Số ca mắc Covid-19 toàn cầu vượt 100 triệu khi căng thẳng về vaccine gia tăng

GD&TĐ - Hơn 100 triệu ca Covid-19 hiện đã được ghi nhận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu do các cơ quan y tế quốc gia cung cấp và chỉ chiếm một phần trong số ca mắc thực sự trên toàn thế giới.

Tại một nghĩa trang ở Mexico
Tại một nghĩa trang ở Mexico

Mỹ có số ca mắc vượt 25 triệu được xác nhận vào cuối tuần trước và là quốc gia có ổ dịch lớn nhất với số người chết lớn nhất là hơn 420.000 người. TT Joe Biden cho biết việc tiêm chủng cho toàn bộ người dân Mỹ là một thách thức, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ mua thêm 200 triệu liều vaccine đủ để tiêm cho 300 triệu người (hầu như toàn bộ dân số) vào đầu mùa thu.

Vương Quốc Anh đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 3 và nguyên nhân được cho là do một biến chủng mới xuất hiện trước Giáng sinh trước khi lan ra hàng chục quốc gia trên thế giới. Anh hiện là nước có số ca tử vong vượt 100.000 cao nhất châu Âu. Trong khi đó Ireland cho biết sẽ ban hành lệnh giới hạn đi lại bắt buộc lần đầu tiên, cũng như gia hạn lệnh phong tỏa quốc gia lần thứ 3 cho tới ngày 5/3.

Một quốc gia châu Âu khác đang tìm cách tăng cường kiểm soát biên giới là Đức, họ cho biết đang xem xét dừng gần như hoàn toàn các chuyến bay tới. Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer nói với tờ Bild: “Mối nguy hiểm từ nhiều loại virus đột biến buộc chúng tôi phải xem xét các biện pháp quyết liệt”.

Iceland trong khi đó bắt đầu cấp giấy chứng nhận tiêm chủng để những người đã tiêm 2 liều cần thiết dễ dàng đi lại.

Các biện pháp chống dịch mới cũng khiến nhiều người tức giận, Hà Lan rung chuyển vì các cuộc bạo động hàng đêm kể từ khi nước này áp đặt lệnh giới nghiêm vào thứ 7 tuần trước. Hơn 400 người đã bị bắt sau tình trạng bất ổn tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ ập đến nhưng chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ không lùi bước.

Cảnh sát Israel cũng đụng độ với những người biểu tình, bắt giữ 14 người sau khi những người Do thái cực đoan Chính thống giáo phản đối các biện pháp phong tỏa.

Với con số tử vong toàn cầu là 2,1 triệu người, thế giới đã tìm đến vaccine để phá vỡ sự u ám nhưng tranh cãi về việc tiếp cận với số liều vaccine đang gia tăng. Căng thẳng đặc biệt đang leo thang giữa EU và các công ty dược phẩm về việc chậm trễ giao hàng. Tại diễn đàn Kinh tế thế giới, người đứng đầu EU là Ursula von der Leyen nói rằng “châu Âu đã đầu tư hàng tỷ USD để giúp phát triển vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới và bây giờ các công ty phải cung cấp vaccine, họ phải tôn trọng các nghĩa vụ của mình”. Ủy ban châu Âu đã yêu cầu AstraZeneca đưa khoảng 75 triệu liều vaccine sản xuất tại nhà máy ở Anh và đe dọa kiện công ty này.

Trong khi đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán “tổn thất sản lượng tích lũy” là 22 nghìn tỉ USD – tương đương với toàn bộ nền kinh tế Mỹ từ năm 2020 đến 2025. Tuy nhiên, sự lạc quan rằng vaccine sẽ kiểm soát được đại dịch và cho phép hoạt động kinh tế trở lại, cùng với các biện pháp kích thích ở những nền kinh tế lớn, đã nâng dự báo tăng trường của IMF trong năm nay lên 5,5%.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ