Chuyên gia phân tích điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao

GD&TĐ - Năm nay, điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) đã có những trao đổi trên Báo GD&TĐ xung quanh câu chuyện về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Lý giải nguyên nhân

- Năm nay, điểm chuẩn khối ngành sư phạm (bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2021) khá cao. PGS có thể lý giải về việc này?

- Điểm chuẩn xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên (theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021) cao có thể lý giải ở một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh như: xét tuyển thẳng (học sinh đoạt giải các cuộc thi, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ thi SAT,…), xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thứ hai, thời điểm xét tuyển theo kết quả thi THPT diễn ra sau khi các phương thức xét tuyển khác (xét tuyển theo học bạ, tuyển thẳng) đã xong. Nhiều trường/ngành đã tuyển được khá nhiều thí sinh nên phần chỉ tiêu còn lại để xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều.

Thứ ba, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm nay, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh mục tiêu của kỳ thi từ kỳ thi THPT quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT nên  theo nhận xét chung, đề thi dễ hơn trước đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần nâng cao điểm chuẩn khối ngành đào tạo giáo viên.

Thứ tư, năm nay chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên mà Bộ GD&ĐT giao cho các trường đại học sư phạm giảm hơn so với năm trước. Ví dụ, Trường ĐHSP Hà Nội 2, chỉ tiêu năm 2020 là gần 4000; đến năm 2021 à dưới 1500 chỉ tiêu.

Thứ năm, do Nghị định số: 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm nên đã có hiệu lực nên đã có sức hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên tăng lên. Ví dụ: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 như sau:

Năm

Xét tuyển theo học bạ

Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT

2020

4.783 nguyện vọng

3.490 nguyện vọng

2021

6.997 nguyện vọng

13.460 nguyện vọng

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ. Ảnh: NVCC.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ. Ảnh: NVCC.

Nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế nhà giáo

- Theo logic, điểm chuẩn tăng đồng nghĩa với chất lượng đầu vào tăng; từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục? Ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?

- Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thứ nhất, chất lượng đầu vào (điểm chuẩn); Chương trình đào tạo phải được thiết kế sao cho chuẩn đầu ra phù hợp và không thấp hơn chuẩn nghề nghiệp.

Thứ hai, nội dung chương trình đào tạo phải phù hợp với chuẩn đầu ra, các phương pháp kiểm tra, đánh giá phải phù hợp để đo lường được chuẩn đầu ra…. Đặc biệt, với các ngành đào tạo giáo viên thì chương trình đào tạo phải thích ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, chất lượng đội ngũ giảng viên, bao gồm cả trình độ chuyên môn và trình độ nghiệp vụ (phương pháp giảng dạy); cùng với đó là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo gồm: phòng học, phòng thí nghiệm/thực hành, thư viện, học liệu phục vụ người học….

Thứ tư, môi trường giáo dục: không chỉ là môi trường giáo dục trong trường đại học mà môi trường bên ngoài cũng quan trọng. Ví dụ các tổ chức đoàn, hội phối hợp để tạo các hoạt động cộng đồng cho sinh viên.

Thứ năm, sự liên kết giữa trường. Đại học với doanh nghiệp/trường phổ thông. Gần đây Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 liên kết với các trường quốc tế để sinh viên được tiếp cận với môi trường giáo dục hiện đại như: hệ thống giáo dục Vinschool, Era School, các trường mầm non Montessori school…

Nhìn chung, có thể nói chất lượng đầu vào tăng sẽ là 1 trong số các yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

- Điểm chuẩn tăng cho thấy, ngành sư phạm có sức hút; đồng thời vị thế của nhà vẫn được khẳng định trong xã hội. Quan điểm của PGS về vấn đề này?

- Trong những năm trước, điểm chuẩn của 1 số ngành đào tạo giáo viên khá cao do nhu cầu lớn, ví dụ: giáo viên khối mầm non, tiểu học, tiếng Anh. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số: 116/2020/NĐ-CP, các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên nên sức hút của các ngành sư phạm cũng tăng lên.

Thực tế, giáo viên là nghề đặc thù. Sản phẩm lao động của giáo viên là phẩm chất, năng lực của con người.  Vì thế, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt trái của kinh tế thị trường nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, vị thế của nhà giáo vẫn được khẳng định trong xã hội.

Bên cạnh đó, sự ra đời của hàng loạt trường quốc tế, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và mức lương cao, đã góp phần tăng them sức hút với nghề giáo.

Xin cảm ơn PGS!

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên là: kỹ thuật, công nghệ với 70 mã ngành; tiếp đó là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên với 64 mã ngành. Sau đó mới tới khối Kinh doanh & Quản lý; xã hội nhân văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ