, thể hiện ngành sư phạm vẫn có sức hút và tiếp tục được cải thiện.
Lý giải điều này, TS Lương Thanh Tâm cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020-NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm cũng tạo nên sức hút cho các thí sinh vào ngành sư phạm, nhất là hiện nay nhiều gia đình gặp khó khăn do tác động của Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm nhưng nâng tầm lên một bước. Theo đó, sinh viên sư phạm không chỉ được miễn học phí, mà còn được nhận trợ cấp 3,63 triệu/tháng.
“Tuy nhiên, để đánh giá về sự cải thiện tình trạng tuyển sinh, về lâu dài cần có thêm dữ liệu các năm sau để đánh giá” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
Hiệu ứng tốt từ chính sách
Đồng quan điểm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn trao đổi, Nghị định 116/2020-NĐ-CP ra đời nhằm hướng đến các mục tiêu: Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các địa phương thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu, gắn với trách nhiệm của các địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp.
Đồng thời, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành.
Mặt khác, xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý, bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học.
Đồng thời, thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội, thúc đẩy việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.
Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Nghị định này cũng làm rõ về cơ chế kinh phí thực hiện đào tạo giáo viên từ các nguồn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương và nguồn lực xã hội khác; các quy định hỗ trợ mới, nhiều ưu đãi hơn cho sinh viên sư phạm.
Đồng thời làm rõ biện pháp chế tài, bồi hoàn kinh phí và yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch các quy trình: Rà soát nhu cầu đào tạo – giao chỉ tiêu – đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.
“Với mức hỗ trợ mới, sinh viên sư phạm có thể có mức sống tối thiểu, giúp các em yên tâm học tập. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với sinh viên giỏi ở các khu vực, những em hoàn cảnh khó khăn, con em vùng dân tộc thiểu số có cơ hội thực hiện ước mơ trở thành các thầy cô giáo tương lai” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, đồng thời nêu quan điểm:
"Sức hút không chỉ ở một tác động mà còn bởi: Nhu cầu thực tế việc làm, tuyển dụng giáo viên; khả năng đầu tư để học và tốt nghiệp, chất lượng đào tạo (nhiều ngành sư phạm đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế hiện nay) và lương bổng…”.