Số hóa toàn diện

GD&TĐ - Chi tiêu không tiền mặt là xu thế và được cụ thể hóa bằng chủ trương của Chính phủ.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, với mục tiêu và giải pháp cụ thể. Hiểu được sự cần thiết và lợi ích của việc này trong nền kinh tế cũng như trong quản lý Nhà nước, một số năm nay, ngành Giáo dục đã và đang có những thay đổi nhanh chóng khi đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Bộ GD&ĐT trong công văn ban hành năm 2019 đã yêu cầu, quán triệt đến tất cả cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện các quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại. Năm học này, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương quán triệt đến cơ sở GD-ĐT về việc khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và đơn vị liên quan để triển khai thu học phí, lệ phí tuyển sinh, khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trang bị phương tiện, tích hợp sẵn sàng mô-đun thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục. Phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán thống nhất mẫu thông tin thanh toán đối với học phí và khoản thu dịch vụ giáo dục. Bố trí đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh, sinh viên, đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí và các dịch vụ giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho người học, gia đình người học…

Nhiều địa phương đã đưa ra chỉ tiêu cụ thể kèm giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục. TP Hồ Chí Minh có thể coi là địa phương đi đầu với việc triển khai đề án Thẻ học đường từ năm học 2014 - 2015. Sau giai đoạn đầu thực hiện (từ năm 2014 đến năm 2016) với nhiều khó khăn, năm 2018, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm mô hình “Trường học thông minh - An toàn - Không dùng tiền mặt” tiếp nối đề án Thẻ học đường trên tinh thần vừa kế thừa, vừa khắc phục hạn chế, cải tiến, bổ sung những cấu phần mới cho phù hợp.

Việc triển khai thử nghiệm đem lại một số hiệu quả, tiến tới mục tiêu 100% trường học trên địa bàn thực hiện việc thanh toán học phí và các khoản thu khác không dùng tiền mặt. Trong năm 2022, tại nhiều địa phương, UBND cấp tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn.

Từ thực tế triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt là không thể phủ nhận; đây cũng là giải pháp tích cực góp phần minh bạch hóa khoản thu trong nhà trường. Tuy nhiên, việc triển khai rộng khắp không phải dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân: Việc tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp rất nhiều khó khăn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa; chưa đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin nơi trường học; thói quen sử dụng tiền mặt; khó khăn với đội ngũ kế toán, thủ quỹ khi phải thay đổi sang sử dụng phần mềm, thao tác trên máy… Do đó triển khai phương thức thanh toán học phí này cũng cần lộ trình phù hợp với điều kiện vùng miền.

Một số giải pháp cần quan tâm là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, nhà trường; hoàn thiện hành lang pháp lý, kiến tạo các hệ sinh thái cho thanh toán số; hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học; đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số...; triển khai giải pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong hoạt động chuyển đổi số, thanh toán điện tử; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ