TP.HCM: Thanh toán không dùng tiền mặt là tiêu chí đánh giá thi đua trường học

GD&TĐ - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản về kết luận và chỉ đạo sau cuộc họp về đề án SSC - Hệ thống quản lý trực tuyến các nguồn thu cho trường học tích hợp thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt

Thẻ học đường thông minh SSC triển khai tại TP.HCM với rất nhiều tiện ích. Ảnh minh họa
Thẻ học đường thông minh SSC triển khai tại TP.HCM với rất nhiều tiện ích. Ảnh minh họa

Theo đó, sau cuộc họp, ông Lê Hoài Nam Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP kết luận và chỉ đạo, thống nhất đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua các đơn vị, cơ sở giáo dục, UBND các quận, huyện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học.

Ngoài ra, xác định mục tiêu 100% trường học ở thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và TP. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục, thông qua Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu, nhanh chóng triển khai thu hộ học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt.

Đa dạng hình thức, không giới hạn các ngân hàng thanh toán, nhằm tạo điều kiện để phụ huynh học sinh thuận lợi trong việc thanh toán, không phải tập trung đến trường, hạn chế tối đa việc thanh toán trực tiếp tại các trường.

Trong đó, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ POS, liên kết tài khoản, thẻ ngân hàng qua các kênh trực tuyến.... 

Sở GD-ĐT cũng thống nhất chủ trương 5 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín được tham gia, phối hợp triển khai dịch vụ trung gian thu hộ, tài khoản phải trả (chuyên thu) học phí và các khoản thu khác của ngành GD-ĐT TP theo đề án SSC.

Trước đó, từ năm 2014, Sở GD-ĐT TP đã hợp tác cùng một số đơn vị xây dựng “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học - Thẻ học đường thông minh SSC” nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà trường, giúp phụ huynh và học sinh thanh toán các dịch vụ qua ngân hàng một cách tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.

Trong giai đoạn đầu thực hiện (từ năm 2014 đến năm 2016), thẻ học đường thông minh gặp rất nhiều khó khăn do phụ huynh và học sinh chưa tiếp cận thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua ngân hàng, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt.

Cuối năm 2016, Ban chỉ đạo đề án quyết định tách các nội dung thực hiện thành 2 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng và nghiên cứu thẻ thông minh và Xây dựng “Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến-SSC” phục vụ riêng cho công tác quản lý thu và thanh toán học phí, các khoản thu khác trong nhà trường.

Đến năm 2018, Sở GD-ĐT TP phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn khảo sát tình hình triển khai thẻ học đường thông minh tại 12 đơn vị trường học.

Sau khi phân tích kết quả khảo sát tại 12 trường học, Sở GD-ĐT TP thống nhất cho triển khai thí điểm Mô hình “Trường học thông minh – An toàn – Không dùng tiền mặt” tiếp nối đề án thẻ học đường SSC trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, cải tiến và bổ sung những cấu phần mới cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà trường và quản lý học sinh trong trường.

Theo đó, mô hình sẽ tích hợp 6 nội dung chính gồm: điểm danh học sinh, chấm công giáo viên, vận hành máy bán hàng tự động, tương tác học đường, quản lý căn tin và hỗ trợ thu học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.