Vỏ tạo thành bởi các vỏ sinh trưởng xếp liền nhau như ngói lợp, đường gờ từ đỉnh tỏa xuống mép trước ngắn hơn xuống mép sau. Da vỏ phủ lông khá phát triển màu sẫm.
Sò lông sống ở vùng triều có đáy bùn, khá phổ biến ở vùng cửa sông nước lợ các tỉnh từ Nghệ An trở vào.
Trong y học cổ truyền, sò lông được dùng với tên thuốc là mao kham. Dược liệu là thịt sò và vỏ sò.
Thịt sò lông (mao kham nhục) có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc có tác dụng bổ huyết ôn trung, kiện vị, chữa thiếu máu, huyết hư, tiêu hóa kém, đau dạ dày.
Cách dùng: đặt sò lông lên than hồng, nướng đến khi 2 mảnh vỏ của sò nứt bung ra, nước béo chảy ra. Lấy thịt ăn nóng với gia vị.
Tuy thịt sò lông không ngon bằng sò huyết nhưng cũng được nhân dân ưa chuộng và sử dụng khá rộng rãi. Có thể đem thịt sò lông phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, rồi uống mỗi lần 4 - 8g. Ngày 2 - 3 lần.
Ở Trung quốc, sò lông thường được dùng chữa bệnh dưới dạng thức ăn, vị thuốc như sau: thịt sò lông 100g, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 2g với nước cơm để chữa viêm loét dạ dày, tá tràng mạn tính; nấu với rong biển 50g, ăn cái, uống nước; với râu ngô 30 - 60g chữa viêm gan, vàng da, sỏi mật; hoặc với thịt hến 100g và rễ hẹ 50g lại là thuốc chữa mồ hôi trộm.
Vỏ sò lông (mao kham tử) đã gỡ hết thịt, đem rửa sạch, đập vỡ vụn cho vào nồi trát kín, nung cho đến khi đỏ hồng. Lấy ra, để nguội, tán nhỏ, rây bột mịn. Hoặc nhúng ngay vỏ đang đỏ hồng vào dung dịch dấm với tỷ lệ 1kg vỏ/100ml dấm ăn, rồi mới tán, rây bột.
Dược liệu có vị ngọt, mặn, tính hơi lạnh, có tác dụng tiêu tích, hóa đàm, chữa vết máu tụ, tím bầm, tê bại, đại tiện ra máu mủ, kiết lỵ, cam răng. Ngày dùng 12 - 20g bột dưới dạng nước sắc. Có thể làm viên uống. Dùng ngoài lấy bột xoa.