(GD&TĐ) - Thời gian gần đây, tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, lực lượng chức năng phát hiện xử lý nhiều vụ việc liên quan đến trồng cây cần sa trái phép. Trước đây, tại các địa bàn này, tình trạng trồng cây cần sa trái phép cũng có nhưng không phổ biến. Việc phát hiện hàng loạt vụ trồng cây cần sa trái phép một cách đột biến đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trên sẽ có nguy cơ bùng phát.
Tiếng còi báo động
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2011 đến nay có 18/21 tỉnh, thành (trừ Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre và Tiền Giang) phát hiện có việc trồng cây cần sa trái phép. Tổng cộng đã phát hiện, triệt phá 94 vụ, 104 đối tượng; thu giữ 9.155 cây cần sa; 566,86kg cần sa tươi, 208g cần sa khô. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng (ở Ninh Thuận) và tiến hành xử lý hành chính 92 vụ, 102 đối tượng.
Điển hình như ngày 24/6/2010, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng là Huỳnh Văn Tươi, sinh năm 1969, ở xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm và Nguyễn Tấn Phát, sinh năm 1962, ở Thành phố Vĩnh Long đang mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 1,98g cần sa khô và một số dụng cụ phân liều cần sa. Điều tra mở rộng vụ án thu tại nơi ở của đối tượng Nguyễn Tấn Phát 506g cần sa khô và tiến hành khám xét nhà Lê Văn Bé Em tại số 9, ấp Phú Long, xã Tân Phú, huyện Tam Bình thu 25 cây cần sa tươi, 1 gói hạt giống cần sa.
Tại khu vực Tây Nguyên, từ tháng 01/2010 đến nay, các cơ quan chức năng của 4/5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai đã phát hiện và triệt phá 22 vụ, 33 đối tượng trồng cây cần sa trái phép, riêng tỉnh Gia Lai chưa phát hiện vụ trồng cây cần sa nào. Thu giữ tổng cộng 20.678 cây cần sa; 1.720 bịch ươm cây cần sa (mỗi bịch từ 01 đến 04 cây cần sa); 175,2kg cần sa tươi; 1,15kg cần sa khô.
Đối tượng Nguyễn Minh Đầy trồng cây cần sa trái phép |
Địa bàn phát hiện nhiều vụ trồng cây cần sa trái phép là ở Thành phố Buôn Mê Thuột, huyện Cư’Mgar (Đắk Lắk); thành phố Đà Lạt, huyện Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đạ Huoai (Lâm Đồng); huyện Đắk Rlấp, Tuy Đức (Đắk Nông).... Điển hình như vụ: tháng 2/2011, cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc phát hiện phá nhổ 2.542 cây cần sa do ông Nguyễn Minh Đầy, sinh năm 1966, ở thôn 9 xã Ea Khal, huyện Ea H’leo – Đắk Lắk trồng trên 02 sào đất thuê của vợ chồng ông Phùng Văn Quốc và Phùng Thị Thủy với giá 4 triệu đồng tại Đội 4 Thôn 3 xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo.
Nhận thức của người dân về tác hại của trồng cây cần sa vẫn mơ hồ
Cây cần sa là loài cây thuộc họ gai mèo, thân cây thẳng đứng, cây trưởng thành có chiều cao từ 1 đến 2m, phân thành ít hoặc nhiều cành, toàn thân phủ một lớp lông mịn, lá có hình răng cưa, mọc cách có cuống, có lá kèm, chứa chất gây nghiện, ảnh hưởng sức khỏe con người.
Các vụ phát hiện, triệt phá trồng cây cần sa trái phép tại các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên thời gian gần đây cho thấy, tình hình trên chủ yếu xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa và mang tính tự phát. Đối tượng trồng cây cần sa tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên chủ yếu là dân ở các tỉnh phía Bắc vào làm ăn, sinh sống đã lợi dụng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp ranh, khu vực bìa rừng, nương rẫy, nơi ít người qua lại để trồng loại cây này.
Bên cạnh đó, các đối tượng ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Phước thông qua mối quan hệ quen biết sau đó móc nối với các đối tượng ở địa phương để cung cấp giống, hướng dẫn cách chăm sóc cây cần sa với thỏa thuận khi được thu hoạch sẽ thu mua với giá cao. Ngoài các trường hợp trồng cây cần sa với mục đích thu hái, tiêu thụ phục vụ việc sử dụng trái phép, một số trường hợp người dân trồng để phục vụ chăn nuôi.
Cá biệt có trường hợp người trồng không ý thức được việc trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật, chưa nhận thức đúng đắn về cây cần sa, chưa nhận biết được cây cần sa như thế nào, hiểu không đúng về tác hại của việc trồng và sử dụng cần sa hoặc biết nhưng chỉ suy nghĩ đơn giản là để phục vụ chăn nuôi nên vẫn trồng.
Theo Công an huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Lăk cho biết, nhiều trường hợp trồng mà không biết đó là cây cần sa hoặc không biết trồng cây cần sa là trái phép, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ mới biết mình vi phạm pháp luật. Đơn cử như vụ: Ngày 29/7/2011, tiến hành kiểm tra rẫy của công Bùi Xuân Lực và ông Nguyễn Văn Bình, ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song phát hiện, thu giữ 2.036kg cần sa tươi. Ông Bình và ông Lực khai có người ở Bảo Lộc – Lâm Đồng đến gặp, đưa cho một số cây giống và hạt giống nói là cây Ích mẫu và hướng dẫn trồng xen lẫn với cà phê, sắn, ngô sau khi được thu hoạch sẽ mua với giá cao thế là trồng.
Trồng cây cần sa trong nhà |
Chế tài xử lý còn quá nhẹ
Từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng phát hiện ở 18 tỉnh phía Nam và Tây Nguyên tới 94 vụ trồng cây cần sa trái phép nhưng chỉ xử lý hình sự được 2 vụ thì quả thật tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm không cao. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng trồng cây cần sa trái phép ở các địa bàn trên lan rộng. Lần giở lại các qui định của pháp luật thì thấy, để xử lý hình sự một vụ trồng cây cần sa trái phép cũng không dễ. Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, việc trồng cây cần sa trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người trồng đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Căn cứ theo các quy định này, đa số các trường hợp trồng cây cần sa trái phép tại các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên chỉ bị xử phạt hành chính cũng là điều dễ hiểu. Hai trường hợp bị xử lý hình sự là do khi cơ quan chức năng thu giữ được một lượng nhất định cần sa khô đã thu hoạch hoặc đối tượng mang bán cho các đối tượng khác. Do chế tài xử phạt nhẹ nên một số đối tượng mặc dù biết pháp luật nghiêm cấm vẫn cố ý trồng cây cần sa trái phép.
Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận dân cư ở các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên nhất là ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Bọn tội phạm ma túy đã triệt để lợi dụng sự thiếu hiểu biết và sự khó khăn về kinh tế để lôi kéo, mua chuộc người dân tham gia trồng cây cần sa cho chúng.
Vì thế, kế sách lâu dài để triệt xóa tận gốc cây cần sa ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, bên cạnh chế tài xử lý đủ mạnh, các cấp chính quyền cơ sở cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ áp dụng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, trình độ dân trí cho nhân dân. Khi đời sống của quần chúng nhân dân được nâng cao sẽ tạo ta một “phương thuốc đề kháng” mạnh với các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo tham gia trồng cây cần sa trái phép của bọn tội phạm.
Lâm Bách